Chân Phật Kinh

Chân Phật Kinh

Xuất xứ tự tâm: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn

Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam


Niệm Chân Phật Kinh - Việt nghĩa hoặc Chân Phật Kinh - Hán Việt hoặc Chân Phật Kinh - Tiếng Trung đều có hiệu lực như nhau. (Vào 13h ngày 06/04/2019, dưới sự thỉnh cầu của đệ tử tại Đài Loan, Liên Sinh Hoạt Phật đã đích thân gia trì cho hiệu lực trên.)

Chuẩn bị

Đại lễ bái

Một lễ bái chư Phật mười phương.

Hai lễ bái chư Bồ Tát.

Ba lễ bái Hộ Pháp Kim Cang.


Bốn bái Bình đẳng một cúi đầu.


Tịnh khẩu nghiệp chân ngôn:

Ôm, Su-ri, Su-ri, Ma-ha-su-ri, Su-su-ri, Sô-ha  [Om Ture Ture Maha Ture Tutture Soha]

Tịnh thân nghiệp chân ngôn:

Ôm, Su-đô-ri, Su-đô-ri, Su-mô-li, Su-mô-li, Sô-ha  [Om Tuttare Tuttare Tumare Tumare Soha]

Tịnh ý nghiệp chân ngôn:

Ôm, Va-zờ-ra-đam, Hô-hô-hùm [Om Vajra Dam Ha Ha Hum]


Niệm văn cầu thỉnh Liên Sinh Hoạt Phật gia trì


OM AH HUM


Kính dĩ thanh tịnh Thân Khẩu Ý.

Cung dưỡng Tỳ-Lô-Giá-Na Tôn

Pháp thân Phật Nhãn Phật Mẫu Thánh.

Báo thân Liên Hoa Đồng Tử Tôn

Ứng thân giáo chủ Liên-Sanh Phật.

Tam thân vô biệt Đại Phật Ân

Cung kính Chân Phật đại truyền thừa.

Cụ túc thần thông di lục hợp

Phóng quang biến chiếu ư tam tế.

Nhất như vô gian năng hiện chứng

Phật tử thời thời thường ai thỉnh.

Quang minh chú chiếu phúc tuệ tăng

Tích nhật Thích Ca lại thọ ký.

A Di Đà Phật ân phó thác

Di Lặc Bồ Tát đới hồng quan.

Liên Hoa Sanh Đại Sĩ thọ mật pháp

Kì thỉnh bất xả hoằng thệ nguyện.

Cứu độ ngã đẳng chư chúng sanh

Như thị hộ niệm nhi nhiếp thọ.

Kỳ thỉnh gia trì tốc thành tựu 


Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật.

Nam mô Phật Nhãn Phật Mẫu.

Nam mô Liên Hoa Đồng Tử.

Nam mô Liên Sinh Hoạt Phật.


Nam mô Chân Phật hải hội thập phương tam thế chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.

Niệm thánh cáo (3 lần)


Tây phương Liên Trì hải hội, Ma Ha Song Liên Trì, thập bát đại Liên Hoa Đồng Tử, Bạch Y Thánh Tôn, Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng sư, Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ, Đại Trì Minh Đệ Nhất Thế Linh Tiên Chân Phật Tông. Lư Thắng Ngạn mật hành tôn giả.

Hương tán

Lư hương sạ nhiệt. Pháp giới mông huân.

Chân Phật hải hội tất diêu văn. Tùy xứ kết tường vân.


Thành ý phương ân. Chư Phật hiện toàn thân.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)


Nam mô Chân Phật hội thượng chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần)

Phụng thỉnh hai Phật tám Bồ Tát

Nam mô Pháp Giới Tối Thắng Cung Tỳ Lô Giá Na Phật.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật.

Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Diệu Cát Tường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Trừ Cái Chướng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.


Nam mô Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Khai Kinh kệ

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm màu.

Trăm nghìn vạn kiếp khó tìm cầu.

Nay con nghe thấy chuyên trì tụng.


Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm sâu.

Chân Phật Kinh - Việt nghĩa

Tôi nghe như vầy.

Một thời, Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử tại Ma Ha Song Liên Trì, ngồi trên pháp tọa hoa sen lớn màu trắng, xung quanh là mười bảy đóa hoa sen lớn khác.

Hoa màu xanh phát ánh sáng xanh.

Hoa màu vàng phát ánh sáng vàng.

Hoa màu đỏ phát ánh sáng đỏ.

Hoa màu tím phát ánh sáng tím.

Mỗi đóa hoa sen tỏa ra hương thơm tinh khiết vi diệu.

Bạch Liên Hoa Đồng Tử âm thầm vận thần thông làm Ma Ha Song Liên Trì biến hóa thành ánh sáng vàng kim chói lọi. Tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát. Tiên thảo cũng tỏa ngát hương thơm. Chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, chim Ca lăng tần già, chim Cộng mạng, đều hóa màu vàng kim, cùng hót lên âm thanh hòa nhã của cõi trời.

Trong hư không xuất hiện ánh sáng vàng kim cùng âm thanh cõi trời thanh tịnh vi diệu. Có hương thơm nồng tỏa trong các thế giới, có tầng các bằng vàng trên không trung, tất cả cùng phát hào quang hoa rực rỡ. Mọi chốn nở đầy hoa sen vàng kim và hoa trời bay phấp phới khắp hư không.

Lúc bấy giờ,

Ma Ha Song Liên Trì chấn động mạnh mẽ. Vô lượng chư Thiên đều cảm nhận được, chư Phật, chư Bồ Tát cùng chư Thanh Văn cũng đều cảm nhận được, tất cả liền đi đến Ma Ha Song Liên Trì. Ba mươi ba vị thiên chủ cõi trời cũng vội đến Ma Ha Song Liên Trì. Tập hợp liền hai mươi tám loại thiên chúng, Đế Thích, Phạm Vương, bát bộ, tứ chúng. Rộng giảng nói pháp yếu.

Lúc bấy giờ:

Kim Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đại trí huệ.

Bạch Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Pháp giới.

Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo.

Hắc Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hàng phục.

Hồng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hạnh nguyện.

Tử Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đoan nghiêm.

Lam Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Quả đức.

Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc.

Tranh Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đồng chân. 

Chư Thiên thấy vậy cảm thấy kinh ngạc lạ kỳ. Thế là Đế Thích từ trong chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu hướng về Bạch Liên Hoa Đồng Tử mà thưa rằng: "Thánh Tôn, thật hy hữu hiếm có. Ma Ha Song Liên Trì do nhân duyên nào mà xuất hiện ánh sáng đại quang hoa rực rỡ này?"

Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói: "Đó là vì để thuyết giảng cho các ông vậy."

Đế Thích nói: "Thánh Tôn uy quyền tối tôn. Chỉ mong Thánh Tôn vì chúng sinh mà tuyên thuyết. Tất cả trời người sẽ đều biết phải hướng quay về."

Lúc bấy giờ Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với Đế Thích cùng các đại chúng: "Lành thay lành thay. Nay ta vì các ông và chúng sinh đời mạt thế, cùng những người hữu duyên trong đời tương lai, giảng cho tất cả đều biết đạo lý chân thực Phật pháp và tiêu tai ban phúc."

Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử liền nói tiếp:


"Chư Phật, Bồ Tát cứu độ chúng sinh.

Có:

Tối Thắng thế giới,

Diệu Bảo thế giới,

Viên Châu thế giới,

Vô Ưu thế giới,

Tịnh Trú thế giới,

Pháp Ý thế giới,

Mãn Nguyệt thế giới,

Diệu Hỷ thế giới,

Diệu Viên thế giới,

Hoa Tạng thế giới,

Chân Như thế giới,

Viên Thông thế giới.

Bây giờ sẽ có Chân Phật thế giới."


Thế là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Thánh chúng nghe Thánh Tôn khai diễn Chân Phật thế giới.

Biết được sự cát tường, thiện thệ, đại bi, nhân quả của quá khứ - hiện tại - vị lai, là do Thánh Tôn vì chúng sinh hóa thân thị hiện, ai nấy hoan hỷ chưa từng có, cúi đầu tán thán mà hát lên bài kệ:

Thánh Tôn đại từ bi.

Vô thượng bí mật tôn.

Quá khứ sớm tu chứng.

Giới siêu phàm thoát tục.

Nay lập Chân Phật Giới.

Xót thương chư chúng sinh.

Hóa thân làm giáo chủ.

Hạ giáng cõi Ta Bà.

Lành thay hiệu Liên Sinh.

Vì chúng sinh quảng thuyết.

Chúng con đều đã nghe.

Nguyện sẽ đại hộ trì.

Lúc bấy giờ, Thánh Tôn Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với đại chúng:

"Tu hành lấy vô niệm làm Chánh Giác Phật bảo. Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo. Lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo."

Thánh Tôn nói với đại chúng:

"Nếu có thiện nam tử, tín nữ tử vào ngày 18 tháng 5 hàng năm, tắm rửa trai giới, mặc y phục sạch sẽ, hoặc vào ngày 18 hàng tháng, hoặc ngày sinh thần của mình ở trước mật đàn, phụng thỉnh hai Phật tám Bồ Tát, tụng "Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh" thì cầu gì tùy tâm, sẽ có cảm ứng. Có thể cúng dường hương, hoa, đèn, trà, quả, chí thành cầu nguyện, đều được như ý."

Thánh Tôn nói với đại chúng:

"Những vị quan chức, quý nhân, sa môn, cư sĩ, người tu đạo, phàm tục trong thế gian, nếu nghe kinh này, thêm thọ trì tụng niệm thì những người này bổng lộc chức vị tối thắng, thọ mệnh kéo dài, cầu trai được trai, cầu gái được gái, có được phúc nhiều vô lượng, là đại phúc bảo kinh tăng ích.

Những vong linh, oan thân trái chủ chưa được cứu độ mà còn ở trong chốn u minh, nếu có thể trì tụng kinh này, ấn tống kinh này thì người chết sẽ được lên trời, oan gia trái chủ sẽ bỏ đi, hiện tại còn gặt hái được phúc đức.

Những người nam, người nữ nào hoặc bị tà ma xâm phạm, hoặc bị quỷ thần hãm hại, hoặc có ác mộng hỗn loạn, nếu thọ trì kinh này, ấn tống kinh này thì tà ma sẽ bỏ chạy. Họ lập tức sẽ được an lạc.

Những ai có bệnh tật đeo bám, phải trả nhân quả nghiệp báo của kiếp trước hoặc có các bệnh do quỷ thần, nếu thọ trì kinh này, ấn tống kinh này thì tai ương sẽ được cứu, bệnh tật sẽ tiêu trừ.

Những ai có ác vận, dính phải kiện tụng, bị giam cầm tù tội nhưng có thể trì tụng kinh này, ấn tống kinh này thì tai họa sẽ được giải trừ, điều hung sẽ hóa thành cát tường.

Nếu hai nước xảy ra chiến tranh, có thể trì tụng kinh này, lập tượng cúng dường, sẽ được gia tăng uy lực, chiến thắng chắc chắn.

Người đọc tụng, người ấn tống, người bố thí, tất cả sẽ được cát tường như ý viên mãn, tiêu trừ các độc hại, có thể diệt sinh tử khổ."

Tây phương Chân Phật hải hội, tại Ma Ha Song Liên Trì, Đại Bạch Liên Đồng Tử đều ở trong đó mà nói chú rằng:

Ôm, Gu-ru, Lién-sâng, Sít-đi, Hum” [Om Guru Liansheng Siddhi Hum] (vô số lần)

Thánh Tôn khi giảng xong Kinh này, Đế Thích cùng chư đại chúng, Thiên long, Bát bộ, Tứ chúng cung kính hành lễ, tín thọ phụng hành.


Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh 

(Hết!)

Hồi hướng kệ

Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh độ.

Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ.

Nếu có kẻ thấy nghe, đều phát lòng bồ đề.


Hết một báo thân này, đồng sinh cõi Cực Lạc.


Chú giải


Ma Ha Song Liên Trì: Hai hồ sen lớn.

Kim Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu vàng kim.

Bạch Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu trắng.

Lục Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu xanh lá.

Hắc Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu đen.

Hồng Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu đỏ.

Tử Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu tím.

Lam Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu xanh lam.

Hoàng Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu vàng.

Tranh Liên Hoa Đồng Tử: Liên Hoa Đồng Tử màu cam.

Chốn u minh: Âm gian, cõi âm.

Ấn tống: In và phát tặng kinh sách.

Tín thọ phụng hành: Tin, hiểu và làm theo.

Giảng thuyết - Linh nghiệm Chân Phật Kinh

Tác giả: Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn

Biên dịch: Ban Biên dịch và Truyền thông Upala Việt Nam


Liên Sinh Hoạt Phật thuyết giảng về Chân Phật Kinh cùng những câu chuyện linh nghiệm


01. Tương ứng của việc in ấn Chân Phật Kinh

(Bản văn này được trích từ văn tập số 173 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Một giấc mộng một thế giới.)

Khi tôi tuần hành đến âm phủ, tôi gặp một minh sứ đang đưa một người già muốn lên Thiên giới thanh tịnh. Người già này vốn ở địa ngục chịu khổ, bây giờ chẳng ngờ lại được lên Thiên giới, tôi lấy làm kì lạ.

Hỏi: Cụ họ gì?

Đáp: Ông.

Hỏi: Vì sao lại được thiên giới?

Đáp: Nhờ con cháu đời sau in ba nghìn cuốn Chân Phật Kinh hồi hướng công đức cho tôi.

Hỏi: Làm sao biết mà in Chân Phật Kinh?


Đáp: Con cháu của ông cụ có được một bộ Chân Phật Kinh trong một ngôi chùa, anh ta chú ý tới những bản văn trong cuốn Kinh đó có dạy về thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, ngoài ra còn dạy người ta lấy vô niệm làm chánh giác, do vậy đây cũng là chánh pháp để đạt minh tâm kiến tánh. Thế là anh ta tin tưởng trì niệm.


Cụ già họ Ông kể, sau khi con cháu cụ trì niệm Chân Phật Kinh thì cảm ứng thấy một giấc mơ, trong mơ thấy tổ tiên đang ở trong âm phủ chịu khổ cực. Rồi gặp một người tỏa ra ánh sáng vàng kim rực rỡ chói lọi nói với anh rằng, in tặng Chân Phật Kinh thì tổ tiên sẽ thoát khổ. Sau khi tỉnh dậy, anh cũng chẳng mảy may để ý vì anh cho rằng ban ngày nghĩ sao thì ban đêm mơ vậy. Thế rồi đêm thứ hai, đêm thứ ba anh lại có giấc mơ tương tự, thế rồi anh mới tin.


Anh bèn đem tiền tiết kiệm bấy lâu gửi cho pháp sư của Lôi Tạng Tự, rồi cùng với quỹ quyên góp của chùa mà in Kinh sách. Chính vì như vậy mà tổ tiên lập tức được thoát khỏi khổ địa ngục, thăng lên Thiên giới.


Về sau tôi biết được chuyện này liền chú ý đến đệ tử họ Ông. Phúc báo mà ông in Chân Phật Kinh không chỉ có như sau:



Cá nhân tôi cho rằng việc in tặng sách thiện có công đức rất lớn, đương nhiên không chỉ mỗi in Chân Phật Kinh, mà in Cao Vương Quan Thế Âm chân kinh, Liễu Phàm Tứ Huấn, Bạch Y Đại Sĩ thần chú, Ngọc Lịch Bảo Sao, Thái Thượng Cảm Ứng thiên, Văn Xương Đế Quân âm chất văn, Phổ môn phẩm, sách Phật kinh điển, các sách thiện, đều có công đức rất lớn.

Kinh Hoa Nghiêm, quyển 68 có ghi chép:

Núi non trên biển bao Thánh hiền

Thành tựu thanh tịnh bao điều quý

Rừng cây hoa trái khắp nơi nơi

Suối sông hồ nước luôn tràn đầy.

Trượng phu dũng mãnh Quán Tự Tại

Cư ngụ núi này vì chúng sinh

Nếu con hỏi cách tạo công đức


Ngài sẽ dạy con phương tiện này.

02. Chân Phật Kinh phóng quang

(Bản văn này được trích từ văn tập số 147 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Đừng đánh mất tâm.)

Có một người lạ tên là Tống Viên. Anh đến kể cho tôi nghe một chuyện kì lạ.

Anh theo một người bạn đến tham dự buổi pháp hội Chân Phật Bảo Sám ở Lôi Tạng Tự. Bản thân Tống Viên từ trước tới nay chẳng theo tín ngưỡng tôn giáo nào, anh ngẫu nhiên đến thăm bạn, vừa hay người bạn chuẩn bị đi ra ngoài. Anh hỏi bạn đi đâu, bạn nói đi tham gia pháp hội, anh ta cũng tiện và rảnh nên đi theo bạn tới pháp hội luôn.

Người tham dự pháp hội cũng không ít, mỗi người được phát một cuốn Chân Phật Kinh. Anh lật lật sách, đọc một chút, thấy một câu chú: "Om Guru Liansheng Siddhi Hum.", Tống Viên cũng tò mò mà niệm mấy tiếng rồi ngáp một cái.

Tống Viên tìm một góc tường ngồi xuống, ngao ngán nhìn một đám đông người hát hát niệm niệm, quỳ quỳ lạy lạy. Thế rồi Tống Viên ngủ gật luôn. Trong giấc mơ, bỗng nhiên anh nghe thấy có người nói ngay bên tai anh:

"Chân Phật Kinh này hay lắm!"

"Chân Phật Kinh là bộ Kinh quý cực linh nghiệm."

"Chân Phật Kinh đem theo người có thể bảo vệ anh đó!"


Tống Viên tỉnh dậy, nhìn trái nhìn phải, chẳng có ai đang nói chuyện với anh cả, mọi người khác đều đang bái sám, chẳng có ai để ý đến anh cả. Tống Viên cảm thấy rất khó hiểu, đưa tay xoa xoa đầu, nhưng cũng không bận tâm. 

Cuối cùng pháp hội Chân Phật Bảo Sám cũng kết thúc. Trước khi ra về, Tống Viên hỏi pháp sư của chùa: "Cuốn Chân Phật Kinh này thì sao?"

Pháp sư trả lời: "Có thể tặng cho anh đó!"

Người bạn trước khi đi về còn cười với anh rằng: "Kinh sách miễn phí, cậu có thể lấy thêm mấy cuốn. Nhưng cậu lấy Chân Phật Kinh làm gì? Lẽ nào cậu về nhà niệm Kinh sao?"

Tống Viên mặt đỏ bừng: "Thì... cái này là mở sách ra là có lợi ích mà!"


Sau khi Tống Viên lấy Chân Phật Kinh về thì tiện tay cất Chân Phật Kinh trong chiếc tủ đầu giường ngủ. Một hôm, anh đột nhiên thấy chiếc tủ đầu giường của mình phát quang, anh liên tiếp vài lần nhìn thấy những tia sáng kì lạ. Anh tìm trong tủ đầu giường. Chẳng có vật gì phát ra ánh sáng cả, chỉ có một cuốn Chân Phật Kinh.

Năm đó, đoàn thể công ty anh đi du lịch, thuê nguyên một chiếc xe du lịch loại lớn. Trước khi Tống Viên rời nhà đi thì anh lại một lần nữa nhìn thấy cuốn Chân Phật Kinh phát quang. Tiện tay anh cầm lấy cuốn Chân Phật Kinh đặt vào trong ba lô hành lý, khoác ba lô trên lưng.

Đây là chuyến du lịch kéo dài 3 ngày 2 đêm. Vào ngày thứ hai, xe đi tới vùng núi, vùng núi này vừa mới trải qua một trận mưa lớn.

Đường núi ngoằn ngoèo uốn khúc, hết khúc cua này lại tới khúc cua khác, nhưng tài xế vẫn không hề giảm tốc độ. Một vài đồng nghiệp nữ sức khỏe tương đối yếu mau chóng bị say xe, có một người còn bị nôn nữa. Tống Viên vẫn khỏe nên mau mắn lấy lọ "cao con hổ" đưa cho đồng nghiệp nữ kia. Tay anh cầm chiếc ba lô lên.

Thế rồi, chuyện xảy ra trong tích tắc. Chiếc xe du lịch loại lớn dường như mất điều khiển, từ trên đường bay lên không trung rồi rơi xuống vách đá vực sâu. Bởi vì khoảng cách giữa đường núi và thung lũng rất rộng nên toàn bộ người trên xe không còn ai sống sót. Chỉ có Tống Viên trên tay ôm ba lô, dường như có một sức mạnh rất lớn kéo anh ta, chiếc ba lô văng ra ngoài cửa sổ, còn cả người anh cũng bất ngờ bị kéo văng ra ngoài cửa sổ xe, dường như Tống Viên và chiếc ba lô đều cùng bị một lực kéo văng ra ngoài cửa sổ xe. Trước khi cả chiếc xe rơi xuống vực thì Tống Viên đã bị kéo văng ra ngoài xe rồi, anh ngã lên bãi cỏ bên đường, cánh tay chỉ bị trầy xước mà thôi.

Khi Tống Viên tỉnh táo lại thì chiếc xe du lịch đã lộn nhào mấy vòng và nằm im lìm bất động dưới thung lũng sâu. Toàn bộ người trên xe đều bất động, đồ đạc văng tán loạn tứ phía. Đây là một vụ tai nạn xe khách thảm khốc.

Mặc dù Tống Viên bị một phen vô cùng sợ hãi, nhưng anh là người duy nhất còn sống sót. Sau sự việc anh hồi tưởng lại, việc này nhất định là do cuốn Chân Phật Kinh đã cứu anh. Anh nghĩ lại buổi pháp hội Chân Phật Bảo Sám có người nói bên tai mình rằng: "Chân Phật Kinh đem theo người có thể bảo vệ anh đó!", rồi liên tiếp mấy lần anh nhìn thấy cuốn Chân Phật Kinh phát sáng, thế là Tống Viên bắt đầu niệm Chân Phật Kinh. Anh đã quy y Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn. Bất kể bên ngoài người ta chỉ trích Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn ra sao, anh từ đầu tới cuối vẫn vững chắc đạo tâm, không hề lay động. Anh thực sự cho rằng Chân Phật Kinh đã cứu anh một mạng.

Câu chuyện của Tống Viên khiến tôi chú ý. Đương nhiên tôi tin cuốn Chân Phật Kinh đã cứu mạng sống của Tống Viên, nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác. Vì sao Chân Phật Kinh lại không thể cứu sinh mạng của tất cả mọi người trong xe, mà chỉ cứu mạng sống của mỗi một người chứ?

Đúng vào lúc tôi đang suy nghĩ như vậy, tôi phát hiện ra có một vầng hào quang đến gần, bên trong hào quang là một vùng núi rừng xanh biếc, trong rừng xuất hiện một vị thần, vị thần này nói với tôi:

"Liên Sinh, thấy ngài có thắc mắc nên tôi đặc biệt tới đây nói cho ngài biết."

"Ông là thần gì?"

"Phúc Đức Chính Thần."

Phúc Đức Chính Thần nói với tôi, ông là vị Phúc Đức Chính Thần bảo hộ vùng rừng núi đó, là thần thổ địa của nơi xảy ra sự việc tai nạn xe du lịch.

Phúc Đức Chính Thần nói, buổi tối trước ngày xảy ra vụ tai nạn xe, Phúc Đức Chính Thần vẫn như thường lệ, ông thắp một ngọn đèn thần. Cầm đèn trên tay, ông đi tuần cả vùng núi rừng, đi đến nơi có dòng chảy xiết của thung lũng, bỗng nhiên ông phát hiện ra Thất Gia tướng quân và Bát Gia tướng quân của miếu Thành Hoàng cầm theo khoảng một trăm lính quỷ hừng hực khí thế chiếm đóng khu thung lũng, trên tay mỗi quỷ đều cầm theo dụng cụ hình phạt, bộ dạng giống như muốn bắt người vậy.

Phúc Đức Chính Thần trông thấy Thất Gia, Bát Gia và lính quỷ có mặt tại đây liền biết là sắp có chuyện xảy ra, có tới cả trăm lính quỷ thì sự việc nhất định không hề nhỏ. Còn Thất Gia, Bát Gia cũng trông thấy Phúc Đức Chính Thần. Phúc Đức Chính Thần tiến tới hỏi: "Tướng quân vất vả rồi, có chuyện gì mà tới đây?"

Bát Gia tướng quân đáp:

"Ở đây không có việc của ông, tiểu thổ địa ạ, ông mau về đi ngủ đi!"

"Việc này…"

Bát Gia tướng quân nói:

"Theo luật âm của miếu Thành Hoàng thì miếu thổ địa không được can dự."

Phúc Đức Chính Thần lắp bắp nói:

"Nhưng mà vùng núi non thung lũng này tôi vẫn luôn bảo vệ cẩn thận."

Thất Gia tướng quân nghe xong cảm thấy cũng có lý, ông không nói gì, từ trong áo lấy ra văn kiện truy nã. Phúc Đức Chính Thần vừa đọc xong thì kinh hãi, hóa ra là tai nạn xe lớn, tổng cộng cần bắt 50 người, trong danh sách ghi rõ tên từng người một, tổng cộng là 50 người cả nam cả nữ.

Trong số đó có một người tương đối đặc biệt, đó là người cuối cùng trong danh sách 50 người, tên của người này chính là Tống Viên. Vì sao người này tương đối đặc biệt, bởi vì 50 cái tên khác đều có màu xám tro, chỉ có tên của người này là có một điểm ánh sáng.

Phúc Đức Chính Thần hỏi:

"Có cửa sống ư?"

"Không sai."

"Vì sao Tống Viên lại được sống tiếp?"

"Người này có một cuốn Kinh điển phòng thân bảo vệ."

"Là Kinh gì?"

"Chân Phật Kinh."

Phúc Đức Chính Thần trong lòng đầy từ bi, nên ông cũng hỏi một vấn đề tương tự:

"Kì lạ, trên xe có Chân Phật Kinh, vì sao không thể bảo vệ sinh mạng của mọi người trong xe, mà lại chỉ bảo vệ mạng sống của mỗi một người?"

Bát Gia trả lời:

"Tống Viên này đã đọc Chân Phật Kinh, cũng niệm tâm chú Liên Hoa Đồng Tử. Còn những người khác vẫn chưa biết Chân Phật Kinh, cũng chưa từng niệm tâm chú. Tất cả sinh tử đều có định số, giữa trời đất này, tất cả họa phúc, lành dữ đều có nghiệp tồn tại. Trời đất quỷ thần chỉ là người chấp hành, khi nào bắt chỉ là vấn đề thời gian mà thôi."

Phúc Đức Chính Thần nghe xong, trong lòng buồn bã, lê thê trở về miếu thổ địa nhỏ của mình.

Phúc Đức Chính Thần nói:

"Bởi vì Liên Sinh Hoạt Phật thương tiếc cho vụ tai nạn xe này, cũng nghĩ tới câu hỏi tương tự, do vậy tôi mới hiện thân để nói cho ngài hay."

Tôi chắp tay cảm tạ Phúc Đức Chính Thần. Phúc Đức Chính Thần rất hoan hỉ rời đi.

Tôi đau lòng thay!


Thượng Thiên vốn rất ưu ái con người, do vậy mới đưa xuống rất nhiều kinh điển tu hành để cứu người. Những kinh chú này vốn đều là những lời dạy bảo chân thành, cũng là tấm lòng của Phật Bồ Tát, có thể nói giống như một sợi sinh cơ. Con người chỉ cần bám chắc lấy sợi sinh cơ này là có thể giữ được mạng sống, chỉ cần chăm chỉ đọc kinh niệm chú, mọi việc ác đừng làm, mọi việc thiện đều làm, thanh tịnh thân, khẩu, ý của chính mình, đưa vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày, đây chính là con đường trở về cõi Trời, cũng chính là con đường hóa giải tai họa, gia tăng phúc huệ.

03. Linh hồn chết oan được siêu thoát

(Bản văn này được trích từ văn tập số 118 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Phong thái giữa trời đất.)


Tôi ra ngoài hoằng pháp, lúc trở về khách sạn thì thấy một cụ bà quỳ dưới đất không chịu đứng dậy. Tôi hỏi bà có chuyện gì xảy ra. Bà cụ đáp, con trai gặp tai nạn xe, từ đầu đến chân bị nghiền nát, thê thảm vô cùng, chắc chắn là phải xuống âm ti địa ngục rồi, mong tôi có thể tiến cử anh được siêu thoát. Bà cụ cứ quỳ mà khóc như vậy, mọi người thì đứng vòng tròn xung quanh bà. Thế là tôi đồng ý với bà, xin bà viết ra họ tên, ngày sinh, địa chỉ khi còn sống của con trai, và cả ngày chết của anh. Tôi xin bà đứng dậy trước đã, buổi tối tôi nhất định sẽ thay con trai bà làm Phật sự.


Tối đó, tại phòng khách ở khách sạn, tôi chuẩn bị một ít bánh bao và cơm chay đơn giản, rồi tắm rửa sạch sẽ, bắt đầu niệm Kinh. Trước tiên tôi niệm tịnh khẩu nghiệp chân ngôn, rồi lại niệm thần chú thanh tịnh thân tâm, làm cúng dường, tứ quy y. Sau đó tôi niệm Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc kinh [Chân Phật Kinh], phụng thỉnh hai vị Phật tám vị Đại Bồ Tát.


Trong Kinh có nói: Nếu có người chết oan, oan thân trái chủ, chưa được siêu độ, phải chịu vật vờ trong cõi u minh, nếu họ có thể trì tụng Kinh này, ấn tống Kinh này, thì người chết sẽ được lên trời, oan thân sẽ rút lui, sẽ gặp được vận may. Tôi tụng Kinh xong thì lại niệm bảy biến Chú vãng sinh.


Sau đó tôi cảm thấy vẫn chưa được, bởi vì thân tâm tôi vẫn chưa có được cảm giác an tĩnh, oan khí vẫn còn chưa tan. Tôi lại niệm thêm vài biến Chân Phật Kinh nữa, rồi làm tịnh pháp thế thân, thắp thêm nhiều loại hương, lúc này oan khí mới tản đi. Cuối cùng, tôi tiễn chư Phật Bồ tát, đốt sớ văn. Tôi bận rộn làm đến tận đêm khuya rồi mới yên tâm lên giường đi nằm nghỉ.


Ngày hôm sau, mới sáng tinh mơ, tôi muốn đi ra ngoài. Cả gia đình người lớn trẻ nhỏ của bà cụ đã lại quỳ hết ngay trước cửa phòng tôi.

Tôi nói: "Tôi đã giúp anh ta được siêu thoát rồi, thực sự tôi đã làm rồi."

"Chúng tôi biết, chúng tôi đã biết rồi, chúng tôi đặc biệt tới để bày tỏ lòng biết ơn ngài!"

"Không cần cảm ơn, đây là bổn phận của tôi mà!"


Bà cụ nói: "Liên Sinh Hoạt Phật, ngài nhất định phải nghe tôi nói, đây đúng là kì tích đó! Ngài nhất định phải nghe!"


Tôi vừa nghe nói là kì tích thì mới chịu đứng yên. Họ kể cho tôi nghe thế này: Chính vào đêm qua, già trẻ trong nhà của bà cụ, vợ của con trai bà, anh em của con trai bà, con trai của con trai bà đều mơ thấy cùng một giấc mơ. Họ đều mơ thấy linh hồn của người chết vì tai nạn xe trở về nói với họ rằng: "Tôi ở trong địa ngục chết oan đã chịu rất nhiều khổ nạn, chẳng có cách nào thoát thân. Nay may mắn gặp được Thánh Tôn đã niệm Chân Phật Kinh, đã giải hết nghiệp chướng nhiều kiếp của tôi. Giờ đây tôi đã được giải thoát khỏi xiềng xích rồi, âm ty Minh Vương đặc biệt ban sớ văn xuống, tôi sẽ được chuyển thế đi đầu thai vào một gia đình người tốt. Mọi người nên cảm tạ Thánh Tôn, không được lơ là, không được qua loa. Tôi đi đây."


Anh em của con trai bà mơ thấy bèn kể lại cho chị dâu em dâu, không ngờ chị em dâu cũng có giấc mơ này. Không chỉ như vậy, ngay cả đứa trẻ cũng mơ thấy cha đến nói như vậy. Họ cùng đi kể cho bà cụ nghe. Bà cụ nói: "Ta cũng mơ thấy như vậy." Cả nhà đều kinh ngạc vô cùng.

Thế là cả nhà họ từ già đến trẻ chuẩn bị một món quà để tạ lễ. Mới bình minh họ đã đến trước cửa khách sạn, chủ yếu là đến để lạy tạ tôi. Tôi nghe xong trong lòng rất vui mừng, nói: "Đây là phúc phận của mọi người, cũng là lòng từ bi của Phật Bồ tát, chẳng phải năng lực của tôi. Tạ lễ này không dám nhận."

"Không được, nhất định ngài phải nhận." Họ đồng thanh nói.

"Không thể nhận được."

"Nhất định phải nhận."

"Như thế này là được rồi." Tôi nói: "Vừa hay Singapore đang xây Lôi Tạng Tự, phần quà này của các vị xin đem đóng góp vào đúc tượng kim thân của Như Lai đi!"


Nói như vậy họ mới đồng ý.


Ngoài ra còn một chuyện siêu độ bốn vong linh nữa tôi cũng muốn kể lại trong bản văn ngắn này. Chuyện này có liên quan đến nhiều mối quan hệ lớn, tôi vốn không muốn đề cập đến. Nhưng thôi cứ kể vậy!


Có một vị cao tăng 90 tuổi nổi tiếng khắp trong nước ngoài nước, ông cũng có xây dựng một vài đạo tràng. Nhưng sau khi ông viên tịch thì không ngờ lại bị đọa vào địa ngục. Minh Vương thông báo mời tôi đến tham gia "hội thẩm".


Tôi thực lòng thực dạ nói cho mọi người biết, tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) có thể đến được Tam Tào. Tam Tào chính là Thiên Tào, Địa Tào, Nhân Tào. Vị cao tăng 90 tuổi bị đọa địa ngục, sao tôi lại phải đi "hội thẩm" nhỉ? Hóa ra việc này thực sự có liên quan đến tôi, bởi vì vị cao tăng này đã phỉ báng Mật giáo, cũng từng phỉ báng tổ sư của Mật giáo, thậm chí phỉ báng tôi càng nhiều nữa. Khẩu nghiệp của cao tăng rất nặng, bởi vậy ông mới rơi vào tay của Minh Vương.


Lúc hội thẩm, cao tăng vẫn khoác áo cà sa, nhưng mặt mày nhợt nhạt lạnh ngắt, đầy vẻ hối hận. Khi còn ở nhân gian, từ lâu ông đã bị bệnh tật dày vò đau đớn. Đồng thời trong lúc hội thẩm còn có ba đệ tử khác của cao tăng cũng phạm nghiệp nặng tương tự. Linh hồn của bốn người xếp thành một hàng.

Tôi hỏi Minh Vương: "Tăng nhân phải làm sao để được giải thoát?"

Minh Vương đáp: "Chỉ có ngài giúp được mà thôi."

"Sao lại nói vậy?"

"Tăng nhân phỉ báng Mật giáo, cũng phỉ báng ngài, ngài là đương kim bí mật chủ, chủ của kim cương chân ngôn giới, chỉ có ngài mới có thể giải thoát cho ông ta."

"Tôi phải làm sao?"


Minh Vương đáp: "Liên Hoa Đồng Tử phóng bạch quang, ở phía trước tiếp dẫn, nhưng phải dạy tăng nhân trì tâm chú của ngài mà đi thì mới có thể được giải thoát."


Trong lòng tăng nhân do dự, nhưng ông chẳng còn lựa chọn nào khác. Miệng đành phải lầm bầm niệm tâm chú của tôi, tôi ở không gian trên đầu phía trước, tăng nhân theo sau, tất cả cùng đi ra khỏi u minh giới.


Chuyện này chính là:

"Lành thay đại chân ngôn

Trì chú diệt tội chướng

Lòng tôi thường mong muốn


Tiếp dẫn đến Tây phương."


Có lẽ sẽ có người chất vấn tôi rằng đường đường là một cao tăng nổi tiếng khắp trong ngoài Trung Quốc lại bị đọa địa ngục, cũng cần có ngài cứu độ, liệu có sai sót gì ở đây không? Câu chuyện này của tôi có người làm chứng, là Liên Hoa Thụ Anh. Bà từ đầu đến cuối đều trông thấy tôi tiếp dẫn cao tăng 90 tuổi này đi ra khỏi địa ngục. Bốn linh hồn ma ở hội thẩm bà đều nhìn thấy, Liên Hoa Thụ Anh là người làm chứng cho chuyện này.

04. Chết rồi sống lại

(Bản văn này được trích từ văn tập số 145 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Sống từng phút giây trong sáng.)

Có người đến hỏi về thọ mệnh thế nào.


Tôi đáp: "Tôi không bao giờ đoán tuổi thọ của người ta." Đây là quy tắc nhiều năm của tôi ai cũng biết.

Người đó nói:

"Tôi không hỏi tuổi chết, chỉ muốn hỏi có sống lâu không?"

Tôi đáp: "Lâu."


Người đó vui vẻ ra về, đem tin tức về việc sống lâu nói cho tất cả mọi người biết. Người nhà, hàng xóm và bạn bè thân hữu đều vui mừng cho anh ta.

Khoảng hai năm sau.

Người đàn ông "có số sống lâu" này, khi đó 49 tuổi ở ngay trước cửa nhà mình đột nhiên thấy mọi thứ quay cuồng, rồi ngất xỉu ngã lăn ra đất bất tỉnh. Cấp cứu đến bệnh viện thì bác sĩ nói rằng đã có dấu hiệu chết thật rồi, nên tính sẽ trả về nhà chuẩn bị lo tang lễ.

Con trai anh ta là Tưởng Hưng đến tìm tôi xử, hung hăng hỏi tội: "Cha tôi nói sẽ sống lâu mà sao 49 tuổi đã chết!"

Tôi đáp: "Không thể nào."

"Làm sao mà không thể, rõ ràng đã chết rồi, Lư Thắng Ngạn ông là tên lừa đảo. Cái gì mà Đệ Nhất Thần Toán, có mà bói toán bịp bợm."

Tôi không biết nói gì, chỉ có thể lập bập: "Cái này... Cái này..."

"Cái này cái gì. Trả lại mạng người đây!"

"Một mạng người đền rồi thì tôi làm sao còn mạng mà sống chứ?"


"Không phải là mạng sống thì tôi không muốn bất kì cái gì khác." - Tưởng Hưng nổi điên lên giơ nắm đấm muốn đánh tôi.

Tôi nói: "Tôi sẽ giúp cha anh xem lại vì sao thọ mệnh lại như vậy, rồi báo lại cho anh biết được chứ?"

"Hãy cho chúng tôi biết một lý do tử tế, nếu không chắc chắn tôi sẽ không bỏ qua cho ông đâu. Tôi sẽ công khai trên truyền thông rằng ông là một tên bịp bợm!"- Tưởng Hưng nổi giận phừng phừng.

Tôi định tâm, vận khởi nguyên thần…

Học tập càn khôn thiên địa hàm.

Nguyên thị Bồ Tát hạ cửu thiên.

Quang minh thấu triệt mang hộ hữu.

Chư đa hộ pháp bài lưỡng biên.

Kim lô trầm đàn hương yên khởi.

Pháp thân thanh tịnh tính tự nhiên.

Nhất thanh tích lịch tam thiên giới.

Trực siêu tam giới chứng niết bàn.

 

Dịch nghĩa:

Học nắm càn khôn trong trời đất.

Bồ Tát cửu thiên, hạ giáng trần.

Quang minh thấu triệt, không ngừng giúp.

Trì hộ hai bên, hộ pháp thần.

Kim lư trầm đàn, hương tỏa chân.

Thanh tịnh tự nhiên, chính Pháp thân.

Vang lên tiếng sét, xuyên thiên giới.

Tam giới vượt siêu, chứng niết bàn.

Tôi đuổi theo cha của Tưởng Hưng. Trên đường đến suối vàng, tôi trông thấy hai người mặc áo màu xanh lục áp giải cha của Tưởng Hưng đi phía trước.

Tôi vừa đến thì cha của Tưởng Hưng nhìn thấy bèn la lên:

"Lư Thắng Ngạn cứu mạng! Lư Thắng Ngạn cứu mạng! Xin cứu mạng!"


Tôi ngăn hai người áo xanh lại: "Người này thọ mệnh vẫn chưa tới, vì sao lại bắt đi làm người âm?"

Hai người áo xanh nhìn thấy tôi tỏa ra Tam quang (ba loại ánh sáng) liền cúi đầu, từ trong tay áo lấy ra một cuốn sách lớn cho tôi xem.

Dưới tên của cha Tưởng Hưng có viết rất nhiều thứ, đều là những phúc lộc lúc còn sống và quả nhiên là tuổi thọ rất dài.


Thế nhưng ở phía sau lại có ghi chú: "Vào ngày X tháng Y năm Z đã gian dâm một cô gái nên lập tức bị tước đoạt tuổi thọ, chỉ sống đến 49 tuổi..." Tôi xem mà giật mình.

Tôi hỏi cha Tưởng Hưng: "Có chuyện này không?"


"Đó chỉ là vì hưng phấn nhất thời, nay tôi biết sai rồi! Tôi nhất định sẽ hối cải, nhất định siêng năng làm việc thiện. Lư Thắng Ngạn cứu tôi với, Lư Thắng Ngạn cứu tôi."

Tôi không nhẫn tâm, bèn hỏi hai người mặc áo xanh:

"Còn có thể cứu được không?"


"Không." - Hai người mặc áo xanh lắc đầu: "Sách lớn đã viết rồi, không thể nào tiếp tục sống. Trừ phi người phạm tội lập lời thề và được Thần minh áp ấn, nếu không thì không thể cứu được."


"Tôi có thể thề" - Cha của Tưởng Hưng hét to.

"Ai áp ấn?"


Hai người mặc áo xanh nói: "Ngài trên người có ba loại ánh sáng, Phật quang, Linh quang, Kim quang, chính ngài có thể áp ấn!"

Hai người mặc áo xanh, áp giải cha Tưởng Hưng quay mặt hướng về biển lớn mênh mông bắt lập lời thề rằng: "Thề tránh phạm giới tà dâm đến hết thọ mệnh của mình, vĩnh viễn không thay lòng. Nếu còn phạm tội thì lập tức tai họa sẽ đến. Từ nay về sau nỗ lực khuyến cáo mọi người giữ giới. Nỗ lực làm việc thiện cho tới khi chết. Trở thành Phật tử, nỗ lực tu hành."


Rồi tôi vẽ áp ấn vào cuốn sách lớn. Hai người mặc áo xanh liền đẩy cha Tưởng Hưng vào trong biển.


Nói về phía cha Tưởng Hưng, vốn dĩ tim đã ngừng đập, nhiệt độ cơ thể cũng tụt xuống, đôi mắt trở nên trắng dã, hai chân duỗi thẳng, đây gọi là "duỗi chân trợn mắt". Người đã chết một ngày, xung quanh con cái bạn bè thân cận đều đã tụ tập một đám. Nhưng đột nhiên máy đo tim lại bắt đầu "tu tu" rồi tim đập trở lại, quanh tim dần có hơi ấm, tứ chi dần dần có cảm giác.

Mí mắt giật giật! Đầu ngón tay cử động!


Cha Tưởng Hưng đột nhiên tỉnh dậy, không ngờ chết rồi mà sống lại, muốn uống nước. Vụ chết rồi sống lại đã làm kinh động giới báo chí, cũng được đăng lên báo.

Tưởng Hưng hỏi: "Sau khi chết đi thì thế nào?"

Đáp: "Như ảo mộng."

"Ảo mộng cái gì?"


Đáp: "Hư không."

Còn cha Tưởng Hưng không nói gì. Dù cha Tưởng Hưng không nói gì, nhưng từ đó ông ta gặp ai cũng luôn khuyên răn không được tà dâm và nói rõ họa của tà dâm.

 Một hôm, cha Tưởng Hưng tới tìm tôi.

"Lư Thắng Ngạn, tôi tới tìm ngài!"

"Tôi biết ông sẽ tới."

"Tôi tới cảm ơn ngài đã cứu tôi, cũng giúp tôi áp ấn."

"Không có gì." - Tôi nói.

"Tôi tới quy y ngài học Pháp, bái ngài làm thầy."

"Rất tốt."


"Thỉnh Sư Tôn ngồi."


Tôi ngồi trên bồ đoàn, đoan nhiên bất động. Cha Tưởng Hưng đoan đoan chính chính hướng về tôi lễ bái quy y.


Tôi nói: "Tam quy y của tôi ở đây so với Tam quy y của các Pháp sư trên thế giới đại khái không giống nhau. Tam quy y của các Pháp sư trên thế giới là quy y Phật không đọa địa ngục, quy y Pháp không đọa ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa luân hồi. Pháp luân thường chuyển. Tam quy y của tôi, quy y Phật phải định ba tâm, quét sạch lục dục, thường giữ thanh tịnh, bất loạn chân tính, đây mới là quy y Phật.


Quy y Pháp là không nói, không nhìn, không làm những việc phi lễ giáo. Thân không làm những việc bừa bãi, miệng không nói những lời tệ hại, phải nhất tâm suy nghĩ đúng đắn, đây mới là quy y Pháp chân chính.


Còn quy y Tăng là giữ thân thanh tịnh, siêu xuất tam giới, biết nơi pháp thân chân chính mà an thân lập mệnh. Hiểu sinh ra từ đâu, chết đi từ đâu, biết con đường đến cửa sinh cửa tử, hiểu thấu nơi pháp thân thanh tịnh để thường trụ bất diệt, đây mới là quy y Tăng chân chính."

Cha Tưởng Hưng nghe xong càng hiểu Tam quy y chân chính.


"Lời của Sư Tôn là chân lý. Con muốn báo đáp ơn quy y!"

Cha Tưởng Hưng hỏi tôi:

"Sau này Sư Tôn thân đi về đâu để con còn hầu phụng?"


Tôi đáp: "Không vướng bận việc đi Nam về Bắc, tôi phiêu du khắp năm châu thế giới, muốn hỏi thân ở đâu thì tôi thường tu ở trên trời tịnh diệt. Tôi nói cho ông hay, ông không cần phải phụng sự tôi, báo đáp tôi. Nếu như ông dựa vào Tam quy ngũ giới mà tu hành nỗ lực không ngừng nghỉ, thì chính là phụng sự, cũng chính là báo đáp rồi."

Cha Tưởng Hưng kính lễ rồi đi.


Sau này tôi được biết cha Tưởng Hưng in rất nhiều sách thiện, in Ngọc Lịch Bảo Sao Khuyên Thế Văn (phiên bản ở Việt Nam là Ngọc Lịch Bửu Phiêu) và Cao Vương Kinh tặng người ta, in tặng cả Chân Phật Kinh. Ngoài ra đối với việc "không tà dâm", ông gặp ai cũng đều nỗ lực khuyên răn.


Cha Tưởng Hưng sau này xuất gia làm tăng. Tăng nhân trong chùa có lần nghe thấy tên Lư Thắng Ngạn, đã không ngớt lời nhục mạ. Chỉ riêng cha Tưởng Hưng không nói mà chỉ một tiếng niệm Phật.


Ông ta viết một bài kệ gửi cho tôi.

Tha Phật tự Phật.

Tha Tiên tự Tiên.

Thao thao hồng trần.

Thanh tịnh tự nhàn.


Dịch nghĩa:

Kệ người ta Tiên Phật.

Ta tự có Phật Tiên.

Hồng trần cuồn cuộn chảy.

Tịnh tâm, tự an nhàn.


Cha Tưởng Hưng đã ngộ ra rồi đó!

05. Ung thư thực sự biến mất

(Bản văn này được trích từ văn tập số 173 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Một giấc mộng một thế giới.)

Chuyện xảy ra ở khoa Ung Thư tại một bệnh viện lớn.

Có hai bệnh nhân mắc ung thư, sau khi làm hóa trị xong cùng nói chuyện với nhau:

"Anh và tôi hôm nay sinh mệnh chỉ còn tính bằng giờ khắc, có cách nào có thể cứu được không nhỉ?"

Người kia cười khổ:

"Phép thần."

Người hỏi thản nhiên nói:

"Trên thế gian này làm gì có phép thần."

Người cười khổ nói:

"Có người chuyên tâm niệm A Di Đà Phật, cũng có người chuyên tâm niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng có người chuyên tâm đọc Kinh, đều là hy vọng vào phép thần. Phật pháp hiển hóa, thiên chủ cứu độ."

"Được sao?"

"Có người được có người không."

"Vì sao thế?"


"Tất cả đều là duyên phận."

Người cười khổ nói:

"Có người mắc bệnh ung thư, sau khi làm hóa trị thì khỏi bệnh. Nhưng cũng có người chữa mà không khỏi, chẳng phải là duyên phận sao?"

"Nói cũng phải."

Người cười khổ nói:


"Có người tặng tôi một cuốn Kinh, là Chân Phật Kinh, tôi muốn tùy duyên tặng cho anh. Anh niệm đi! Nói không chừng anh lại có duyên. Cần có tín tâm, tín tâm rất quan trọng đó."

Người hỏi cầm lấy cuốn Chân Phật Kinh, niệm một biến, trì tâm chú. Trong giấc mơ anh lập tức nhìn thấy một người vươn tay vào trong phổi anh, lấy ra một thứ bẩn ở trong phổi, anh cảm giác như được giải thoát, tất cả đau đớn của bệnh đột nhiên nhẹ nhõm hẳn, thậm chí chẳng còn thấy gì nữa.

Người trong mơ nói với anh:


"Anh có duyên, bệnh của anh sẽ khỏi, sống đến 99 tuổi."


Sáng hôm sau tỉnh lại, kể cũng kì lạ, bệnh nhân mắc ung thư này kiểm tra toàn thân thì không thấy các tế bào ung thư đâu nữa, thực sự bệnh đã hoàn toàn biến mất. Nhưng người cười khổ, người tặng cho anh cuốn Chân Phật Kinh thì đã chết rồi, cũng đã được giải thoát khỏi bệnh khổ rồi.


Bệnh nhân mắc ung thư này cầm cuốn Chân Phật Kinh đi đến vài ngôi chùa hỏi những người xuất gia và cư sĩ tại gia, tất cả đều nói "không biết Kinh này". Anh tìm kiếm rất lâu, sau đó mới biết kinh điển này là do Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn tuôn chảy ra từ tâm mình. Anh muốn tìm tôi để cảm ơn, nhưng cũng không gặp được, bởi vì tôi đã bế quan, không gặp người ngoài nữa. Anh đến Lôi Tạng tự xin quy y và quán đảnh.

Anh nói:


"Trong giấc mơ anh nhìn thấy một người vươn tay lấy ra thứ gì đó bẩn từ trong phổi anh, người này thực sự là Lư Thắng Ngạn Sư Tôn."

06. Thập phương hiển thánh cứu người hôn mê

(Bản văn này được trích từ văn tập số 089 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Chân Phật mộng trong mộng.)

(1)

Sư Tôn, Sư Mẫu kính yêu!


Đệ tử là Liên Hoa Sâm Minh và vợ là Liên Hoa Mỹ Ngọc rất biết ơn Sư Tôn lần này đã đến Singapore, để cho rất nhiều các đồng môn Singapore và Malaysia có cơ hội tham gia hai pháp hội thù thắng. Mọi người đều hy vọng Sư Tôn có thể tới đây thường xuyên hơn.


Đêm qua ngày 18 tháng 2 âm lịch, đệ tử không sao ngủ yên được. Tới gần sáng, vào lúc nửa tỉnh nửa ngủ, con đã mơ thấy Sư Tôn đến nhà cha mẹ con để gia trì cho cha mẹ. Sau đó Sư Tôn hóa thành ánh sáng bay đi!

Hôm nay (ngày 19 âm lịch), buổi tối con gọi điện về nhà mới biết buổi chiều hôm trước mẹ của con bị ngất xỉu, cho đến buổi sáng hôm nay mới tỉnh lại. Hóa ra là sáng sớm nay Sư Tôn đã đi cứu mẹ con. Con không biết phải làm sao để cảm tạ tấm lòng từ bi của Sư Tôn đã cứu giúp, chỉ có thể rớt nước mắt nói lên mấy tiếng cảm ơn. Hiện tại mẹ con đã khỏe lên một chút rồi, chỉ là nếu đứng dậy đi vài bước thì sẽ bị chóng mặt. Đệ tử quỳ xuống cầu xin Sư Tôn lại đến chữa bệnh cho mẹ con. Đệ tử sống tại Singapore, còn mẹ và em gái em trai của đệ tử thì đều sống tại Selangor, Malaysia.

Cầu nguyện cho các bậc cha mẹ trong thiên hạ đều an khang.

Nguyện tất cả chúng sinh đều có được Phật pháp, thực tu viên mãn.

Phật an!

Đệ tử: Liên Hoa Sâm Minh - đêm 19 tháng 2 âm lịch sám hối.

(2)


Tôi biết Liên Hoa Sâm Minh và Liên Hoa Mỹ Ngọc thường trì tụng Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, cũng thường trì tụng Chân Phật Kinh không gián đoạn.


Nhưng Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh không phải là Kinh điển dịch từ tiếng Ấn Độ, trong Đại Tạng Kinh không có kinh này, trong kinh này có tên các vị Phật và thánh hiệu của Quan Thế Âm Bồ Tát.


Tuy vậy, trong "Nho Lâm Truyền" thời Bắc Ngụy và "Lư Đồng Truyền" thời Bắc Sử đều có ghi chép lại sự tích về Lư Cảnh Dụ. [Nho Lâm Truyền là bộ truyền thuyết do nhà sử học Ban Cố thời Đông Hán biên soạn.] Lư Cảnh Dụ do bị liên lụy phải vào tù, ở trong tù thành tâm tụng niệm Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh, không ngờ tất cả những xiềng xích trói trên người đều tự động tuột ra. Sau đó Vũ Vương Tề Hiến biết được ông bị kết tội oan liền miễn tội cho ông.


Sự linh nghiệm của Cao Vương Quan Thế Âm Chân Kinh nhiều không thể đếm hết. Chân Phật Kinh cũng vậy. Những sự linh nghiệm này không phải là những việc mà phàm phu tục tử có thể ngụy tạo ra. Liên Hoa Sâm Minh và Liên Hoa Mỹ Ngọc thường xuyên trì tụng hai bản Kinh này.


Cần biết rằng Chân Phật Kinh có thân samaya, là tam thân của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn, là thân chủng tử, thân tam muội, thân tôn giả, cũng còn được gọi là tam thân: Pháp thân, Báo thân, Ứng thân. Trong Kinh có cảnh giới nội chứng của Phật Bồ tát, có lời thề của hộ pháp thần Kim cang, có biểu tượng hoa sen của Bồ tát. Người đọc tụng Chân Phật Kinh nếu có thể đạt đến "tam muội tương ứng" có thể nhìn thấy được vẻ mặt từ bi của Liên Sinh Hoạt Phật, hoặc thấy ngài thân màu trắng, hoặc thấy hoa sen trắng to như bánh xe.


Do vậy, Liên Hoa Sâm Minh nhìn thấy Sư Tôn đi đến nhà cha mẹ để gia trì cho cho mẹ anh. Sau đó Sư Tôn hóa thành ánh sáng bay đi. (Hóa ra là do mẹ anh bị bất tỉnh một ngày đêm, Sư Tôn đã đi cứu bà.) Sự việc này chính là thập phương hiển thánh cứu người hôn mê.

(3)

Những sự việc linh nghiệm chân thực giống như thế này cực kì nhiều.


Có một người tên là Liên Hoa Thời Triều, khi mới quy y đã mắc bệnh nặng tới mức sắp chết, gần chết mấy lần rồi đều được các vị cứu sống lại, cả trăm loại thuốc cũng đều không có hiệu quả gì. Ông thường bất tỉnh không biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Ông mắc nhiều bệnh như u não, bệnh thận, bệnh tim, bệnh tràng vị… Sau khi ông quy y thì nhất tâm trì tụng Chân Phật Kinh, trì tới ba nghìn biến.

Có một đêm, ông mơ thấy Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn, người cao lớn mặc quần áo trắng giống như một vị bác sĩ vậy. Ngài mở não ông lấy u não ra. Rồi ngài lại dùng dao mổ cắt tràng vị và mổ tim, mổ thận, v.v… Tất cả đều được ngài rửa sạch sẽ lại như mới. Sau khi mọi thứ đều được rửa sạch thì lại để các bộ phận của tràng vị lại về chỗ cũ. Liên Sinh Hoạt Phật nói với ông:

"Mọi bệnh của ông đều đã khỏi cả rồi đó."

Liên Hoa Thời Triều hỏi:

"Sao Liên Sinh Hoạt Phật lại là bác sĩ thế này?"


"Tôi là Đại Y Vương mà." - Sư Tôn trả lời.


Ở trong mơ, Sư Tôn kéo tay ông, đỡ ông đứng dậy, ông còn có thể nhảy ở lối đi bên cạnh giường được nữa, động tác này bình thường ông đâu dám làm.


Liên Hoa Thời Triều tỉnh dậy, thân thể cảm thấy vô cùng sảng khoái, cảm giác mọi thứ hoàn toàn thay đổi, tinh thần phấn chấn, không chỉ khỏi bệnh hôn mê mà bệnh tim cũng khỏi, bệnh thận cũng khỏi hẳn. Từ đó về sau các bệnh trên thân thể đều khỏi cả.


Bản thân ông không dám tin, nhưng bạn bè xung quanh ông đều biết rõ ràng, tất cả đều quy y Chân Phật Tông, trì tụng Chân Phật Kinh.

(4)

Tôi đã từng cứu "người thực vật", từng cứu người hôn mê nửa năm tỉnh lại. Người bị hôn mê ba tháng, một tháng, nửa tháng, mười ngày được tôi cứu cho tỉnh lại thì rất nhiều.

Có người hỏi tôi:

"Rốt cục là ngài có bản lĩnh gì?"

Tôi đáp:


"Những việc này là dùng sức mạnh thần thông để cứu những trường hợp khẩn cấp trong khổ nạn của chúng sinh chứ cũng chẳng phải là có bản lĩnh gì. Còn tôi đã ngộ nhập niết bàn, hiểu rằng đại ngũ uẩn đều là không, do vậy tất cả bệnh khổ đều từ nhân duyên mà sinh ra. Tôi là người tự tánh vốn không, là người đã thông đạt tất cả, tôi chỉ niệm Phật, vô tác giả, vô thọ giả."


Người hỏi câu này không hiểu lời tôi nói, ông á khẩu không biết nói gì. Kì thực việc ông không hiểu được cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì mấy câu nói này chính là cánh cửa giải thoát thâm sâu bí mật, người thế tục làm sao hiểu được đây?

07. Triết lý về bệnh nghiệp

Chiều nay chúng ta đã nghe pháp sư Cửu Như nói về bệnh nghiệp. Vừa nãy dường như trong lúc ông đang giảng thì có nhắc đến tâm thanh tịnh thì thân cũng thanh tịnh, sẽ không còn bệnh tật. Trên thực tế, Phật Thích Ca Mâu Ni đương nhiên là có tâm thanh tịnh, thân cũng thanh tịnh. Nhưng khi ngài thành tựu rồi thì vẫn có bệnh, việc này thuộc về nghiệp nhiều kiếp, do vậy bệnh và nghiệp có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Gần đây có một sự việc có thật, là một cuộc tranh luận rất lớn.

Chúng ta đã biết gần đây có hội XX, người sáng lập ra hội này thường nói rằng có bệnh thì không cần đi khám bác sĩ, bởi vì bệnh là nghiệp chướng. Dù bạn đi khám bác sĩ, chữa khỏi bệnh xong rồi, nhưng nghiệp đó thì vẫn chưa được tiêu trừ, nghiệp vẫn còn. Vì thế bạn cần phải để cho bệnh tồn tại, không được đi khám bác sĩ, làm như thế thì nghiệp chướng mới tiêu trừ. Đại ý là ông này nói như thế.

Ý của ông ta là bệnh chính là nghiệp, nghiệp muốn tiêu trừ thì cần phải để bệnh tồn tại, không thể đi khám bác sĩ. Bởi vì không khám bác sĩ, sau khi bạn vượt qua được bệnh thì nghiệp đó mới thực sự được tiêu trừ. Ý của ông ta chính là vậy.

Những phê phán tranh luận dấy lên gần đây chính là trên phương diện đó, do ông ta nói rằng khi có bệnh thì chớ đi khám bác sĩ. Rất nhiều người cho rằng ý trên là đúng, bởi vì bệnh chính là nghiệp mà! Cho nên muốn tiêu trừ nghiệp thì vì sao lại đi chữa bệnh? Hãy để cho bệnh tự hết, nghiệp sẽ được tiêu trừ, còn nếu đi khám bác sĩ mà chữa khỏi bệnh rồi thì nghiệp của bạn sẽ vẫn còn đó.

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn hỏi một câu: Làm sao bạn biết được rằng, khi bệnh của bạn được chữa khỏi sau khi khám bác sĩ thì nghiệp đó vẫn chưa được tiêu trừ? Biết đâu chủ định của số mệnh là nghiệp này của bạn cần phải đi khám bác sĩ để tiêu trừ nghiệp thì sao? Mọi người dùng đầu óc thử nghĩ một chút xem. "Người có bệnh, được chữa khỏi sau khi đi gặp bác sĩ, thì làm sao mà biết được là nghiệp chướng đó đã được tiêu trừ hay chưa?"

Ở đây có lẽ chúng ta nên nói: "Người có bệnh thì nên đi khám bác sĩ, bởi vì số mệnh của ta là cần phải khám bác sĩ thì nghiệp này mới được tiêu trừ." Cũng giống như bạn xin được một Thượng Sư gia trì, ví dụ mọi người đến xin tôi gia trì, tôi gia trì cho họ, bệnh của họ liền khỏi, như vậy thì nghiệp của họ vẫn còn hay sao? Chỉ là khỏi bệnh thôi còn nghiệp thì vẫn còn hay sao? Nói không chừng thì chính nhờ việc gia trì này mà nghiệp (bệnh) của bạn mới hết đó.

Do vậy ở đây có điều cốt lõi, đó là mối liên hệ giữa bệnh - nghiệp là có tồn tại và sự liên hệ này xem ra thì rất phức tạp, nhưng rất nhiều bệnh vẫn sẽ khỏi được. Sau khi khỏi bệnh rồi thì bạn lại tiếp tục làm công đức, làm việc thiện, bố thí, tu hành, tinh tấn, trì chú, tu luyện, cuối cùng có thể thành Phật. Nếu bạn có bệnh mà không đi chữa bệnh, không chịu đi tìm bác sĩ để khám chữa bệnh, rồi bệnh nhỡ không khỏi. Cứ kệ nó, nếu nhỡ không khỏi bệnh thì làm sao? Không lẽ chết rồi thì nghiệp tiêu trừ luôn ư? Về cơ bản thì như thế là bạn đem chính thân thể mình đi tặng cho Diêm Vương rồi đó.

Theo đạo lý mà nói thì có bệnh cần đi khám bác sĩ, chữa khỏi được bệnh rồi thì nghiệp chướng của bạn cũng hết, nói cách khác là bệnh nghiệp của bạn đã được tiêu trừ. Thế còn chữa không khỏi thì sao? Chữa không khỏi thì là do nghiệp của bạn quá nặng. (Sư Tôn cười.) Nói bệnh là nghiệp thì không sai, nhưng chúng ta cũng cần biết rằng không hẳn là nghiệp của bạn chỉ cần bác sĩ chữa đơn giản nhẹ nhàng cho bạn là bệnh sẽ khỏi đâu. Bạn không cần đi khám [mà vẫn khỏi bệnh] thì xem như là bạn may mắn đó. Ý của tôi muốn nói rằng rất nhiều người đến cầu xin Sư Tôn gia trì cho bệnh nghiệp. Được thôi!

Thế nhưng nếu bạn lại nói rằng bệnh này không thể chữa được, vậy bạn đi cầu xin gia trì để làm gì? Thế vì sao tôi lại cần phải gia trì cho bạn chứ? Bởi vì dù tôi có gia trì thì nghiệp của bạn không hết, sau này bạn vẫn còn tiếp tục phải chịu nghiệp đó, vậy thì tại sao tôi lại phải gia trì cho bạn làm gì? Và nếu vậy thì các bạn cũng không cần đến tìm tôi xin gia trì nữa. Có bệnh cũng không cần đến tìm tôi gia trì, bởi vì gia trì cũng chẳng thể tiêu trừ nghiệp của bạn. Khám bác sĩ cũng chẳng thể tiêu trừ được nghiệp, tìm Thượng sư xin gia trì cũng chẳng có tác dụng gì, cũng như nhau cả, nghiệp này cũng chẳng thế nào được tiêu trừ. Cái đạo lý kiểu này, chúng ta có đầu óc thì hãy nên suy nghĩ cẩn thận một chút.

Có bệnh thì cần phải đi khám bác sĩ.

Bệnh và nghiệp có mối quan hệ, nghiệp có nặng có nhẹ, có định nghiệp, cũng có bất định nghiệp. Nếu bạn gặp phải bất định nghiệp thì vốn dĩ việc khám bác sĩ có thể chữa khỏi được, còn nếu bạn cứ kệ, không đi khám bác sĩ, oa, thế là chết, thì xem như là bạn hết vận may rồi. Ý của tôi muốn nói chính là như vậy. 

Ngoài ra, vừa rồi pháp sư Cửu Như giảng về thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì sẽ không có bệnh, nhưng mà vẫn có đấy! (Sư Tôn cười.) Bởi vì nghiệp là nhiều kiếp, nghiệp từ rất nhiều kiếp cùng đổ về, nặng có, nhẹ có, còn kiếp số ra sao nữa. Do vậy không thể nói rằng tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh thì bạn sẽ không mắc bệnh nữa, vẫn mắc bệnh đó.

Om Mani Padme Hum.

(Pháp thoại này trích từ cuốn 654 của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn - Bài ca của Hoạt Phật - phần 3.)

08. Chân Phật Kinh là gì?

Chân Phật Kinh bao hàm ba phương diện: Con người, pháp, chỉ dụ.


Con người được nói đến ở đây chính là Thượng Sư Lư Thắng Ngạn, là nói duy nhất đến Thượng Sư Lư Thắng Ngạn giảng pháp của Liên Hoa Đồng Tử. Từ đây mở rộng đến pháp môn của Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong đó có cảnh giới Ma Ha Song Liên Trì với sự thường hằng, tĩnh tịch, quang minh mang nhiều ý nghĩa huyền diệu. Con người trong bộ Kinh này chính là Thượng sư Lư Thắng Ngạn.


Pháp được nói đến ở đây chính là pháp của Tây Phương Cực Lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì. Niệm Liên Hoa Đồng Tử tâm chú, quán tưởng Liên Hoa Đồng Tử, kết thủ ấn Liên Hoa Đồng Tử, trụ trong Liên Hoa Đồng Tử tam ma địa, là có thể thẳng tiến đến Ma Ha Song Liên Trì, gặp được A Di Đà Phật, "gặp Phật thoát sinh tử, độ tất cả như Ngài".


Chỉ dụ được nói đến ở đây chính là ẩn dụ so sánh. Chân Phật vốn không thể trực tiếp nói ra, do vậy càng cần sự so sánh.

Giải thích ba chữ Chân Phật Kinh này như sau:

Chân là gì? Chân ở đây chính là sự thật.

Phật là gì? Phật chính là người giác ngộ, nói chính xác là Đại thánh nhân đã tự giác - giác tha, giác hành viên mãn. Đạt được giác hành viên mãn này chính là Phật, đạt được chứng ngộ hai loại trí huệ vốn có: một là Vô Thượng Chánh Trí, cũng chính là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (trí hiểu biết rộng lớn); hai là Nhất thiết chủng trí (trí huệ hiểu biết tất cả), chính là Bồ Tát Bát Nhã. Từ tu hành chân chính đến được Phật địa, đạt được địa vị thành Phật.

Chữ Phật này có thể mở rộng ra là:

Phật nhật --- phá bỏ bóng đêm ngu si của chúng sinh, giống như mặt trời xua tan đêm tối. So sánh Phật pháp từ bi quảng đại độ chúng sinh khắp nẻo không phân biệt, như ánh sáng mặt trời chiếu soi khắp đại địa.

Phật ấn --- mọi thực tướng của pháp, chính là những ấn khế bất biến mà chư Phật đã quyết định.

Phật thừa --- minh tâm kiến tánh - trí huệ của thừa pháp.

Phật tánh --- tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, là tính giác ngộ bất biến không thể đổi khác, là thực thể bất sinh bất diệt, chính là Chân Như.

Chân Phật --- là vô vi, là bình đẳng, là từ bi, là hỉ xả, là phóng quang chân chính, là độ hóa hết thảy chúng sinh.


Kinh là gì? Kinh chính là tiếng Phạn của Sutra, còn được gọi là đạo lý mà thập phương chư Phật đã thuyết giảng, trên hợp với trí huệ pháp tánh mà thập phương chư Phật đã nói, dưới hợp với chân lý muốn đi trên con đường tu hành của thập phương chúng sinh. Nói cách khác là mô tả lại đạo lý tu hành như thế nào thì được gọi là Kinh. Kinh vốn là những lời mà Như Lai đã nói. Phàm là những quy củ và khai ngộ mà các bậc Thánh nhân đã giáo thị xuống thì đều được gọi là Kinh.

Vậy Chân Phật Kinh là gì? Một bậc giác ngộ đã minh tâm kiến tánh, Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng Sư Lư Thắng Ngạn tôn giả, đã viết lại trí huệ của Phật mà ngài đã lĩnh hội hoàn toàn, hiểu thông hiểu thấu. Đây là tất cả những gì Như Lai đã thuyết giảng, bởi vậy Chân Phật Kinh là sự thật. Trong Chân Phật Kinh có cảnh giới nội chứng của Phật Bồ tát, có lời thề gốc của Hộ pháp thần Kim Cang, có biểu tượng hoa sen của Bồ tát.

Tên của bản Kinh này kì thực chính là con đường đạo dẫn đến giác ngộ chân chính, do vậy Kinh này vừa có thể tiêu trừ rất nhiều tai nạn, vừa có thể ban phúc. Người đọc bản Kinh này sẽ có được phúc khí, cũng giống như có được vận may từ trên trời rơi xuống, chính là có được Thiên phúc.


Tên gọi đầy đủ là Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh, gọi đơn giản là Chân Phật Kinh.

09. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (1)

Kinh văn:

”Ôm A Hùm [Om Ah Hum]

Kính đem thân khẩu ý thanh tịnh.

Cúng dường Tì Lô Giá Na Tôn.

Pháp thân Phật Nhãn Phật Mẫu Thánh.

Báo thân Liên Hoa Đồng Tử thân.

Ứng Thân giáo chủ Liên Sinh Phật.

Ba thân không khác, Đại Phật ân.

Cung kính Chân Phật đại truyền thừa.

Thần thông ban trải đầy thế giới.”

Người niệm tụng Kinh này trước tiên cần niệm tụng Văn cầu thỉnh Liên Sinh Hoạt Phật gia trì. Ba chữ mở đầu là Om Ah Hum, điều này trước đây Sư Tôn đã từng giải thích rồi.

Om A Hum là gì?

Om --- là vũ trụ.

Ah --- là nhất, là Phật.

Hum --- là quả vị, là quả.

Om, Ah, Hum, chính là tương đương với chư Phật của toàn vũ trụ hiển hiện tất cả mọi hình tướng và tất cả mọi quả vị. Kì thực, ba chữ này còn có ý nghĩa vô cùng thâm sâu ẩn chứa trong nó, không phải chỉ có mỗi nói về vũ trụ, hay là tất cả các hình tướng mà chư Phật hiển hiện, mà còn có hàm nghĩa khác.

Có thể giải thích là:

Sự thanh tịnh của trời.

Sự thanh tịnh của đất.

Sự thanh tịnh của chúng sinh.

Bản tính thanh tịnh của tất cả.

Sự thanh tịnh của thân khẩu ý là gì?

Sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý chính là tất cả mọi thứ của thân thể đều thanh tịnh, tất cả mọi thứ về khẩu đều thanh tịnh, cũng như tất cả mọi thứ thuộc về ý niệm đều thanh tịnh. Đem toàn bộ thân thể bạn, bao gồm cả sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý để cúng dường Đại Nhật Như Lai. [Phật Tỳ Lô Giá Na.]

Mọi người đừng cho rằng thân thanh tịnh tức là đi tắm rửa một cái là xong. Bạn có thể rửa sạch những thứ bên ngoài, nhưng bên trong thì vẫn còn các thứ này khác. Bạn cho rằng bạn đã đi "hái hoa" rồi cơ mà (đã đi toilet rồi), nhưng thực tế là bên trong vẫn còn thừa lại một chút chút. Sự thanh tịnh của thân thể chính là biểu thị rằng tay của bạn không hề làm việc xấu, không sờ mó lung tung, không ăn cắp vặt. Không lấy trộm, không cướp bóc, không sờ lung tung, không chạm lung tung, thì như vậy mới là thân thanh tịnh, chứ không phải nói rằng đi tắm một cái là thanh tịnh rồi đâu.

Thứ hai là nói về khẩu thanh tịnh. Thói quen của rất nhiều người là hễ mở mồm ra, những điều nói ra chẳng phải là những thứ ngon lành như socola hay kẹo ngọt, mà là thốt ra những lời như tên bắn khiến người khác bị thương. Hoặc như bịa chuyện không có thật, những lời khoác lác hoặc bịa đặt, những lời chọc ghẹo ong bướm. Giả sử bạn mở miệng ra mà không hề nói những điều sai quấy thì đây được gọi là sự thanh tịnh của khẩu. Nhưng tôi thấy rằng để có khẩu thanh tịnh cũng rất khó. Bởi vì mọi người có cái tật là nghe thấy rồi thì không nói ra không được, giữ lại trong lòng thì ruột sẽ trương lên mà chết mất. Hy vọng mọi người sau khi nghe được điều gì, lọt vào tai rồi, cứ thế đi xuống tới dạ dày rồi tới ruột, rồi cứ thế đi ra theo đường dưới là được rồi, cùng lắm thì cũng chỉ là bốc mùi tí thôi!

Sự thanh tịnh của thân và sự thanh tịnh của khẩu là những vấn đề tương đối nhẹ, đều phần nào có thể kiểm soát được, có thể tu dưỡng cải tiến được. Nhưng ý thanh tịnh - sự thanh tịnh của ý niệm là khó nhất. Ai dám nói ý niệm của bản thân đều hoàn toàn trong sạch đây? Vừa nãy khi mọi người nhập tam ma địa, Sư Tôn thấy trên đầu mỗi người đều có một điểm sáng màu đen, thế thì tam ma địa cái gì chứ? Là "hoang tưởng địa" thì có.

Trên thực tế, chỉ cần bạn chưa phải là Thánh nhân, thì bạn đã phạm tội trên phương diện ý niệm rồi. Thánh nhân xuất hiện trên thế giới này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi, mà phần lớn Thánh nhân cũng đều trốn trong núi sâu rồi, không dám bước ra chốn thành thị, vì nhìn thấy áp-phích quảng cáo phim thôi là đã hoa mắt chóng mặt rồi.

Tại cõi Sắc giới, Dục giới, để có sự thanh tịnh của ý niệm là rất khó. Thánh nhân hiện tại tất cả đều tập trung tại cõi Vô Sắc giới, vì chỉ có ở tại cõi Vô Sắc giới, mọi hình tượng đều không tồn tại, khi đó mới là sự thanh tịnh thực sự. Do vậy, ý niệm thanh tịnh là vô cùng khó đạt được.

Câu thứ nhất nói rằng: "Cần đem thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh để cúng dường Phật Tỳ Lô Giá Na." (Kính đem thân khẩu ý thanh tịnh, cúng dường Tỳ Lô Giá Na Tôn.) Ngày nay rất nhiều đệ tử cúng dường Sư Tôn cũng nói: "Con đem thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh để cúng dường Sư Tôn là được rồi." Trung tâm hồi đáp thư tín của Seattle đều biết rằng cúng dường kiểu này sẽ buộc chúng tôi phải mất tiền dán tem, tốn thêm thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, hôm nay tôi nói với mọi người thế này: "Giả sử mọi người thực sự có thể có được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý để cúng dường Phật, cúng dường người xuất gia, cúng dường tất cả Thánh nhân, nếu như bạn thực sự làm được như vậy, thì miễn phí." Giả sử không có cách nào làm được như vậy, tôi cho rằng vẫn nên kèm theo một chút vật chất thì có lẽ hay hơn.

Tỳ Lô Giá Na Phật - Phật Nhãn Phật Mẫu - Liên Hoa Đồng Tử - Liên Sinh Hoạt Phật:

Mọi người đều biết rằng Phật Tỳ Lô Giá Na chính là Đại Nhật Như Lai, Ngài là bổn tôn của rất nhiều vị Phật. Khi Ngài biến hóa pháp thân, từng biến hóa thành Phật Nhãn Phật Mẫu hạ sinh. Đôi mắt của Phật Nhãn Phật Mẫu chính là Ma Ha Song Liên Trì hóa hiện tại Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn ánh sáng của đôi mắt thì hóa thành Liên Hoa Đồng Tử. Vậy Liên Hoa Đồng Tử thì sao? Bởi vì Liên Hoa Đồng Tử đều hạ sinh tại thế giới này, hiện tại đang ở thế giới Ta Bà, biến hóa thành ứng thân, chính là Liên Hoa Đồng Tử hạ sinh đến nhân gian này để độ chúng sinh.

Pháp thân, báo thân, ứng thân đều không có gì khác biệt. Ngày xưa Phật Thích Ca Mâu Ni hạ sinh tại cõi Ta Bà, pháp thân của Ngài chính là Phật Tỳ Lô Giá Na, báo thân của Ngài chính là Phật Lô Xá Na, ứng thân của Ngài chính là Phật Thích Ca Mâu Ni. Pháp thân, báo thân, ứng thân đều không có khác biệt. Đệ tử Chân Phật chúng ta đều nên cung kính truyền thừa vĩ đại này của Chân Phật Tông. Chúng ta tu hành, tương lai đều trở về bên trong thế giới của Liên Hoa Đồng Tử, chính là trở về trong đôi mắt của Phật Nhãn Phật Mẫu. Thế giới đó chính là Chân Phật Thế Giới, chính là nơi chúng ta thuộc về, là Tịnh thổ chân chính.

Ba thân không khác đại Phật ân:

Pháp thân, báo thân, ứng thân, ba thân này lúc trước có người giảng rằng đó chính là vũ trụ, là mặt trăng, và những mặt trăng hiện trên mặt nước hồ khi trăng soi sáng. So sánh này tương đương với pháp thân, báo thân, ứng thân. Hiện tượng này và hiện tượng mây trên trời biến thành nước mưa, nước mưa đông cứng lại thành băng, thì băng, nước, mây này là giống nhau, không hề có khác biệt gì cả, chỉ là khác nhau về hình dạng mà thôi. Đây chính là "ba thân không khác đại Phật ân".

Thần thông ban trải đầy thế giới:

Câu tiếp theo là "thần thông ban trải đầy thế giới". Vừa hay tối nay lại nói đến hai chữ "thần thông", cái này Sư Tôn cần nghiên cứu xem lại vài kiếp trước xem có làm việc gì sai không. Giả sử nếu đã từng làm việc gì sai thì xem ra cũng rất nguy hiểm. Đây là chuyện khiến người ta rất lo lắng phiền não, bởi vì nếu có gì sai thì sẽ bị người ta ném đá cho chết, thế thì không thể ăn cơm được nữa.

Việc thần thông, biến hóa là có thật. Nếu bạn có thể tu hành đến mức tinh thần thống nhất thì sẽ sản sinh ra một dạng sức mạnh, sức mạnh này sẽ biến thành thần thông. Chúng ta biết rằng ánh nắng mặt trời không thể giết người, nhưng giả sử chúng ta đặt một thấu kính phóng đại dưới ánh nắng mặt trời, khiến cho tiêu cự tập trung tại một điểm, chiếu vào mu bàn tay của bạn. Khi có ánh nắng mặt trời, bạn đặt một thấu kính phóng đại, điều chỉnh tiêu cự cho nó chiếu lên da thịt bạn, xem thử xem bạn có đau hay không nhé?

Mọi người đừng thử nghiệm, nếu không sẽ biến thành thịt nướng đó!

Trên thực tế, khi làm như vậy là ta tập trung tất cả năng lượng ánh sáng lại, lúc này sẽ sinh ra một năng lượng rất lớn. Cũng như vậy, khi tập trung ý niệm của bạn thành một điểm thì bất kì sức mạnh nào cũng có thể nhìn thấu quá khứ, thiên nhãn thông chính là như vậy mà sinh ra.

Ngoài ra, nếu bạn dùng sức mạnh này, nếu tất cả các tế bào trên người bạn đều hóa thành không, sức mạnh của bạn sẽ phát ra. Cũng giống như chính bạn là một dụng cụ phóng xạ, tần số phóng xạ phát ra thì cả vũ trụ này đều tràn ngập tần số của bạn. Điều này là để giải thích cho câu "thần thông ban trải đầy thế giới".

Niệm lực của bạn có thể tồn tại trong cả vũ trụ này, do vậy khi các bạn niệm Thượng Sư tâm chú, mà vừa niệm một cái là đã có cảm ứng thấy rồi, đó là vì trong hư không này có tồn tại niệm lực của Thượng Sư tâm chú. Trong số các đệ tử Malaysia, có một người chuyên môn thay người ta làm các liệu pháp tâm linh, dùng năng lực của mình đi giúp đỡ người khác, ông là Liên Loại nhỉ? Xin đứng dậy cho mọi người được thấy. Mọi người xem, tóc ông ấy rất bạc đó! Trước đây sức khỏe của ông rất kém, sau khi quy y Sư Tôn thì thân thể mới khỏe lên. Còn khi chưa quy y thì ông ấy cần được người khác chữa bệnh cho, sau khi quy y xong thì biến thành ông chữa bệnh cho người khác. Nguyên nhân tóc của ông rất bạc là vì các tế bào trong tóc đều đã chết hết rồi, do trước đây sức khỏe không tốt nên tóc đã bạc hết, không phải sau khi quy y xong mới bạc đâu.

Khi ông chữa bệnh cho người ta thì thường dùng cách quán tưởng, dùng niệm lực quán tưởng chư Phật, Bồ tát ở trên đầu ông, hoặc Sư Tôn ở trên đỉnh đầu ông, quán tưởng Phật phóng quang, quang năng này tiếp thêm sức mạnh lên người ông, sau đó ông lại chuyển quang năng này lên thân thể người khác. Ông thường quán tưởng Sư Tôn ở trên đầu ông, tóc của ông thì biến thành một bông hoa sen trắng, Sư Tôn ngồi trên bông hoa sen trắng đó. Tay của ông đưa ra, ánh sáng của Sư Tôn chiếu đến ông thì ông lại đẩy ánh sáng này đi để chiếu lên người khác, khiến cho bệnh trên thân thể người khác đều khỏi.

Hôm nay Sư Tôn vừa gặp ông thì liền biết ngay, nói "ồ hóa ra là ông!" Bởi vì ông thường mượn điện của tôi dùng đó! Chắc là nên thu của ông ít tiền điện nhỉ, vì ông luôn cứ trộm điện trên người tôi, hại tôi không còn điện nữa. [Đùa]


Om Mani Padme Hum.

10. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (2)

Kinh văn:

”Phóng quang chiếu rọi khắp ba thời.

Hóa hiện không ngừng chứng nhất như.

Đệ tử tha thiết thường cầu tới.


Soi chiếu quang minh, phúc huệ tăng.

Xưa đến thọ ký, Phật Thích Ca.

Phó thác ân cần, A Di Đà.

Di Lặc Bồ Tát ban hồng quán.

Liên Hoa Đại Sĩ mật pháp truyền.

Thánh Tôn xin thỉnh đừng quên nguyện.

Cứu độ chúng sinh chúng con đây.

Hộ niệm như thế xin nhiếp thọ.


Thành tựu nhanh nhanh thỉnh gia trì.

Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật.

Nam mô Phật Nhãn Phật Mẫu.

Nam mô Liên Hoa Đồng Tử.

Nam mô Liên Sinh Hoạt Phật.


Nam mô Chân Phật hải hội thập phương tam thế chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.”

Niệm thánh cáo (3 lần)


Tây phương Liên Trì hải hội, Ma Ha Song Liên Trì, thập bát đại Liên Hoa Đồng Tử, Bạch Y Thánh Tôn, Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng sư, Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ, Đại Trì Minh Đệ Nhất Thế Linh Tiên Chân Phật Tông. Lư Thắng Ngạn mật hành tôn giả.

Hương tán

Lư hương sạ nhiệt. Pháp giới mông huân.

Chân Phật hải hội tất diêu văn. Tùy xứ kết tường vân.


Thành ý phương ân. Chư Phật hiện toàn thân.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)


Nam mô Chân Phật hội thượng chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Phóng quang chiếu rọi khắp ba thời. Hóa hiện không ngừng chứng nhất như:

Hôm nay tôi giảng về câu "phóng quang chiếu rọi khắp ba thời". Pháp hội siêu độ năm nay cũng chụp được rất nhiều ảnh phóng quang. Cái gọi là "chiếu rọi khắp ba thời", ba thời chính là chỉ quá khứ, hiện tại, tương lai. "Hóa hiện không ngừng chứng nhất như" chính là không bị hạn chế về thời gian, hoàn toàn quảng đại vô lượng, có khả năng lập tức chứng minh được mọi thần thông.

Đệ tử thiết tha thường cầu tới. Soi chiếu quang minh, phúc huệ tăng:

"Đệ tử thiết tha thường cầu tới", câu này ý nói rằng người học Phật cần tu hành mọi lúc mọi nơi. "Thiết tha" được nói đến ở đây không phải là vô cùng "thống thiết", không ngừng kêu gào bằng mọi giá, mà là người muốn tu hành thì luôn nên chuẩn bị cho cái chết, thường xuyên tu hành, bất kể lúc nào cũng đều phải vô cùng thanh tịnh. Làm được như vậy thì sẽ luôn có ánh sáng quang minh chiếu trên thân, khiến cho phúc phận và trí huệ của người này cứ sau mỗi lần tu hành lại được gia tăng, một mạch đạt đến viên mãn.

Xưa đến thọ kí, Phật Thích Ca:

Trong quá khứ, Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thọ kí cho Liên Hoa Đồng Tử. Thọ kí có nghĩa là nói rằng tương lai con cần thành Phật, cần độ chúng sinh, cần phát bồ đề tâm.

Phó thác ân cần, A Di Đà:

Trong quá khứ, A Di Đà Phật đã từng rất ân cần giao phó nhiệm vụ độ chúng sinh cho Liên Hoa Đồng Tử.

Di Lặc Bồ Tát ban hồng quán:

Di Lặc Bồ Tát đã đội cho Liên Hoa Đồng Tử một chiếc mũ miện đỏ.

Liên Hoa Đại Sĩ mật pháp truyền:

Liên Hoa Sinh Đại Sĩ cũng dạy cho Liên Hoa Đồng Tử các pháp bí mật để độ chúng sinh trên thế giới này.

Thánh tôn, xin thỉnh đừng quên nguyện. Cứu độ chúng sinh, chúng con đây:

Bởi vì Liên Hoa Đồng Tử đã có được những truyền thừa chân chính này, và một khi đã là người học Phật thì không thể vứt bỏ lời thề nguyện khi mới quy y, cho nên Liên Hoa Đồng Tử không thể quên đi lời thề nguyện này. Thường xuyên nhớ đến lời thề, lời nguyện này để phát bồ đề tâm, chính là "không nỡ từ bỏ lời thề nguyện".

Nói cách khác là Liên Hoa Đồng Tử đã tuyên bố lời thề nguyện, cần phải đến cõi Ta Bà này để độ chúng sinh. Bây giờ xin đừng quên lời thề nguyện khi xưa đã nói ra. Chỉ một người đi trên con đường tu hành thì chưa được, mà cần phải đưa tất cả mọi người đi theo, chính là yêu cầu Liên Hoa Đồng Tử cần phải "cứu độ chúng sinh chúng con đây".


Do vậy, Liên Hoa Đồng Tử luôn luôn bảo hộ những mong mỏi của bạn, hơn nữa còn tiếp nhận, giúp đỡ bạn, che chở bạn. Hãy cầu thỉnh sự gia trì của Liên Hoa Đồng Tử, hy vọng bạn có thể nhanh chóng có được thành tựu.

Cầu thỉnh truyền thừa:

Phần sau của đoạn văn cầu thỉnh Liên Sinh Hoạt Phật gia trì này chính là nói về truyền thừa.

Nghĩa là:

Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật --- chính là truyền thừa gốc.

Nam mô Phật Nhãn Phật Mẫu.

Nam mô Liên Hoa Đồng Tử.

Nam mô Liên Sinh Hoạt Phật.

Nam mô Chân Phật hải hội thập phương tam thế chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.

Ý nghĩa của từ "Ma Ha" ở đây chính là to lớn, biểu thị Đại Bồ Tát. Do vậy, truyền thừa này của chúng ta vô cùng quan trọng. Thời điểm sơ khai có Trung Ương Phật, chính là Vị Phật đầu tiên nhất, cũng chính là Phật Nguyên Thủy, Ngài chính là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na.

Phật Tỳ Lô Giá Na hóa thành Phật Nhãn Phật Mẫu, đôi mắt của Phật Nhãn Phật Mẫu hóa thành hai hồ sen lớn gọi là Ma Ha Song Liên Trì. Ánh sáng của Ma Ha Song Liên Trì hóa thân thành Liên Hoa Đồng Tử.


Ngày hôm nay, Sư Tôn giảng về đại truyền thừa này chính là nói đến "Chân Phật hải hội thập phương tam thế chư Phật Bồ Tát Ma Ha Tát".

Niệm thánh cáo:

Tiếp theo là niệm thánh cáo ba biến, thánh cáo này rất dài. Nếu mà tôi in ra danh thiếp thì sẽ đầy kín hết cả. Do vậy Sư Tôn rất ít khi in danh thiếp, danh thiếp toàn là đệ tử in cho. Vốn dĩ Sư Tôn rất hiếm khi nào in danh thiếp, những cái hiện có đều là do đệ tử in rồi gửi đến chùa. Trước nay tôi cũng chẳng hề phát danh thiếp cho người khác, bởi vì nếu in cho đúng ra thì danh thiếp sẽ rất dài, dù có in cả cuốn sách thì cũng chẳng đủ.

Tây phương Liên Trì hải hội:

"Tây phương Liên Trì hải hội" chính là nơi có hồ sen của Tây phương A Di Đà Phật, hồ sen rộng lớn như biển. Bên trong hồ sen này có mười tám vị Đại Liên Hoa Đồng Tử, trong đó có một vị mặc áo trắng. Sư Tôn thì không thường xuyên mặc đồ màu trắng lắm, nhưng tóc trắng này thì là thật đó.

Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng Sư:

Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng Sư chính là do Sư Tôn đã được Di Lặc Bồ Tát đội cho mũ đỏ, chính ngài đã ban cho thánh miện này. Vị Kim cương Thượng Sư này đã đắc kim cang tâm, là vị thầy vô thượng, vì thế gọi là Hồng Quán Thánh Miện Kim Cương Thượng Sư.

Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ:

"Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ" là hóa thân hiện tại. Bí mật chủ ở đây chính là Kim Cang Tát Đỏa, bách tự minh chú của Kim Cang Tát Đỏa chính là "Kim Cang Tâm". Vì sao lại gọi là "Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ"? Bởi vì ngài đã đạt được kim cang tâm, cũng có nhiệm vụ hoằng pháp giống như Kim Cang Tát Đỏa. Do vậy ngài làm chủ của Kim Cang chân ngôn giới. Giải thích về Chủ Kim Cương Chân Ngôn Giới Bí Mật Chủ chính là như vậy.

Bởi vậy Sư Tôn đã viết bốn cuốn sách, một cuốn tên là "Bí mật trong bí mật", cuốn thứ hai là "Kì lạ trong kì lạ", cuốn thứ ba là "Pháp trong pháp", cuốn thứ tư là "Phật trong Phật". Những cuốn này đều rất thần bí, do thần bí nên gọi là Bí Mật Chủ.

[Những cuốn văn tập được nhắc đến này là của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn, cuốn số 63 "Chân Phật bí mật trong bí mật", cuốn số 68 "Mật tạng kì lạ trong kì lạ", cuốn số 75 "Chân Phật pháp trong pháp", cuốn số 80 "Vua của Phật Vương."]

Đại Trì Minh:

Tất cả những bí mật của pháp, những bí mật trong bí mật, những kì lạ trong kì lạ, Phật trong Phật này, nếu tất cả bạn đều có thể nói ra được, bạn đều được thấy tất cả một cách vô cùng rõ ràng, tất cả đều hiểu rõ, nắm rõ được tất cả, chính là nắm giữ được tất cả quang minh. Quang minh rất nhiều, rất lớn nếu bạn đều nắm giữ được, không có điều gì là bạn không hiểu, thì bạn sẽ được gọi là một vị "Đại Trì Minh".

Đệ Nhất Thế:

Thế nào thì được gọi là "Đệ Nhất Thế"? Đệ Nhất Thế chính là đời thứ nhất, không phải thứ hai, cũng không phải thứ ba. Mà vì không phải là đời thứ hai, cũng không phải là đời thứ ba, cho nên chính là đời thứ nhất, bởi vì không có cái gì gọi là "đời thứ không".

Nhân đây tôi có một câu chuyện này để kể cho mọi người nghe.

Rất nhiều người vì việc này mà nói với Sư Tôn rằng: "Sư Tôn! Ngài nói rằng truyền thừa này của ngài là đời thứ nhất. Tôi thấy là hiện nay rất nhiều dòng Mật tông, rất nhiều giáo phái đều đã truyền tới đời thứ mười hai, đời thứ mười tám, đời thứ mười bốn, đời thứ mười lăm, đời thứ hai mươi mấy rồi, thậm chí là ba mươi mấy đời rồi. Thế nhưng mà vẫn chưa từng thấy giáo phái nào đời thứ nhất cả?"

Họ hỏi tôi:

"Vậy thì truyền thừa này của thầy có phải là thật hay không?"

(Là đệ tử của tôi hỏi.)

Tôi hỏi anh ta:

"Thế trong dòng phái của ta thì anh là đời thứ mấy?"

Anh trả lời:

"Sư Tôn là đời thứ nhất, thế thì đương nhiên con là đời thứ hai."

Tôi lại hỏi anh:

"Anh có biết không nhỉ? Thế trước đời thứ mười hai là đời thứ mấy?"

Anh ta trả lời:

"Trẻ con tiểu học cũng biết trả lời, chắc chắn là đời thứ mười một rồi."

Tôi hỏi anh ta:

"Thế mười một đời tính tới trước đời thứ mười hai, là đời thứ mấy?"

Anh trả lời:

"Đó chắc chắn là đời thứ nhất rồi!"

Tôi nói với anh:

"Vậy thì người đó cũng giống như Sư Tôn bây giờ vậy!"

Anh ta nói:

"Nhưng họ đều là đời này truyền cho đời khác, thế sư phụ của Sư Tôn là ai? "Đời thứ không" là ai?"

Tôi nói với đệ tử:

"Anh đi hỏi vị đời thứ mười hai kia xem, vị đời thứ nhất của ông ấy là ai truyền pháp cho?"

Cũng giống như Sư Tôn cả thôi. Truyền thừa của vị kia cũng là từ hư không truyền cho vậy. Truyền thừa của Sư Tôn cũng là từ hư không truyền cho Sư Tôn.

Anh đi hỏi vị kia, họ nói: "Chúng tôi là con người truyền cho con người."

Tôi nói: "Khoác lác! Nói vớ nói vẩn."

Tôi hỏi: "Vị đời thứ nhất của anh thì là ai truyền cho?"

Thảm rồi!

Họ đều chẳng biết phải trả lời thế nào, hóa ra cũng là hư không truyền cho vị thứ nhất mà.

Người thứ nhất của bất kì tông phái nào cũng chắc chắn là được truyền pháp từ hư không. Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề thì được ai truyền pháp cho? Do Ngài tự mình lĩnh ngộ được tâm mình, tâm của chính mình cũng là từ hư không mà tới.

Do vậy, một vị Phật chân chính của Phật giáo là có truyền thừa từ hư không truyền cho ngài. Có người nói rằng kiếp trước của Phật Thích Ca Mâu Ni (có lẽ là vài kiếp trước đó) đã được Nhiên Đăng Cổ Phật thọ kí cho Ngài, sau đó Ngài ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề mà tự giác ngộ - tự mình khai ngộ, do đó mới có truyền thừa Phật giáo. Ngày nay Phật Thích Ca Mâu Ni thọ kí cho Sư Tôn, Di Lặc Bồ Tát ban cho Sư Tôn Hồng Quán Thánh Miện, do vậy mới có truyền thừa.

Đệ tử này nghe xong thì "A!" Hóa ra là như vậy, đã hiểu rồi, hóa ra Sư Tôn vĩ đại như vậy đó! Là đời thứ nhất cơ mà!


Tôi nói: "Thế nên các anh là đời thứ hai, vậy là thắng mấy người đời thứ mười tám, thứ mười bốn, thứ mười hai rồi nhé, tất cả đều thắng hết rồi nhé."

Truyền thừa này vốn là từ hư không truyền tới, sau đó mới là người truyền cho người, giống như Sư Tôn truyền pháp cho mọi người vậy. Mọi người chính là được truyền thừa từ con người, còn mọi đời thứ nhất thì đều được hư không truyền cho.

Mật hành tôn giả:

Tôi lại giải thích tiếp về bốn chữ "mật hành tôn giả". Thế nào được gọi là "mật hành"?

Có người nói Sư Tôn căn bản là chẳng có gì là bí mật. Nếu giả sử tôi không có bí mật gì cả thì các bạn còn cái gì để mà học nữa?

Bí mật của tôi nhiều lắm đó! Ví dụ trong thời kì tôi đi cầu pháp, tôi tìm đến tận những nơi đỉnh núi để học pháp, rất là gian khổ. Tôi dùng cả sinh mệnh của mình để đổi lấy những pháp này! Những pháp đó đều là tôi dùng sinh mệnh của mình để đổi mà có được. Trong thời kì học pháp, trong quá trình tu hành đều có những điều vô cùng bí mật.

Rất nhiều đệ tử theo Sư Tôn mười mấy năm đều muốn biết tôi đi tới những đâu để học pháp. Ví dụ như tôi đi tới ngọn núi nào để tìm thần tiên để họ biết mà đi tìm tôi. Lần nào tôi cũng đều chỉ đưa họ đến chân núi, hái ít nhãn, ít vải, ăn xong rồi kêu họ đi về, đến đây là bí mật của riêng tôi thôi.

Thời gian tôi ở đó tu hành, tôi không muốn để người khác biết tôi tu như thế nào, tôi dùng sinh mệnh của mình để đổi lấy pháp như thế nào. Các bạn chỉ cần biết rằng tôi có công phu là được rồi, không cần phải biết nhiều hơn nữa. Đây chính được gọi là "mật hành tôn giả".

Hương tán:

Tiếp theo là "hương tán". Mỗi lần trong lúc hát tụng, mọi người đều biết rằng hương và lư hương đều là để ta đốt hương. Mùi hương thơm tỏa lên rất cao, vừa thơm vừa ấm, pháp giới đều đầy ắp, Chân Phật hải hội đều có thể ngửi thấy tất cả những thứ bạn cúng dường.

Việc cúng dường này cũng giống như những đám mây cát tường trên trời vậy, tràn đầy khắp cả bầu trời. Sự thành tâm trong lòng bạn vô cùng ân cần, vô cùng khẩn thiết, chính là trong sự vô cùng ân cần, vô cùng khẩn thiết đó mà chư Phật, Bồ Tát sẽ hiển hiện toàn thân.

Các vị Đại Bồ tát:


Thế nào là "Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát"? Chính là việc cúng dường của bạn giống như mây thơm trên trời, tràn đầy và to lớn như một tấm màn hoa.

Nam mô chính là quy y, quy y tất cả các vị Phật, Bồ Tát ở Chân Phật hải hội, tất cả các vị đại Phật, đại Bồ Tát.

Hôm nay tôi giảng tới đây thôi! Om Mani Padme Hum.

11. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (3)

Kinh văn:

Phụng thỉnh hai Phật tám Bồ Tát

Nam mô Pháp Giới Tối Thắng Cung Tỳ Lô Giá Na Phật.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật.

Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Diệu Kiết Tường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Trừ Cái Chướng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát.


Khai kinh kệ

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm màu.

Trăm nghìn vạn kiếp khó tìm cầu.

Nay con nghe thấy chuyên trì tụng.

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm sâu.


Liên Sinh Hoạt Phật thuyết: Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh

“Tôi nghe như vầy.


Một thời, Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử tại Ma Ha Song Liên Trì, ngồi trên pháp tọa hoa sen lớn màu trắng, xung quanh là mười bảy đóa hoa sen lớn khác.

Hoa màu xanh phát ánh sáng xanh.

Hoa màu vàng phát ánh sáng vàng.

Hoa màu đỏ phát ánh sáng đỏ.

Hoa màu tím phát ánh sáng tím.


Mỗi đóa hoa sen tỏa ra hương thơm tinh khiết vi diệu.


Bạch Liên Hoa Đồng Tử âm thầm vận thần thông làm Ma Ha Song Liên Trì biến hóa thành ánh sáng vàng kim chói lọi. Tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát.”

Phụng thỉnh hai Phật:

Chúng ta nói đến Chân Phật Kinh cần phụng thỉnh hai Phật tám Bồ Tát. Hai vị Phật cần phụng thỉnh ở đây là:

Nam mô Pháp Giới Tối Thắng Cung Tỳ Lô Giá Na Phật.


Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật.

Có người nói rằng Phật Tỳ Lô Giá Na là vị Phật đầu tiên nhất, gọi là vị Phật đầu tiên nhất vì trước Ngài không có vị Phật nào khác, Ngài là vị Phật đầu tiên, Ngài có một tên gọi là "Pháp Giới Tối Thắng Cung". Khi nói đến "Pháp Giới Tối Thắng Cung" thì trong đầu chúng ta sẽ tưởng tượng đến một cung điện vô cùng đẹp đẽ, có lẽ chúng ta sẽ tưởng tượng nó đẹp giống như cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng trước đây vậy.

Thế nhưng cung được nói đến ở đây là "pháp giới", thế nào gọi là pháp giới? Pháp giới là đại diện cho Tứ Thánh lục phàm, bao gồm toàn bộ tất cả các cõi giới. Tứ Thánh giới chính là Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, đó chính là Tứ Thánh giới. Thế còn lục phàm? Đó là trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Thế còn cung điện ở đây tương đương với cả vũ trụ, toàn bộ thế giới, bao gồm cả nhân gian. Tất cả mọi thứ bao gồm trong đó chính là pháp giới, là toàn bộ mọi thứ được xây dựng bên trong cung điện này. Tối thắng chính là tốt nhất, hoàn mĩ nhất, viên dung nhất, tất cả những gì tuyệt vời nhất đều có, đó chính là tối thắng.

Mọi người biết rằng Phật Tỳ Lô Giá Na chính là vị Phật căn bản, cũng chính là Thái Sơ Cổ Phật, Ngài cũng chính là vị Phật quan trọng nhất trong truyền thừa Chân Phật Tông của chúng ta, từ đó mà bắt đầu dòng truyền thừa Phật. Do vậy trước khi chúng ta tụng Kinh, cần triệu thỉnh vị Phật truyền thừa của chúng ta trước (vị thứ nhất).

Tiếp đó, vì sao lại cần triệu thỉnh Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật? Bởi vì vị Phật này là vị Phật phó thác, chính Ngài đã yêu cầu (kì vọng) Liên Hoa Đồng Tử từ Tây Phương Cực Lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì hạ sinh ở nhân gian để truyền Chân Phật Mật Pháp. Là Ngài hy vọng, là Ngài phó thác, giống như Ngài mong bạn xuống đây, do vậy nhất định cần triệu thỉnh. Ngày hôm nay, giả sử không có Phật Tỳ Lô Giá Na, không có Phật A Di Đà thì sẽ không có Chân Phật Tông!

Phụng thỉnh tám đại Bồ Tát:

Chúng ta cũng cần phải phụng thỉnh tám vị đại Bồ Tát.

Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Kim Cương Thủ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Diệu Cát Tường Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Trừ Cái Chướng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.


Nam mô Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Phụng thỉnh tám vị Bồ tát rồi, cuối cùng cũng vẫn phải nói thêm một câu "Nam mô Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát". Ý nghĩa của câu này chính là phụng thỉnh tất cả các vị Bồ tát, khi kêu gọi như vậy thì tất cả các Bồ tát đều có duyên phận lớn với Chân Phật Tông chúng ta. Chúng ta phụng thỉnh hai Phật tám Bồ tát chính là phụng thỉnh những Bổn tôn truyền thừa cơ bản, còn có cả truyền thừa phó thác rất vĩ đại nữa, tất cả các vị Bồ tát đều đến nghe, đến hộ trì.

Khai kinh kệ:

Tiếp theo tôi nói đến bài khai kinh kệ. Trong mỗi bản kinh văn đều có bài kệ này. Nói vài câu đơn giản thì chính là: "Những pháp cao quý sâu sắc như vậy, các bạn rất khó gặp được! Nay bạn đã gặp được thì cần mau chóng đọc tụng đi! Đọc đi! Và đi tìm hiểu ý nghĩa của pháp đi."

Sau đó thì mới bắt đầu đi vào kinh văn.

Tôi nghe như vầy:

Câu đầu tiên "Tôi nghe như vầy", có nghĩa là những gì mà chính tôi nghe được trong pháp hội. Gần như trong mỗi bản kinh Phật đều bắt đầu bằng câu "tôi nghe như vầy".

Trong số các bạn có người lớn tuổi hơn Sư Tôn, có người nhỏ tuổi hơn Sư Tôn. Người lớn tuổi hơn thì đương nhiên khi tôi không còn tại thế nữa, tôi không dám bảo đảm là các bạn vẫn còn tại thế. Những người trẻ hơn Sư Tôn thì rất hay! Bảo đảm các bạn vẫn còn sống.

Gần đây, trong lúc tôi viết sách, tôi luôn nghĩ, hiện tại tôi đã viết được 80 cuốn rồi, cuốn số 80 này tên là "Vua của Phật Vương", nghe có vẻ như có chút mùi vị "đạo văn". Sách của người ta tên là "Vua của vạn vua", còn sách của tôi là "Vua của Phật Vương". Thế nhưng cuốn sách này tôi viết vô cùng nghiêm chỉnh. Gọi là nghiêm chỉnh chính vì không có giọng điệu thoải mái, mà giọng điệu tương đối nghiêm túc, hơn nữa phong cách cũng tương đối thâm sâu ảo diệu. Tất cả những khẩu quyết quan trọng nhất trong Phật pháp tôi đều viết trong cuốn sách này.

Tôi nghĩ, cuốn sách này cũng giống như một điểm kết thúc cho việc sáng tác của tôi. Sau này tôi vẫn viết tiếp, nhưng giai đoạn này là một điểm rất quan trọng. Nói một cách nhẹ nhàng hơn chính là sau khi viết xong cuốn sách này thì tôi cũng có thể "tạm nghỉ" được một chút rồi.

Trong quân đội, khi chúng ta nói "tạm nghỉ" có nghĩa là nghỉ ngơi một chút, nó giống như cảm giác rằng ta đã mang một gánh nặng đi khá xa rồi, tới đây có thể bỏ xuống, có thể nghỉ ngơi một lát. Tôi vừa nghĩ tới việc có thể nghỉ ngơi, nếu giả sử định nghỉ lâu một chút, thế mà mới 44 tuổi tôi đã hoàn thành xong cuốn sách thứ 80 mất rồi! 44 tuổi thì có vẻ như thọ mệnh có phần hơi ngắn. Để không khiến cho bản thân "đi" sớm như vậy, nên tôi đã mau chóng viết cuốn thứ 81, đặt tên cuốn thứ 81 là "Chân Phật nghi quỹ kinh", nói một chút về quy tắc này nọ của Chân Phật Tông, hoặc giải đáp về lễ tiết, tất cả đều viết hết trong cuốn sách này. Tuy nhiên, cuốn sách này vẫn chưa định ngày xuất bản.

80 cuốn sách là một điểm kết thúc, là một điểm dừng, giả sử nếu dừng rất lâu, vậy thì tôi chỉ có sống được tới 44 tuổi thôi. Nhưng, tôi cảm thấy viết xong 80 cuốn sách rồi thì cũng xem như nhiệm vụ đến với nhân gian này, nhiệm vụ quan trọng này đã hoàn thành rồi.

Gọi là hoàn thành nghĩa là tôi đã bàn giao lại nhiệm vụ quan trọng này rồi, còn những trách nhiệm khác thì để cho Phật A Di Đà phụ trách là được rồi. Nhiệm vụ này đã xong một chặng, những việc khác có thể tương đối thoải mái nhẹ nhàng xử lý rồi.

Tương lai thì sao? Có người đến đây nghe tôi giảng pháp, sau này nếu muốn viết một cuốn sách, thì mở đầu bạn có thể viết là "tôi nghe như vầy". Điều này là rất đúng mà, vì các bạn có mặt tại chính lúc đó để nghe pháp, chính là tôi đang ở tại đó nghe Sư Tôn giảng như vậy. Bây giờ Sư Tôn chẳng còn nữa rồi! Nhưng lúc đó thì mọi người đều có mặt tại đó nghe, mọi người đối chứng thấy đều đúng cả, vậy thì đó là "tôi nghe như vầy".

Câu nói này chính là vào thời kì Phật Thích Ca Mâu Ni còn thuyết pháp, đệ tử của ngài kết tập những bài giảng pháp của ngài, những lời thảo luận của ngài, cho nên mỗi bản kinh đều bắt đầu bằng bốn chữ này, chính là biểu thị rằng khi đó tôi có mặt tại đó nghe Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, do vậy mà nói "tôi nghe như vầy".

Bốn chữ này cho thấy rằng chính tôi trước đây, tại Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, tôi đã có mặt tại nơi đó, tôi đã nghe Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử, tôi đã nhìn thấy hoàn cảnh lúc đó, chính bản thân mình tận mắt tận tai nghe thấy, do vậy tôi dùng bốn chữ "tôi nghe như vầy" này.

Chứng kiến sinh tử:

Tôi cảm thấy con người đều có nhân quả, hơn nữa phải trải qua rất nhiều rất nhiều lần sinh tử. Kì thực, chuyện sống chết chính là ở kia không còn trông thấy bạn nữa, còn ở đây thì lại thấy bạn. Ở đây không thấy bạn nữa, thì ở kia lại trông thấy bạn. Ở đó không trông thấy bạn, vì bạn lại chạy tới chỗ khác rồi, sống chết cũng giống như vậy thôi!

Trước đây khi tôi còn ở Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, các vị ở đó đều có thể trông thấy tôi, nhưng giờ thì ở đó tôi đã chết rồi, vì hiện tại tôi đang sống tại đây. Tôi nghĩ một chút xem tôi bao nhiêu tuổi thì đến nước Mỹ? Tôi sống tại Đài Loan 37 năm, tôi ở Đài Loan đã chết rồi. Bây giờ tôi ở Mỹ vừa tròn bảy năm, nhưng có lẽ sang năm tôi cũng lại chết ở Mỹ rồi, khả năng tôi lại sống tại Indonesia nữa! Hoặc sống tại Malaysia! Hoặc sống tại Singapore! Hoặc sống tại Australia!

Sinh tử đều chỉ như một sự việc mà thôi, chẳng qua là bạn sinh ra tại chỗ này chết tại chỗ kia, chết tại chỗ này rồi lại sinh ra tại chỗ khác. Hãy xem việc sống chết như vậy thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng. Bạn nói có người ở đây vừa chết rồi, mọi người đều khóc lóc thê thảm rằng không còn được gặp người này nữa rồi, nhưng thực tế thì người kia sống ở nơi khác lại rất vui vẻ. Do vậy chuyện sinh tử cần có cách nhìn nhận như vậy.

Một thời:

Cái gọi là "một thời", thế nào thì gọi là "một thời" đây? Một thời bao hàm một khoảng thời gian quá khứ rất rất xa. Ngày xưa có một lão thiền sư tên gọi là Thiên Long thiền sư, mọi người hỏi ông việc gì, ông đều làm như thế này (chú thích: Sư Tôn giơ một ngón tay lên). Kì thực, đôi khi có người hỏi chuyện ông, ông trả lời không được, ông liền làm như thế này (Sư Tôn giơ ngón tay lên). Hành động này tượng trưng cho điều gì? Chính là "nhất", chính là "nhất thiết", việc bạn hỏi nhất định là nằm trong "tất cả" mà! [nhất thiết có nghĩa là tất cả, hết thảy] Bảo đảm câu trả lời của bạn luôn đúng. 

Có người hỏi ông: "Núi Tu Di ở đâu?" Ông liền giơ ngón tay như vậy, ui da! Đúng thật là trông giống như một ngọn núi mà!

Có người hỏi ông: "Thế giới ở đâu?" Ông cũng giơ ngón tay như vậy, ý của ông là vũ trụ thuộc về nhất nguyên, toàn bộ vũ trụ đều là tạo hóa bởi nhất nguyên. Bạn nói xem, không phải nhất nguyên sao?

Người ta hỏi ông: "Thế nào là phụ nữ? Vì sao gọi là phụ nữ?", ông cũng làm như vậy.

Người ta lại hỏi ông: "Làm sao phân biệt nam nữ?" Cũng là "nhất", bởi vì khi thiên thượng giới này còn là một thể thống nhất thì chẳng có sự phân biệt nam nữ, do vậy vẫn là "nhất". Cái chữ "nhất" này có thể bao hàm cả trời đất, bao gồm cả núi, bao gồm cả nước, bao gồm cả người, bao gồm tất cả mọi sự vật, bao gồm nguyên thủy, quá khứ, hiện tại, vị lai, mọi thứ đều bao hàm trong đó hết. Do vậy lão hòa thượng này hễ gặp người nào hỏi vấn đề tương đối khó, khi ông không biết trả lời ra sao, thì ông đều giơ một ngón tay lên.

Về sau có một đệ tử theo học ông, lão thiền sư hễ giơ một ngón tay lên thì đệ tử đó cũng làm như vậy (Sư Tôn giơ ngón tay lên). Lão thiền sư tức điên, cầm lấy con dao chặt đứt ngón tay của anh ta. Anh ta nói: "Cái nhất của thầy ở đâu rồi?", thế là ông liền biến nó thành thế này (Sư Tôn cong ngón tay lại liền biến thành "vô".)

Thiền trong thiền tông, bản thân nó đôi khi không nói ra, nhưng trong nó đã bao hàm rất nhiều sự biến hóa và đạo lý. Do vậy, bạn hỏi tôi: "Một thời này của Sư Tôn là thời nào vậy?". Là một trăm năm trước, một nghìn năm trước, một vạn năm trước, một tỉ năm trước, toàn bộ đều nằm trong đó, bảo đảm là đúng! Một thời, chính là vào cái lúc đó, bất kể là cái lúc nào thì cũng đều bao hàm trong một thời đó.

Một thời chính là cái thời có một vị là Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử ở Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì. Đóa hoa sen trắng ở đây, màu trắng chính là sự tổng hợp của mọi màu sắc, tương đương với sự tổng hợp tất cả mọi màu sắc lại. Tôi nhớ có một nghiên cứu như thế này, nếu như đem tất cả các loại màu sắc cùng xoay chuyển với nhau thì sẽ thành màu trắng, còn lấy từ trong đó ra một màu sắc, lại xoay chuyển thì sẽ biến thành màu đen. Bất kể là xoay chuyển thế nào thì tóm lại, màu trắng chính là màu sắc viên mãn nhất, còn các màu sắc khác đều là thứ yếu.

Do vậy, bản thân Pháp Giới Tối Thắng Cung của Phật Tỳ Lô Giá Na, hay Đại Nhật Như Lai cũng là màu trắng, chủ tôn của Ma Ha Song Liên Trì đương nhiên cũng là màu trắng. Bởi vì tất cả các vị Phật, Bồ tát trước khi muốn trở thành Phật Bồ tát đều cần tu bạch thiện pháp màu trắng, nói cách khác là cần tu pháp thanh tịnh, đạt đến cực điểm thanh tịnh rồi thì chính là màu trắng.

Vừa nãy, thượng sư Trịnh có giảng về "tu hành cần Không, cần Vô". Bạn nói xem, Không và Vô có màu sắc gì? Không và Vô đều là màu trắng. Giả sử trộn lẫn các loại màu sắc vào với nhau thì sẽ thành một màu sắc khác, duy chỉ có màu trắng là thanh tịnh nhất.

Ngồi trên pháp tọa hoa sen lớn màu trắng:

Do vậy, Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử chính là chủ tôn của Ma Ha Song Liên Trì, ngồi trên pháp tọa hoa sen lớn màu trắng tại Ma Ha Song Liên Trì. Có một đệ tử nói với tôi: "Sư Tôn, ở đây viết là ngồi tại pháp tọa hoa sen lớn màu trắng là được rồi, không cần phải là ngồi trên." Đệ tử đó nói: "Người ta khi ngồi tại hoa sen thì đều là ngồi ở phía trên rồi, chẳng có ai là ngồi ở giữa hoa sen, hay ngồi ở trong, cũng chẳng có ai ngồi ở dưới, ngồi ở bên cạnh, ngồi bên trái, ngồi bên phải, đây đều là những việc không thể nào xảy ra, do vậy hai chữ ngồi trên này là thừa."

Đệ tử đó lấy một ví dụ, anh nói: "Thầy có thể nói là ngồi ở trên xe buýt không? Ngồi trên nghe giống như là ngồi trên nóc xe vậy." Tôi nói với đệ tử đó: "Không cần phải xoi mói với Sư Tôn như vậy, dù sao thì cũng là ngồi trên pháp tọa hoa sen thôi. Mọi người hiểu được là được rồi, anh tìm thêm phiền phức như vậy, vậy thì bản kinh này cần viết thế nào?"

Xung quanh Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử tổng cộng có mười bảy đóa hoa sen lớn. Đệ tử đó cũng lại bới lông tìm vết, anh nói: "Ở trong bản này cũng xuất hiện rất nhiều từ thừa, màu xanh ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng, màu đỏ ánh sáng đỏ, màu tím ánh sáng tím, đây đều là những từ thừa." Anh nói tiếp: "Sư Tôn có bị mù màu không? Lẽ nào màu xanh lại phát ra ánh sáng đỏ? Còn màu vàng lại phát ra ánh sáng xanh lục sao? Thế làm sao mà Sư Tôn lại thi được bằng lái xe vậy?"

Kì thực, anh ta cũng lại thích gây phiền phức! Chẳng qua đây chỉ là một cách nói lặp thôi, đương nhiên là nói về màu xanh, màu sắc của màu xanh này sau đó lại phóng tỏa ra ánh sáng xanh, như vậy thì biểu thị hai lớp màu, giống như là hoa sen màu xanh thì phát ra ánh sáng màu xanh vậy. Giải thích như vậy là được rồi đúng không! Kì thực trong Chân Phật Kinh cũng có rất nhiều ví dụ như vậy.

Giống như là Liên Hoa Đồng Tử màu xanh thì cầm hoa sen màu xanh, rồi phóng tỏa ánh sáng màu xanh, rồi đến tất cả các tia sáng xung quanh đều là màu xanh, ví dụ là như vậy. Vế sau kết hợp với vế trước đó, không coi là có mâu thuẫn, mà là có nhiều hơn, có dư thừa hơn.

Mỗi đóa hoa sen tỏa ra hương thơm tinh khiết vi diệu:

"Mỗi đóa hoa sen tỏa ra hương thơm tinh khiết vi diệu", câu này nói rằng mỗi đóa hoa sen đều thơm vô cùng, hương thơm biểu thị sự thuần khiết, mùi thơm này rất đẹp, rất tinh khiết. Tóm lại, hai chữ "vi diệu" thường được dùng trong kinh Phật, ý nói rằng cái gì cũng đều tốt đẹp, đẹp đến mức cực điểm.

Trước đây có một đệ tử họ Thẩm, người Đài Trung, tên là Diệu Quyên. Tên của cô có một chữ "Diệu". Ban đầu ấn tượng của cô đối với chữ Diệu này không tốt, cô nói: "Tôi cũng chỉ là một con người thôi mà! Có cái gì đẹp, có cái gì tuyệt diệu chứ? Diệu vớ diệu vẩn." Mọi người đều nói với cô rằng: "Tuyệt, cô thì có điểm nào tuyệt diệu chứ? Một chút cũng chẳng có gì tuyệt diệu cả, thế nên rất nhiều người đều nói cái tên này của cô đúng là mạc danh kì diệu." [mạc danh kì kiệu là thành ngữ, có ý nghĩa là không thể giải thích nổi.]

Kể từ sau khi quy y Sư Tôn, đọc được rất nhiều kinh Phật, cô nói: "Ái chà! Trong kinh Phật đều dùng tới chữ Diệu này, hơn thế nữa ở California còn có cả Diệu Ấn Đường nữa." Giờ đây cô nghĩ lại thì thấy thật là tuyệt diệu! Cái tên này ban đầu cô còn muốn đổi, bây giờ thì không muốn đổi nữa.

Âm thầm vận thần thông:

"Bạch Liên Hoa Đồng Tử âm thầm vận thần thông", cái chữ "âm thầm" trong "âm thầm vận thần thông" này được dùng rất khéo, dùng rất hay, bởi vì thần thông vốn là vô hình, chính là một kiểu biến hóa, một kiểu tự nhiên. Mây trên trời có thần thông, nó biến thành nước; nước có thần thông chính vì nước biến thành băng; băng có thần thông vì băng lại hóa thành nước; nước có thần thông vì lại hóa thành khí, biến tới biến lui đều là thần thông của tự nhiên.

Người có thần thông có thể biến hóa một số thứ, có thể hô mây tạo thành mưa, mưa kết thành băng, băng lại biến thành khí, cứ biến hóa tới lui như vậy chính là sự vận chuyển của tự nhiên, tự nhiên cứ ở đó âm thầm thi triển thần thông.

Kì thực, rất nhiều người phụ nữ, người nội trợ ở nhà nấu cơm đều âm thầm vận thần thông. Họ đi siêu thị, đến siêu thị SAFEWAY mua một con cá tanh ngòm, lại còn rẻ nhất, mùi tanh rất nặng, cái loại cá mà ngửi thấy đã muốn nôn rồi ấy. Sau khi mua về nhà, người phụ nữ này cho thêm xì dầu, thêm dấm, thêm đường, thêm hành, hành át đi mùi tanh của cá, thế là con cá tanh này được trải qua một cuộc âm thầm vận thần thông mà biến thành cá thơm phức! Mỗi người chúng ta ăn cái thứ thơm ngon này vào, rồi lại âm thầm vận thần thông một lúc, thế là lại biến thành thối, lại trở về với cái mùi lúc ban đầu.

Ở Mỹ họ trồng rau, đương nhiên là rất ít dùng phân bón "nguyên thủy". Thế nhưng loại phân bón mà họ dùng đó cũng được sản xuất từ phân bón "nguyên thủy" mà ra, ví dụ như axit uric, đạm, v.v… đều từ phân bón "nguyên thủy" mà ra cả. Cả vũ trụ này chính là một vòng tuần hoàn thần thông.

Bạn dùng nước tưới hôi thối nhất để tưới cho thực vật, thực vật hấp thụ, sinh trưởng, rồi lại lấy thực vật đem nuôi cá, nuôi lợn (ví dụ như lấy nước thiu cho lợn ăn), đem những thứ bẩn thỉu nhất để nuôi những thứ thơm tho nhất, rồi lại biến những thứ thơm tho nhất thành những thứ hôi thối nhất. Những thứ hôi thối đem nuôi những thứ thơm tho, những thứ thơm tho lại nuôi những thứ hôi thối, cứ thế nuôi tới nuôi lui.

Mọi người hiểu được đạo lý này thì có thể hiểu được đạo lý của vũ trụ chính là một kiểu vòng tuần hoàn, đây chính là giới tự nhiên âm thầm vận thần thông. Giả sử mỗi người chúng ta tu hành cho đến khi đạt tới một kiểu trạng thái hòa hợp với tự nhiên thì chính bạn cũng có thể âm thầm vận thần thông để phù hợp với tự nhiên. Thậm chí bạn có thể chuyển hóa tự nhiên, đây chính là thần thông.

Mọi người biết rằng, x-quang có thể chiếu xạ trên cơ thể con người, có thể chụp xuyên thấu hình ảnh nội tạng của bạn. Nếu bạn tu luyện cho mắt bạn trở thành x-quang thì bạn đã có được thiên nhãn thông rồi đó! Thế vận hội Olympic ngày nay họ biểu diễn các môn thể thao, các cuộc thi đấu, v.v… giả sử bạn có thiên lý nhãn, mắt bạn nhìn lên vệ tinh nhân tạo trong không gian, vệ tinh nhân tạo đó vừa hay đã tiếp nhận tất cả mọi hình ảnh của thế vận hội Olympic rồi phản chiếu lại trong mắt bạn, thế là bạn có thần thông thiên lý nhãn rồi đó.

Ngày nay chúng ta có thể gọi điện thoại tới Đài Loan, Singapore, Indonesia, chỉ cần nhấc điện thoại lên là đã có thể kết nối rồi. Giả sử bạn tu luyện cho tai của bạn thành một đường dây cáp như vậy, đường dây này nối trực tiếp tới miệng của bạn của bạn, là bạn có thể nghe thấy được người bạn kia đang nói gì. Thế là bạn có thiên nhĩ thông rồi. Phương pháp này không hẳn là không thể, hoàn toàn nằm ở hai chữ "vi diệu", hoàn toàn nằm ở hai chữ "âm thầm".

Thế nào gọi là "âm thầm"? Đó là hoàn toàn an tịnh lại, cứ thế an tịnh mãi cho đến khi an tịnh ở tầng sâu nhất. Thế nào gọi là "vận"? Bạn dùng sự an tịnh ở tầng sâu nhất này để hóa thành không có gì, biến chính mình thành không có gì, khi phù hợp với trạng thái tất cả mọi sức mạnh đều có ta, lúc đó sẽ biến thành thần thông vĩ đại nhất.

Làm Ma Ha Song Liên Trì biến hóa thành ánh sáng vàng kim chói lọi:

"Làm Ma Ha Song Liên Trì biến hóa thành ánh sáng vàng kim chói lọi." Phiên bản sách này do Phật đường Viên Chứng ở Singapore in ra phải không? Ở đây có một chữ là chữ biến hóa "thành". Có một số nơi in là biến hóa "thành", có một số nơi lại in là biến hóa "của", nên dùng từ "thành" thì tương đối đúng hơn. Phật đường Viên Chứng của Singapore đã in đúng rồi.

Sau này các bạn có thể học một chút thần thông, ví dụ như có một bông hoa còn đang nụ ở trước mặt bạn, cánh hoa vẫn khép lại chưa nở ra, bạn âm thầm vận thần thông lên nó một chút, thế là nó liền nở "póc" một cái! Giả sử bạn có thể làm được điều này thì bạn có thể biến hóa cả thế giới này trở nên xinh đẹp tuyệt vời, chói lọi rực rỡ.

Mùa thu, mùa đông của chúng ta ở đây tương đối lạnh, hoa đều bị héo cả. Có người có đại thần thông có thể thay đổi cả thời tiết, có thể biến đổi thời tiết thành mùa xuân. Vốn dĩ khi trái đất và mặt trời ở tại một góc độ kia thì sẽ là mùa thu, khi đó ánh sáng và nhiệt độ sẽ yếu hơn. Vào mùa thu và mùa đông, bạn âm thầm vận thần thông, khiến cho cả trái đất dịch chuyển sang bên một tí. Oa! Thế là biến thành mùa xuân rồi, nóng tới mức khiến bạn toát mồ hôi luôn.

Kì thực, chúng ta chỉ cần dịch chuyển trái đất sang bên này một chút xíu thôi thì toàn bộ khí hậu đều thay đổi hết rồi! Trước đây khi tôi mới đến nước Mỹ, tôi sống tại quận Ballard, tôi rất sung sướng nói: "Ôi chao! Ở Seattle thật là tốt, từ đầu năm tới cuối năm chưa một lần nào toát mồ hôi cả!"

Khi tôi chuyển tới ở Redmond, tôi mới phát hiện ra mùa thu ở đây dường như dài hơn một chút, hơn nữa dường như mặt trời cũng to hơn một chút, cũng nóng hơn một chút, không ngờ vào mùa thu cũng vẫn đổ mồ hôi. Có người nói: "Bang Washington có khả năng sẽ xây dựng mấy lò hạt nhân." Những chiếc lò hạt nhân này sẽ thải ra rất nhiều khí độc hại.

Chỉ cần bốn cái lò hạt nhân cùng thải khí ra thì vừa hay có thể đẩy dịch trái đất một chút, như vậy thì những cái lò hạt nhân này cũng đang âm thầm vận thần thông khiến cho mùa thu ở Seattle dài hơn một chút, đồng thời cũng nóng hơn một chút. Đối với người sợ nóng như tôi đây thì đây quả là một tin tức chẳng tốt đẹp gì.

Tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát:

Sau khi âm thầm vận thần thông thì sẽ khiến cho "tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát". Vừa nãy tôi đã nói rồi, âm thầm vận thần thông như vậy sẽ khiến cho tất cả hoa đều nở rộ. Lần tới cần dạy cho mọi người thần thông này nhỉ. Thế thì nhà anh kia là sung sướng nhất rồi đó, bởi vì nhà anh bán hoa mà, thần thông mà anh cần phải học là khiến cho hoa chẳng bị héo nữa! Nhưng nếu hoa không héo thì cũng không hay lắm nhỉ, bởi vì hoa không héo thì mọi người chỉ cần mua một lần thôi, mua một lần về rồi thì có thể dùng cả năm, thế thì lại chẳng cần mua hoa của nhà anh kia nữa. Theo tôi thấy thì anh không cần học thần thông này nữa rồi!

Hôm nay tôi giảng đến đây thôi. Om Mani Padme Hum.

12. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (4)


Kinh văn:


“…làm Ma Ha Song Liên Trì biến hóa thành ánh sáng vàng kim chói lọi. Tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát. Tiên thảo cũng tỏa ngát hương thơm. Chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, chim Ca lăng tần già, chim Cộng mạng, đều hóa màu vàng kim, cùng hót lên âm thanh hòa nhã của cõi trời.


Trong hư không xuất hiện ánh sáng vàng kim cùng âm thanh cõi trời thanh tịnh vi diệu. Có hương thơm nồng tỏa trong các thế giới, có tầng các bằng vàng trên không trung, tất cả cùng phát hào quang hoa rực rỡ. Mọi chốn nở đầy hoa sen vàng kim và hoa trời bay phấp phới khắp hư không.”


Hoa thơm và các loài chim:

“Tất cả hương hoa tỏa mạnh ra thơm ngát. Tiên thảo cũng tỏa ngát hương thơm" cũng có nghĩa là tất cả các loại hoa đều trong một sát-na mà nở rộ, tất cả các loại cây cỏ đều tỏa ra những mùi hương vô cùng tuyệt diệu.

"Chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, chim Ca lăng tần già, chim Cộng mạng, đều hóa màu vàng kim, cùng hót lên âm thanh hòa nhã của cõi trời.", những loài chim này đều biến thành màu vàng kim, vì sao lại biến thành màu vàng kim như vậy? Bởi vì vàng là đắt nhất mà!

Hót lên âm thanh hòa nhã của cõi Trời:

"Hót lên âm thanh hòa nhã của cõi trời" chính là cất lên những âm thanh dịu dàng nhất, cao sang nhất, đẹp đẽ nhất. Sư Tôn đã từng nói: "Tây Phương Cực Lạc thế giới có một loại âm thanh được gọi là hòa nhã thiên âm, âm thanh này có sức mạnh rất lớn."

Chúng ta thử nghĩ xem, trên thế giới này có rất nhiều người trong tương lai sẽ tới Tây phương Cực Lạc thế giới, trong số họ, có những người sẽ mang nghiệp vãng sinh, nói cách khác là bản thân họ vẫn còn một ít nghiệp chướng, nhưng họ đã có thể vãng sinh tới Tây phương Cực Lạc thế giới rồi. Những người này liệu có phải là muốn lấy trộm một ít đồ, vì vẫn còn một ít lòng tham, vẫn có lòng tham, thấy những thứ đẹp đẽ thế là liền thích ngay? Vậy thì thiên nữ ở Tây phương Cực Lạc thế giới có phải là rất nguy hiểm không?

Kì thực, không cần phải sợ hãi! Chính bởi vì ở đó có hòa nhã thiên âm, nên khi trong lòng bạn nghĩ: "Hầy! Đá quý này quý giá như vậy, trộm một ít thôi!", lòng tham trong bạn vừa mới khởi lên, thì hòa nhã thiên âm này sẽ truyền tới bên trong bạn, khiến cho ý nghĩ muốn ăn trộm một ít của bạn liền biến mất, tâm trí trở nên vô cùng thánh thiện và tinh khiết. "Ta là Thánh nhân, làm sao ta có thể lấy trộm mấy thứ đồ này đây?"

Khi dục vọng của bạn như lửa bùng cháy thiêu đốt tâm trí bạn, hòa nhã thiên âm này cũng giống như nước lạnh dội từ đầu xuống chân bạn, giống như nước đá đẹp đẽ nhất, thuần khiết nhất, lạnh như băng, trong suốt, gột rửa sạch sẽ hoàn toàn những suy nghĩ xấu xa ô uế trong tâm trí bạn.

Có người đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới nhưng vẫn mang phiền não, anh ta nói: "Ở nhân gian, tôi vẫn còn vợ con, tiền bạc, vẫn còn một số chuyện lo lắng chưa giải quyết xong." Đã vãng sinh đến Tây phương rồi, anh ta không thể trở về được nữa, nhưng chỉ cần nghe được hòa nhã thiên âm này thì những suy nghĩ kiểu như vậy sẽ đều tan biến hết.

Hòa nhã thiên âm chính là cảnh giới tâm linh vô cùng đẹp đẽ vi diệu. Có một số người phạm tội sát sinh, có người phạm tội sát sinh rất nặng, đến được Tây phương Cực Lạc thế giới rồi, vừa nghe thấy hòa nhã thiên âm này thì không còn có thể sát sinh được nữa. Do vậy, tâm trộm cắp, tâm tham dâm, thậm chí tâm sát sinh, tất cả đều bị hòa nhã thiên âm cải biến. Hòa nhã thiên âm thực sự có tác dụng vi diệu, thơm mát thuần khiết, thánh thiện thanh tịnh như vậy đó.

Tôi đã từng nói rằng cõi nhân gian có nhiều ưu phiền. Còn Tây phương Cực Lạc thế giới vì sao lại được gọi là Cực Lạc? Bởi vì ở đó có sự vui vẻ hạnh phúc vĩnh viễn! Chỉ cần bạn nghe được những âm thanh hòa nhã của cõi trời, âm thanh đi vào trong tâm trí bạn, thì những lo âu của bạn đều không còn nữa! Tế bào toàn thân bạn đều nhảy múa, nhảy múa bay bay nhè nhẹ như vậy, mà một khi đã nhảy múa rồi thì không có cách nào để dừng lại được. Do vậy, đây chính là lý do mà cõi giới này được gọi là Cực Lạc thế giới!

Có người hỏi: "Sư Tôn giảng thì hay như vậy, rằng khúc nhạc này khiến bạn nghe sẽ cảm thấy rất thoải mái, thế nhưng cứ nghe mãi một khúc nhạc thì nghe lâu cũng chán ngấy." Yên tâm đi! Tây phương Cực Lạc thế giới có tới cả mấy vạn khúc nhạc, mấy tỉ khúc hòa nhã thiên âm, bảo đảm bạn nghe mãi chẳng hết được, hơn thế nữa thọ mệnh của bạn cũng vô cùng dài.

Trong hư không xuất hiện ánh sáng vàng kim:

"Trong hư không xuất hiện ánh sáng vàng kim cùng âm thanh cõi trời thanh tịnh vi diệu. Có hương thơm nồng tỏa trong các thế giới, có tầng các bằng vàng trên không trung, tất cả cùng phát hào quang hoa rực rỡ. Mọi chốn nở đầy hoa sen vàng kim và hoa trời bay phấp phới khắp nơi." Đoạn này nói về toàn bộ không trung của Ma Ha Song Liên Trì đều phóng tỏa ra ánh sáng vàng kim vi diệu, là những ánh sáng đẹp đẽ nhất, có thiên âm vô cùng thanh tịnh và thiên âm vô cùng vi diệu tới từ hư không.

Âm thanh cõi trời thanh tịnh vi diệu:

Muốn giải thích về thứ âm nhạc này chỉ có thể dùng bốn chữ "thanh tịnh" và "vi diệu" để giải thích mà thôi. Kì thực, thứ âm nhạc này cũng giống như thiên nhạc, ở nhân gian không cách nào có thể nghe biết được. Giống như Sư Tôn lần này đến California, buổi tối lén đi ra ngoài (chỉ có một lần) bởi vì nghe có người nói: "Ở California này, chúng tôi có những thứ ở Seattle không có." Bọn họ nói rằng ở đâu có “Thế giới” gì đó ấy! Cái gì mà là số một ấy! Hoa hồng gì ấy nhỉ! Bởi vì tấm lòng của chúng ta rất rộng mở, liền bèn đến “Đại thế giới” xem thử một chút.

Âm nhạc ở đó thực sự rất hay, sàn khiêu vũ cũng rộng bằng nửa cái chùa của chúng ta! Tôi nghe nói ở đó họ có ba mươi vũ nữ, và chẳng hề có âm thanh cõi trời thanh tịnh vi diệu gì cả. Lần đó tôi đi cùng với Sư Mẫu, chúng tôi chỉ xem chứ không có nhảy.


Thế nhưng khi nghe thứ âm nhạc đó, thứ âm nhạc giống như những ca khúc quốc ngữ của Đài Loan trước đây, vũ trường ở đó có mở những ca khúc quốc ngữ, (ở Mỹ rất hiếm khi nghe được những ca khúc quốc ngữ, hơn nữa rất hiếm những vũ khúc tango, nhìn chung ở Mỹ ít khi nào gặp nhạc tango), khi tôi nghe những khúc nhạc đó, mặc dù không xuống sàn để khiêu vũ, nhưng chân cũng dậm theo nhịp.

Thậm chí ngay thứ âm nhạc thô tục này người bình thường nghe thấy đã cảm thấy tâm tình vui vẻ thoải mái rồi, chân cũng đã dậm theo nhịp rồi, người thích khiêu vũ thì sẽ xuống sàn khiêu vũ, rất vui vẻ, rất thoải mái. Từ đó có thể thấy rằng, âm nhạc thanh tịnh vi diệu ở Tây phương Cực Lạc thế giới còn hay hơn cả thứ âm nhạc này gấp mấy tỉ lần. Nên bảo mọi tế bào của những người ở nơi đó làm sao mà không nhảy múa được đây? Tôi so sánh như vậy là để nói lên sự thần thánh của chính loại âm nhạc ở đó, âm nhạc rất hay, đích thực có thể gột rửa sạch sẽ tâm hồn con người.

Có hương thơm nồng tỏa trong các thế giới:

"Có hương thơm nồng tỏa trong các thế giới", câu này ý nói rằng bởi vì tất cả mọi loại hoa đều nở rộ, cây cỏ cũng rất thơm, vậy nên hương thơm lấp đầy toàn bộ hư không.

Có một hôm, Sư Tôn đến một nhà hàng ăn cơm. Tối hôm đó, do nhất thời cao hứng nên Sư Tôn có xịt một chút nước hoa. Tôi phát hiện ra mùi thơm của nước hoa này hơi giống mùi đàn hương. Thứ mùi đàn hương đó không giống với mùi thơm của dã thảo mà các cô gái trẻ thông thường vẫn xịt mỗi khi chơi. Khi tôi đi ra ngoài, vừa hay có một quý bà ở phía sau tôi nói: "Ôi chao! Toàn thân Sư Tôn tỏa mùi thơm! Có Bồ tát đi theo rồi!" Tôi không dám nói gì, chỉ nói: "Hình như có thì phải?" Tuy nhiên, người tu hành cũng có những lúc thân thể thật sự phát ra mùi thơm.

Sư Tôn từng nói, thân thể mỗi người đều có một mùi riêng, hơn nữa mùi cơ thể của mỗi người đều khác nhau. Bởi vì Sư Tôn đã gặp mấy nghìn mấy vạn người rồi. Khi họ đến hỏi việc, tới ngồi trước mặt tôi, tôi liền ngửi thấy mùi cơ thể của họ, có một số người hỏi việc tương đối lâu, mùi trên người họ tương đối dễ chịu. Nhưng cũng có người thì vừa vào ngồi xuống, Sư Tôn chỉ lập tức muốn đứng dậy ngay, tôi thật lòng nói cho mọi người biết, những lúc đó tôi đều nhịn thở để nói chuyện, cơ bản là tôi không hít thở. Con người thực sự có mùi cơ thể, người tu hành tốt thì trên người tự nhiên sẽ tỏa ra mùi thơm. Người thường xuyên có những suy nghĩ bất hảo, cũng không tu hành gì, thì mùi tiền bạc rất nặng, hơn nữa người thường xuyên bơi ở những vùng nước bẩn thì đều có mùi rất thô nặng.

Có người thường xuyên đánh bạc, trong đầu chỉ toàn nghĩ chuyện thắng thua, anh ta vừa ngồi xuống là lập tức một mùi thắng thua và tiền bạc từ trên người anh tỏa ra. Rất nhiều người trên người có kiểu mùi này, việc này không hay lắm! Giả sử anh ta ngồi bên cạnh tôi ăn cơm, tôi liền để ý xem từ miệng anh ta có bắn nước bọt ra không. Thật là đáng sợ!

Ma Ha Song Liên Trì của chúng ta tỏa ra mùi hương thơm nồng nàn. Mùi hương này nói thẳng ra là ở thế gian chẳng thế nào biết tới được! Nhờ thế, tâm tình của con người ở cõi giới này đương nhiên rất thư thái, họ đều yêu thích Cực Lạc thế giới, thích nghe âm nhạc ở đó, thích ngửi hương thơm ở đó.

Hoa trời bay phấp phới khắp hư không:

Các tòa nhà ở Ma Ha Song Liên Trì đều là các lầu các bằng vàng, được xây nên từ vàng, tỏa ra ánh sáng vàng kim chói lọi. Toàn bộ lầu các trong không trung đều được chạm khắc hoa sen, do đó có rất nhiều hoa sen vàng. Thậm chí trong hư không cũng có rất nhiều hoa đẹp xinh đang rơi xuống.

Rất nhiều người hỏi Sư Tôn: "Những bông hoa rơi từ hư không rơi xuống này, nếu rơi trúng đầu thì có bị vỡ đầu chảy máu không?" Tôi nói với họ: "Yên tâm! Những bông hoa vàng này từ trong hư không rơi xuống, khi chạm tới bạn thì sẽ đi xuyên qua thân thể bạn. Khi những bông hoa đó đi xuyên qua sẽ khiến cho mọi tế bào trên thân thể bạn có một cảm giác thích thú như được mát-xa vậy."

Bạn thử nghĩ xem, những bông hoa xinh đẹp như vậy rơi xuống, rơi trên đầu bạn, đi xuyên qua thân thể bạn, xuyên qua các cơ quan trên thân giống như có một bàn tay khéo léo đang mát-xa cho bạn, xoa bóp thân thể bạn như vậy, cái cảm giác đó, bạn nghĩ xem dễ chịu biết bao. Hơn nữa, cảm giác khi mỗi bông hoa chạm vào thân thể bạn đều khác nhau. Không giống như khi chúng ta đi mát-xa đều chẳng khác gì, luôn luôn là một kiểu như vậy! Còn cảm giác thích thú do hoa mát-xa kia chỉ có ở thiên đường, thuộc loại dịu dàng nhất, dễ chịu nhất.

Hôm nay tôi giảng tới đây thôi. Om Mani Padme Hum.

13. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (5)


Kinh văn:

“Lúc bấy giờ,

Ma Ha Song Liên Trì chấn động mạnh mẽ. Vô lượng chư Thiên đều cảm nhận được, chư Phật, chư Bồ Tát cùng chư Thanh Văn cũng đều cảm nhận được, tất cả liền đi đến Ma Ha Song Liên Trì. Ba mươi ba vị thiên chủ cõi trời cũng vội đến Ma Ha Song Liên Trì. Tập hợp liền hai mươi tám loại thiên chúng, Đế Thích, Phạm Vương, Bát bộ, Tứ chúng. Rộng giảng nói pháp yếu.

Lúc bấy giờ:

Thế nào gọi là "lúc bấy giờ"? Không phải là lúc này, không phải là lúc quá khứ, cũng không phải là lúc đó, tóm lại là có một thời điểm nào đó. Trong bản Kinh này có rất nhiều "lúc bấy giờ", ở đây thể hiện rằng không có tính chất thời gian, mà là thời gian nào cũng đều được cả!

Sáu cơn đại chấn động:

Ở Ma Ha Song Liên Trì rộng lớn, toàn bộ các Phật quốc, toàn bộ các cõi giới đều chấn động. Nói chung, Phật quốc rất hiếm khi nào gặp chấn động, thông thường nếu có chấn động thì mọi thứ đều sẽ bị hủy hoại hết. Thế nhưng trong kinh Phật cũng có nhắc đến sáu cơn chấn động mạnh. Đó đều là những thời khắc vô cùng ý nghĩa, chỉ cần là những cơn chấn động lớn, hoặc cho dù chấn động tới mức nào, thì cũng đều rất có ý nghĩa.

Vài trường hợp có sáu cơn đại chấn động rất nổi tiếng, ví dụ như khi Phật Thích Ca Mâu Ni hạ sinh cũng có sáu cơn đại chấn động. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo, chính là khi ngài khai ngộ dưới gốc cây bồ đề, thì cũng có sáu cơn đại chấn động. Ngoài ra, khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, chính là lúc Phật Thích Ca Mâu Ni cần trở về, thời khắc đó cũng có sáu cơn đại chấn động. Có lần trong lúc Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, khi giảng đến pháp trọng yếu nhất thì cũng có sáu cơn đại chấn động. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuống tóc xuất gia cũng có sáu cơn đại chấn động.

Chúng ta hiện tại chỉ luôn hy vọng không có động đất xảy ra. Ngày nay ở California, ở San Francisco, mọi người đều rất sợ động đất. Sư Tôn bây giờ không dám giảng pháp trọng yếu nữa, bởi nếu giảng vô thượng đại pháp cao nhất thì sẽ xảy ra sáu cơn động đất lớn mất, thế thì chúng ta sẽ thảm lắm!

Ma Ha Song Liên Trì cũng có sáu cơn chấn động lớn. Sáu cơn đại chấn động được nói đến ở đây không chỉ giống như chúng ta chỉ có mỗi động đất đâu, mà còn có cả động trời, động đất, động gió, chấn động hai bên trái phải, chấn động trên dưới, chấn động trước sau, tổng cộng có sáu loại chấn động lớn, khiến cho sao trên trời cũng phải rơi rụng xuống, mặt trăng cũng rơi rụng xuống, tất cả đều chấn động. Những âm thanh rung rung ầm ầm đó mới được gọi là sáu cơn đại chấn động.

Cơn chấn động này khiến cho các cõi trời đều cảm nhận được, toàn bộ sáu cơn đại chấn động ở Ma Ha Song Liên Trì các vị đều cảm ứng được, bao gồm các Phật quốc, Bồ Tát, Thanh Văn, tất cả đều cảm ứng thấy! Bởi vì các vị cảm nhận được sáu cơn đại chấn động này, biết được có việc quan trọng xảy ra, có việc quan trọng xuất hiện, nên các vị đều tới Ma Ha Song Liên Trì.

Ba mươi ba vị thiên chủ, hai mươi tám loại thiên chúng, bát bộ tứ chúng:

"Ba mươi ba vị thiên chủ cõi trời cũng vội đến Ma Ha Song Liên Trì", ba mươi ba cõi trời ở đây chính là cõi trời Dục giới, cõi trời Dục giới ở trên đỉnh núi Tu Di. Cõi trời ở trung tâm gọi là Đao Lợi Thiên, chính xác là Đế Thích Thiên. Đế Thích Thiên ở trung tâm, xung quanh tổng cộng có ba mươi hai cõi trời, nghĩa là mỗi phương có tám cõi trời, bốn lần tám ba mươi hai, cộng thêm Đế Thích Thiên ở trung tâm nữa, nên thành ba mươi ba cõi trời, sắp xếp theo mặt phẳng.

Phía trên thì sao? Còn có hai mươi tám thiên chúng. Thế nào được gọi là hai mươi tám cõi trời? Có nghĩa là ba cõi thiên giới, bao gồm cõi trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, toàn bộ phạm vi của ba cõi giới này gộp lại, trên dưới sắp xếp có tổng cộng hai mươi tám tầng, là hai mươi tám cõi trời. Vậy thì trong đó có rất nhiều vị đều là chủ nhân của các cõi trời, Đế Thích, Phạm Vương đều là chủ nhân, ví dụ như Đại Phạm Thiên Vương, Loa Kế Phạm Vương, Đế Thích, những vị này đều là thiên chủ của các cõi trời này.

Vì sao gọi là Bát bộ? Bát bộ được nói đến ở đây chính là trong bộ phim Thiên Long Bát Bộ mà ngày trước chúng ta đã từng xem đó, chính là Thiên Long Bát Bộ đó! Thiên Long Bát Bộ chính xác là một kiểu hộ pháp bảo vệ những cõi trời này, hoặc là các vị kim giáp thần [các vị thần mặc áo giáp vàng] bảo vệ Bồ tát, hộ trì Phật, hoặc chư Thiên, hoặc các loài rồng, do vậy gọi là Thiên Long Bát Bộ.

Vì sao gọi là Tứ chúng? Tứ chúng chính là nam cạo đầu, nữ cạo đầu, nam để tóc, nữ để tóc. Nam được gọi là tì kheo, nữ được gọi là tì kheo ni. Nam tu hành giả được gọi là ưu bà tắc, nữ hành giả được gọi là ưu bà di. Đây là bốn loại cư sĩ tu hành, hợp lại được gọi là bốn loại người, gọi tên là Tứ chúng.

Vào mùa đông, Sư Tôn rất muốn để tóc dài, để khi tuyết rơi vẫn có thể ăn kem! Thế nhưng bây giờ mà để tóc dài thì không hay lắm, bởi vì bây giờ tóc tôi đã bạc rồi, nên tôi vẫn đang đắn đo xem có nên để tóc dài không.

Tập hợp Đế Thích, Phạm vương, Bát bộ, Tứ chúng, chư Thiên, Phật, Bồ Tát, tất cả đều tới hết là để làm gì? Chính là bởi vì muốn nghe thuyết pháp, bởi vì có sự "rộng giảng nói pháp yếu". Ma Ha Song Liên Trì có rất nhiều sự việc quan trọng (buổi họp quan trọng), ở đây sẽ giảng những pháp vô cùng trọng yếu! Thích hợp với pháp hiện đại, cần truyền đạt đi, do vậy mà tập hợp thiên chúng, Phật, Bồ Tát, Thanh Văn đến để rộng giảng pháp trọng yếu.


Rất nhiều thiên nhân, thần, thậm chí là chư Phật, Bồ tát đều đến. Khi Sư Tôn đến New York, San Francisco thuyết pháp, trong hư không cũng luôn có pháp luân màu xanh lam, chính là màu xanh lam biến thành một vòng tròn ánh sáng - vòng tròn pháp luân màu xanh lam. Đây chính là "chuyển pháp luân quang". Nguyên nhân của việc này là gì? Đây chính là Phật, Bồ tát và thiên chúng trong hư không biết được rằng có đại pháp, mỗi dịp có thuyết giảng pháp, họ cũng đều đến để nghe pháp! Nhưng vì họ không thể ngồi cùng chúng ta, thế nên họ ngồi trên hư không nghe pháp, giống như là họ ngồi trên tầng hai, còn chúng ta ngồi dưới tầng một vậy. Khi họ ngồi trên đó, đúng lúc hình hành một vòng tròn ánh sáng, một vòng quang luân, sẽ giống như họ ngồi trong quang luân nghe pháp vậy. Vì vậy khi có thuyết pháp, hầu như luôn có Phật, Bồ Tát, thiên chúng hạ giáng đến nghe pháp. Hôm nay tôi giảng đến đây thôi. Om Mani Padme Hum.

14. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (6)


Kinh văn:

“Lúc bấy giờ:

Kim Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đại trí huệ.

Bạch Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Pháp giới.

Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo.


Hắc Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hàng phục.”

Lúc bấy giờ:

Tôi đã giảng về "lúc bấy giờ" rồi, chính xác là không phải lúc đó, không phải lúc này, cũng không phải là một lúc nào đấy trong tương lai, tóm lại, chính là một thời điểm. Khi viết văn thì dùng cụm từ "lúc bấy giờ" là hay nhất, bởi vì chắc chắn sẽ luôn đúng.

Kim Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đại trí huệ:

"Kim Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đại trí huệ", thế nào được gọi là ánh sáng đại trí huệ? Đại trí huệ ở đây nếu giải thích ra thì rất sâu, đại chính là có ý nghĩa vô cùng vô tận, trí huệ chính là một dạng trí tuệ vô thượng và viên mãn, bản thân từ trí huệ đã mang ý nghĩa hoàn toàn tràn đầy, vô cùng vô tận rồi.

Trí huệ ở đây hoàn toàn không giống như trí tuệ thế gian. Trí tuệ thế gian có rất nhiều loại, ví dụ, chúng ta có thể dựa vào các vòng tròn trong thân cây để đoán biết được tuổi của cây, chúng ta có thể nghiên cứu để biết cây này thuộc loại thực vật nào, nó là cây bụi hay cây thân gỗ, chúng ta cũng có thể nghiên cứu biết được lá cây của nó có bao nhiêu chất diệp lục, chúng ta có thể nghiên cứu được gỗ của loại cây nào thích hợp để làm loại đồ gỗ gia dụng nào, hoặc loại nào có thể dùng để xây nhà. Cây có rất nhiều tác dụng, thậm chí là loại gỗ nào dùng để làm củi đốt. Trên thực tế, bản thân mỗi cái cây đã chứa đựng rất nhiều kiến thức trong đó, có thể cung cấp cho ta rất nhiều điều để nghiên cứu, đây cũng là một loại trí tuệ lớn. Nhưng trí huệ và đại trí huệ mà chúng ta nói đến ở đây thì khác.

Thế nào được gọi là đại trí huệ? Đại trí huệ đương nhiên cũng bao gồm cả kiến thức về thực vật rồi, bao gồm cả kiến thức về con người, bao gồm cả kiến thức về núi, về biển, về không khí, về sự vận hành của vũ trụ, không những gồm tất cả những kiến thức ngoại tại mà còn có cả kiến thức nội tại nữa.

Vậy thì nhất định mọi người sẽ nghĩ rằng, khi Sư Tôn nói về trí huệ nội tại, chắc chắn là tôi biết! Trí huệ nội tại mà Thánh tôn nói đến chắc chắn là hiểu biết về tim, gan, tỳ, phổi, thận rồi, năm cơ quan nội tạng, các cơ quan của cơ thể con người, vòng tuần hoàn máu, sức sống gì đó, ví dụ như lượng cholesterol là bao nhiêu này! Không phải đâu. Cái gọi là đại trí huệ chính là trong tư duy của bạn, trong tư tưởng của bạn, trong ý niệm của bạn được phân thành rất nhiều tầng tri thức, và trí huệ chính là một dạng ý thức ở sâu bên trong nhất.

Hôm nay, một phi công của hãng hàng không Malaysia cũng tới đây để cầu được quán đảnh. Anh ta nói: "Sư Tôn truyền nhiều pháp như vậy, cũng có nhiều khẩu quyết như vậy, liệu có phải là vẫn còn rất nhiều bí mật nữa không?" Ý của anh ta là muốn tôi nói cho anh biết những điều bí mật nhất và những khẩu quyết cơ mật nhất.

Trong lòng tôi nghĩ, mình học Phật đã hai mươi mấy năm, để có được những thứ cơ mật nhất như vậy, tôi đã phải dùng cả sinh mệnh của mình để đổi lấy! Thánh tôn đã phải dùng cả sinh mệnh và sự mạo hiểm của mình, cộng thêm rất nhiều nỗ lực của bản thân mới có thể đạt được, không phải chỉ là tiền, mà còn cả thời gian, mạng sống để đổi lấy! Tôi cũng cần phải đợi mọi người trả giá cao một chút chứ! Câu này là tôi nói đùa thôi!

Tôi nói với anh ta rằng: "Khẩu quyết này rất vi diệu." Sao lại gọi là "vi"? Vi có nghĩa là vô cùng vi tế. Sao lại gọi là "diệu"? Diệu chính là tuyệt đối hoàn hảo, vừa hay vừa hợp. Do vậy, muốn thực sự có được những khẩu quyết thành Phật, bạn cần phải hiểu được hai chữ "vi diệu" này.

Bạn phải rất tỉ mỉ, suy nghĩ một cách tường tận cặn kẽ, thâm nhập vào cảnh giới rất rất sâu. Bạn đừng cho rằng khi ta nhập vào cảnh giới rất sâu rất vi tế, nhỏ như một cái lỗ kim rồi, thì ở trong đó làm sao mà có ánh sáng đại trí huệ được đây? Tôi nói cho mọi người biết nhé, cái gọi là ánh sáng đại trí huệ chính là ánh sáng vi diệu nhất. Khi ý niệm của bạn thẳng một mạch thâm nhập được vào tầng thứ nhất bên trong của ý thức, rồi tới tầng thứ hai, tầng thứ ba, tầng thứ tư, tầng thứ năm, tầng thứ sáu, tầng thứ bảy, tầng thứ tám, tầng thứ chín, thì khi đó giống như bạn đã đi vào một căn phòng rất tối tăm, sau đó bạn thắp lên một ngọn nến giúp bạn nhìn rõ tất cả mọi thứ trong căn phòng này.

Lúc đó, bạn sẽ thấy được rất rõ ràng minh bạch quá khứ của bạn là gì, hiện tại của bạn là gì, tương lai của bạn là gì. Lúc đó, ánh sáng của bạn có thể chiếu tới toàn bộ vũ trụ, lục hợp, bốn phương tám hướng, trên dưới, quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả đều rõ ràng như một với hai!

Nếu bạn từng không biết về kiếp quá khứ, về tất cả mọi kiếp sống trước đây của mình, thì lúc này tất cả mọi thứ đều hiển hiện ra trước mặt bạn. Bạn có thể biết được hiện tại, cũng có thể biết được tương lai. Tôi bảo mọi người nhé: "Ánh sáng này chính là ánh sáng đại trí huệ." Những thứ mà Sư Tôn đã đạt được đều phải dùng tính mệnh để đổi lấy, đơn giản là vậy đó.

Bạch Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Pháp giới:


"Bạch Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Pháp giới", thế nào gọi là ánh sáng Pháp giới? Chúng ta biết các vị trí đã được xác định của toàn bộ vũ trụ, khi phân chia theo tầng lớp thì có tứ thánh giới, lục phàm giới. Tứ thánh giới chính là Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Lục phàm giới là trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.


Ánh sáng Pháp giới chính là ánh sáng do Bạch Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra. Ánh sáng này không chỉ có ở Ma Ha Song Liên Trì mà thậm chí chiếu tới tất cả tứ thánh giới, đến thẳng các cõi giới của Phật, xuống dưới thì chiếu tới tận cõi địa ngục, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ. Do toàn bộ trong mười pháp giới đều được ánh sáng chói chang chiếu tới, nên gọi là ánh sáng Pháp giới. Vì thế, ánh sáng Pháp giới này rất lợi hại, tương đương với việc phá bỏ toàn bộ mười pháp giới để biến thành duy nhất một pháp giới vậy.

Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo:

"Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo", thế nào được gọi là ánh sáng Vạn bảo? Mọi người hễ nghe thấy ánh sáng Vạn bảo thì tâm trí đều chú ý ngay! Mọi người nhất định sẽ nghĩ "Sư Tôn lại định giảng về pháp tài bảo gì đây! Lục bảo, lam bảo, hồng ngọc, hay là kim cương đây nhỉ! Tất cả mọi đá quý bảo ngọc đều gom cả lại thì chính là ánh sáng Vạn bảo rồi." Kì thực, không phải như vậy đâu! Ánh sáng Vạn bảo được nói đến ở đây chính là nói tới pháp bảo.

Chúng ta cần biết, Đại Tạng Kinh hiện tại mà chúng ta đang sử dụng, bộ tam tạng pháp bảo này chỉ là một chút xíu bề mặt trên cùng của núi băng trôi mà thôi. Việc này trước đây tôi đã từng giảng rồi. Pháp bảo mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói đến này là vô cùng vô tận, nếu gom chúng lại với nhau thì nhiều tới mức bằng cả một đoàn tàu hỏa, dùng xe tải đến chở hết thùng này tới thùng khác thì cũng thành cả một hàng dài như vầy.

Thế nhưng những pháp bảo này hiện tại đang ở đâu? Nghe nói đã bị ngựa của cõi trời và rồng của đại dương chở đi hết rồi, tất cả đã được chở tới long cung rồi, hiện tại đang được giấu ở trong long cung.

Mọi người nghĩ mà xem, bên trong long cung có nhiều pháp bảo như thế, nên trước đây ở Ấn Độ có một vị là Long Thọ Bồ Tát. Ngài ấy đã từng đến long cung để xem những kinh Phật đó. Sau khi xem được kinh Phật, ngài trở về và dựa vào trí nhớ của mình để viết chúng ra, viết ra những kinh Phật mà ngài đã đọc được ở dưới long cung. Tuy nhiên những gì ngài ấy đã viết ra được cũng vẫn chỉ là một góc của núi băng trôi mà thôi.

Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo ở đây chính là nói đến bản thân Lục Liên Hoa Đồng Tử có thể hóa hiện ra hết mấy vạn pháp bảo này, phóng tỏa ánh sáng, có thể thấy là Lục Liên Hoa Đồng Tử rất vĩ đại! Đó nhất định là hóa thân của Long Thọ Bồ Tát, như các bạn thấy đáy biển đó, phần lớn đáy biển đều có màu xanh lục là vì thế! Lục Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Vạn bảo, có mối liên hệ với hàng tỉ hàng vạn pháp bảo đang được giấu tại long cung.

Hắc Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hàng phục:


"Hắc Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hàng phục", ánh sáng Hàng phục này là ánh sáng gì? Ánh sáng Hàng phục chính là ánh sáng có màu đen. Nói chung, nói đến hàng phục thì mọi người đều sẽ nghĩ đến Kim cang pháp, có người nói: "Phật, Bồ tát đều từ bi như thế, thế thì chúng ta có thể "bắt nạt" các vị đó rồi!"

Phật và Bồ Tát đều là tu thiện pháp, chính là những pháp nhẫn nhục. Có người nói anh ta không muốn học Phật, bởi vì học Phật sẽ bị người khác bắt nạt! Giả sử bạn nói lại người ta một câu, hoặc là đánh trả người ta một cái, người ta sẽ nói: "Ô! Chẳng phải anh học Phật sao?" Nếu nhìn từ góc độ này thì xem ra việc học Phật đúng thật là xui xẻo rồi. Trước đây khi tôi ở Đài Loan, tôi thường nghĩ, học Phật pháp rốt cục lại biến thành "suy vĩ đạo nhân" mất thôi (trong tiếng Đài Loan có nghĩa là ma xúi quẩy). Ý nói rằng bởi vì đối với bất kì sự việc gì ta cũng đều cần nhẫn nại, cần học theo Bồ Tát, rồi trước rất nhiều sự việc cần phải nhẫn nhục, không thể nói lại người ta câu gì, lại còn cần giữ gìn sự tu dưỡng của bản thân. Sống như vậy hình như chẳng có chút ý nghĩa gì!

Tuy nhiên, trong vũ trụ có một kiểu thần, chính là thần Kim cang hộ pháp. Các vị này đến để hộ trì, để bảo vệ, chữ "hộ" ở đây chính là bảo hộ, "trì" chính là trì giữ, nói cách khác chính là trì giữ trật tự của Phật pháp để không thể có chuyện người học Phật luôn luôn bị người khác bắt nạt. Nói tóm lại là các vị này cần trở thành hộ pháp ở bên cạnh con người.

Thế còn bản thân Hộ pháp thì sao? Tượng Kim cang với con mắt phẫn nộ như chúng ta vẫn gọi, kì thực, tôi cho rằng hàng phục chính là một kiểu cảnh báo, cảnh tỉnh bạn một chút. Cũng giống như khi chúng ta đi học, nếu như học hành không tốt, trở thành học sinh cá biệt ở trường, thì trước tiên trường học sẽ gửi tới bạn một lời cảnh cáo, tiếp đó phạt nhẹ bạn, tiếp nữa là phạt nặng, tiếp nữa là giữ bạn ở lại trường để theo dõi bạn.

Trong sự hàng phục cũng có ý nghĩa khuyến thiện. Nói cách khác là mặc dù biểu hiện bên ngoài là trừng phạt bạn, nhưng kì thực là đang khuyến cáo bạn, sau đó lại đến để che chở cho bạn, hy vọng bạn có thể nghe lời, có thể nghe những lời khuyên tốt, đừng làm việc ác, hãy biết làm điều thiện, đây chính là ý nghĩa của hàng phục.

Bởi vậy, khi Kim cương Thượng sư tu pháp hàng phục, có khi làm pháp chỉ một ngày, hai ngày thì Kim cang Hộ pháp thần đã thương xót bạn rồi, tay ngài cũng trở nên mềm yếu vì ngài thương xót bạn, đồng cảm với bạn, ngài chỉ thực hiện pháp hàng phục đối với bạn có hai ngày là bạn đã ốm rất nặng rồi. Hoặc là bạn sẽ bị ngã xe đạp, hoặc là bạn sẽ bị trầy xước da một chút xíu! Để bạn thấy là bạn hãy nên cảnh giác đó!

Các vị Kim cương Thượng sư khi tu pháp hàng phục, đại bộ phận sau khi tu pháp hàng phục thì sẽ giúp bạn tu một lần pháp tiêu tai lại từ đầu. Nói cách khác là trước tiên tu pháp hàng phục, sau đó lại tu pháp tiêu tai, là để bạn nếm được mùi vị cảnh cáo trước, sau đó sẽ giúp bạn giải trừ những tai nạn này.

Ánh sáng mà pháp hàng phục hiển hiện ra chính là một loại quang khí màu đen. Người bị trúng pháp hàng phục thì chúng ta nhìn mặt họ sẽ thấy có khí xám xịt trên mặt họ. 

Hôm nay tôi giải thích đến đây thôi. Om Mani Padme Hum.

15. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (7)


Kinh văn:

“Hồng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hạnh nguyện.

Tử Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đoan nghiêm.

Lam Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Quả đức.

Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc.


Tranh Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đồng chân.”

Hồng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hạnh nguyện:

Lần trước tôi đã giảng đến ánh sáng Hàng phục, lần này tôi giảng tiếp đến "Hồng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Hạnh nguyện". Trước đây Sư Tôn đã từng nói, mỗi người lương thiện, mỗi người tốt (chính là người có tâm địa tốt), người làm việc thiện, người đưa ra nguyện lực lớn, người bố thí, người dành toàn bộ thời gian, tiền bạc, mọi hoạt động của mình đều vì cống hiến cho chúng sinh, thì trên đỉnh đầu của họ sẽ phóng tỏa ra một loại ánh sáng màu đỏ gọi là ánh sáng hạnh nguyện.

Sư Tôn thường hay nghĩ đến một câu nói trong Kinh Thánh rằng: "Cho đi tốt hơn nhận lấy." Vì sao lại vậy? Kì thực là thế này, tôi phát hiện ra dường như trước đây Sư Tôn rất ít khi làm việc thiện, tới gần đây thì bắt đầu làm việc thiện nhiều hơn so với ngày trước một chút. Tôi nhận thấy dường như khi chúng ta cho người khác thứ gì đó, hoặc bố thí, hoặc làm việc thiện, thì trong lòng sẽ cảm thấy rất vui vẻ, bình an! Đặc biệt khi bạn đem thứ đồ bạn thích nhất, thứ bạn cho là trân quý nhất, thứ mà bạn không nỡ từ bỏ, để đem cho người khác, thì niềm vui bạn có được sẽ là một thứ hạnh phúc ở mức độ tương đối cao cấp.

Chúng ta nên phá bỏ kiểu quan niệm “cái này là của tôi, cái kia là của bạn.” Giả sử muốn phá bỏ quan niệm này thì bạn cần phải làm được "hạnh" và "nguyện", có nghĩa là hành vi của bạn và nguyện lực của bạn phải hợp với nhau, sau đó mới có thể phá bỏ kiểu quan niệm “cái này là của tôi, cái kia là của bạn.”

Mọi người hãy nghĩ thử xem, sau này giả sử có tới nào đó bạn nghĩ rằng "của tôi cũng chính là của chúng sinh", thì trên đỉnh đầu của bạn sẽ xuất hiện ánh sáng hạnh nguyện màu đỏ. Nếu như hàng ngày bạn vẫn nghĩ: "Của tôi là của tôi, của anh cũng là của tôi, của mọi người cũng đều là của tôi!", thế thì trên đầu bạn sẽ có ánh sáng màu đen. Muốn thành Phật, muốn thành Bồ tát, cần tu hành và phải không còn hai chữ "của tôi" nữa.


Bởi vậy, trên thực tế, những thứ trên đời này không có cái gì là của bạn cả. Khi bạn có thể nghĩ được rằng "mọi thứ trên đời này không có gì là của bạn", thì trên đỉnh đầu bạn sẽ xuất hiện ánh sáng hạnh nguyện màu đỏ. Tấm lòng của bạn sẽ rộng mở, quảng đại như trời đất, sẽ có thiện tâm vô lượng để giúp đỡ người khác. Những người như vậy trong tương lai sẽ chính là Hồng Liên Hoa Đồng Tử.

Tử Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng đoan nghiêm:

"Tử Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đoan nghiêm", đoan chính là đoan chính, nghiêm chính là trang nghiêm, màu sắc ở đây là màu tím. Ánh sáng đoan trang và trang nghiêm này cũng hiển hiện trên hành vi của bản thân mỗi người. Ánh sáng này cũng từ tâm mà phát ra.

Gọi là "đoan" bởi vì không đảo lộn, không đảo lộn cũng có nghĩa như bất động. Chúng ta đã học rằng tâm chúng ta cần không có vọng niệm, không lẫn lộn, nghĩa là hành vi của chúng ta phải cực kì đoan chính. Nghiêm" chính là không có sự lỏng lẻo. Màu tím mà ánh sáng này tỏa ra không hề có một chút khiếm khuyết nào, hơn nữa cũng chẳng có một chút kẽ hở rò rỉ.

Lam Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Quả đức:

"Lam Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Quả đức", vì sao Liên Hoa Đồng Tử màu lam lại hóa hiện ra ánh sáng Quả đức? Bản thân ánh sáng màu xanh lam có tác dụng giúp đỡ người khác, hơn nữa còn có thể đạt được kết quả rất tốt đẹp, giống như hoa quả vậy. Đơm hoa, sau đó kết trái, rồi lại từ trong quả mà xuất hiện ra từng hạt từng hạt rất tròn đầy, chính là một loại quả vậy!

Vậy thì, quả này từ đâu đến? Quả chính là đến từ đức hạnh, hoàn toàn từ sự đức hạnh mà kết thành một loại quả, giống như hoa sen vậy, hoa sen nở rất đẹp, phóng tỏa ra ánh sáng màu xanh lam vô cùng viên mãn, đây chính là một loại quả tròn trịa, tròn đầy.

Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc:

"Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc", Sư Tôn đã từng giảng rồi. Vì sao Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc? Hơn nữa, vì sao màu vàng lại là phúc túc? Nguyên nhân là vì màu vàng rất gần với vàng đó. Trong thiên hạ, màu gì là màu được cho là quý giá nhất? Màu sắc của vàng chính là quý giá nhất, mặc dù kim cương cũng rất đắt rất quý, nhưng kim cương lại không chắc chắn được người ta thừa nhận. Cho tới nay, vàng được dùng làm tỉ giá, có thể thực sự làm một tiêu chuẩn về giá trị, dựa vào trọng lượng của vàng để làm cơ sở so sánh giá, làm biểu giá, còn kim cương thì không thể dùng làm biểu giá được.

Vì sao ánh sáng của màu vàng được gọi là ánh sáng Phúc túc? Cần biết rằng, chữ "phúc" là từ chữ "đức" mà có. "Phúc" cũng là từ "trí huệ" mà có. Người tu hành chúng ta cũng cần tu phúc, cái này gọi là "phúc huệ song tu", chỉ có tu phúc mà không tu huệ thì sẽ biến thành kẻ thế tục, chỉ có tu huệ mà không tu phúc thì chỉ có thể độ chính mình, không thể giúp đỡ người khác, không thể độ chúng sinh. Do vậy, cần phối hợp cùng tu phúc và đức, Hoàng Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Phúc túc chính là phân chia đồng đều tất cả mọi phúc phận.

Tranh Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đồng chân:

"Tranh Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng Đồng chân", thế nào được gọi là đồng chân? Một đám các em bé ban nãy vừa đi qua đây đều là đồng chân đó. Đồng chân ở đây chính là đồng tử (trẻ em), nói cách khác là bản thân đám trẻ này rất thuần khiết, chỉ có sự trong sáng và ngây thơ, không có xấu tốt, không có thiện ác, cũng không làm việc xấu, và căn bản là chúng cũng chẳng nghĩ ngợi làm sao để làm việc xấu. Đây chính là ý nghĩa của chữ "đồng", chính là trong sáng ngây thơ.

Đám trẻ này cũng chẳng e ngại gì, như khi chúng ta ngồi ở đây đông như thế, lại có rất nhiều Thượng sư ngồi ở phía trước, nhưng chúng cũng chẳng cần phải để ý, cứ thế mà đi qua trước mặt, cũng không cần phải hiểu rằng trẻ con bọn chúng khi nói chuyện thì cần nhỏ tiếng một chút, nếu không sẽ ảnh hưởng đến mọi người đang nghe giảng kinh. Bọn chúng không màng đến lễ nghĩa, nguyên nhân chủ yếu là cái chữ "đồng" đó! Bạn có thể bảo con chim nhỏ trên cây là không được kêu nữa, điều này sao có thể được đây?

Chữ "chân" ở đây chính là những gì mà đám trẻ này làm đều là những việc rất chân thực, chúng không giả tạo. Khi vui, chúng sẽ cười, khi bị đánh, chúng liền khóc. Chúng thích bạn thì sẽ "kiss" bạn một cái, còn chúng không thích bạn thì chúng sẽ trợn mắt với bạn. Bởi vì chúng không biết giả vờ, bạn biết chứ?

Tôi phát hiện ra rằng người lớn chúng ta, con người khi tuổi càng cao thì lại càng hay giả tạo. Rõ ràng là không thích, nhưng lại nói với bạn rằng: "Đa tạ anh đã chỉ giáo." Rõ ràng là rất ghét bạn, nhưng lại nói: "Ngưỡng mộ đã lâu! Ngưỡng mộ đã lâu!" Rõ ràng là không hoan nghênh bạn đến, thế nhưng miệng vẫn nói: "Lần sau lại đến nhé! Có thời gian rảnh xin mời lại đến chơi!" Đây chính là những người lớn xấu xí. Người tu hành cần lấy lại sự "đồng chân", đừng giả tạo.

Tranh Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện ra ánh sáng này hoàn toàn là một thứ ánh sáng đồng chân, ánh sáng trong sáng và ngây thơ, ánh sáng này chưa từng bị ô nhiễm. Còn như chúng ta đều đã từng bị ô nhiễm rồi. Do vậy, mọi người đã thấy những ánh sáng này, có ánh sáng đại trí huệ, có ánh sáng kết nối các pháp giới, có ánh sáng của vạn thứ bảo vật xuất hiện, có ánh sáng hàng phục tà ma, có ánh sáng hạnh nguyện viên mãn màu đỏ, có ánh sáng đoan trang trang nghiêm, có ánh sáng từ phúc sinh ra quả, có ánh sáng phúc phận đủ đầy dư thừa, có ánh sáng đồng chân vô cùng chân thành giống như trẻ con, mọi người nghĩ thử xem, ở Ma Ha Song Liên Trì có nhiều loại ánh sáng như vậy cùng giao thoa, cùng chiếu sáng, cùng chói lọi, bạn thử nghĩ xem, thế giới đó có rực rỡ và mĩ miều hay không!

Bởi thế, trong tương lai cõi tịnh độ Ma Ha Song Liên Trì này sẽ làm chấn động toàn thế giới, toàn bộ địa cầu sẽ chấn động! Gần đây, cuốn Chân Phật Kinh này đã gây chấn động tới các quốc gia trên toàn thế giới rồi, bao gồm tất cả các tín đồ Phật giáo và tín đồ các tôn giáo khác, họ đều đã "bắn pháo" chúc mừng rồi. "Bắn pháo" này chính là "nổ pháo có ý kiến" đó!


Hôm nay tôi giảng tới đây thôi. Om Mani Padme Hum.

16. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (8)


Kinh văn:


“Chư Thiên thấy vậy cảm thấy kinh ngạc lạ kỳ. Thế là Đế Thích từ trong chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu hướng về Bạch Liên Hoa Đồng Tử mà thưa rằng: "Thánh Tôn, thật hi hữu hiếm có. Ma Ha Song Liên Trì do nhân duyên nào mà xuất hiện ánh sáng đại quang hoa rực rỡ này?"

Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói: "Đó là vì để thuyết giảng cho các ông vậy."


Đế Thích nói: "Thánh Tôn uy quyền tối tôn. Chỉ mong Thánh Tôn vì chúng sinh mà tuyên thuyết. Tất cả trời người sẽ đều biết phải hướng quay về."


Lúc bấy giờ Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với Đế Thích cùng chư đại chúng: "Lành thay lành thay. Nay ta vì các ông và chúng sinh đời mạt thế, cùng những người hữu duyên trong đời tương lai, giảng cho tất cả đều biết đạo lý chân thực Phật pháp và tiêu tai ban phúc."

Chư thiên kinh ngạc và thưa hỏi:


Chư thiên ở đây đại diện cho các thiên thần của hai mươi tám cõi trời có tại thiên thượng giới, cùng các thần tiên của ba mươi ba cõi trời có tại thiên thượng giới. Họ đều nhìn thấy rất rất nhiều quang sắc hiển hiện, nhìn thấy quang sắc này tràn đầy cả hư không, thậm chí tràn đầy khắp cả thập pháp giới, bao gồm cả tứ thánh giới, lục đạo chúng sinh, tam ác đạo, tất cả đều tràn ngập ánh sáng bao la, nên cảm thấy vô cùng kinh ngạc và hiếu kì, bởi vì toàn bộ thập pháp giới đều xuất hiện hiện tượng ánh sáng nhiều màu sắc tràn ngập như thế vốn chẳng phải là một chuyện thường gặp!

Chính lúc đó, Đế Thích (chính là Thích Đề Hoàn Nhân, cũng chính là thiên chủ của ba mươi ba cõi trời), từ chỗ ngồi của ngài đứng dậy. Ý nghĩa của hành động "cúi đầu" chính là chắp tay, chắp tay cung kính chính là cúi đầu. "Cúi đầu hướng về Bạch Liên Hoa Đồng Tử mà thưa", điều này cũng đồng nghĩa với việc hỏi chuyện Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử vậy.

"Thật hy hữu hiếm có. Ma Ha Song Liên Trì do nhân duyên nào mà xuất hiện ánh sáng đại quang hoa rực rỡ này?" ý nói rằng, hiện tượng ánh sáng ngập tràn chói lọi này vô cùng hiếm gặp, vô cùng hy hữu, rốt cục là Ma Ha Song Liên Trì này, Thánh giới này có nguyên nhân gì đây? Là nhân duyên nào mà xuất hiện ánh sáng đại quang hoa rực rỡ như vậy?

Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với Thích Đề Hoàn Nhân (Đế Thích) cùng với tất cả thiên thần của các cõi thiên giới, ý rằng: "Bởi vì ông đã hỏi nên tôi mới vì ông mà giải thích một chút là vì nguyên nhân gì đã xuất hiện đại quang hoa này."

Uy quyền tối tôn:

"Đế Thích nói: "Thánh Tôn uy quyền tối tôn. Chỉ mong Thánh Tôn vì chúng sinh mà tuyên thuyết. Tất cả trời người sẽ đều biết phải hướng quay về.", ở đây tôi giải thích thế nào gọi là uy quyền tối tôn.

Uy ở đây, như chúng ta vẫn nói, chính là uy phong. Uy phong bát diện!

Ngày trước chúng ta xem múa rối tay, có một vị công phu rất cao cường hễ xuất hiện một cái là, oa, rất nhiều ánh sáng chiếu vào cũng xuất hiện! Khi âm nhạc tấu lên điệu cao nhất thì ông ta mới nhảy ra. Cái "uy" này cũng tương tự như một sự uy nghiêm, vô cùng uy nghiêm, tối cao vô thượng.

Giống như bây giờ chúng ta đi nhìn mặt trời, khi mặt trời lên cao và sáng chói thì chẳng có cách nào nhìn mặt trời trực tiếp bằng mắt được cả, bởi vì cường độ sáng của nó rất mạnh mẽ. Ánh sáng chói lọi.

Thế còn chữ "quyền" thì sao? Chính là nói đến quyền lực, quyền thế, cùng với sức mạnh mà ngài nắm giữ, nói cách khác chính là sức mạnh của chính ngài, pháp lực của ngài. Đế Thích Thiên Vương (Ngọc Hoàng Đại Đế) nói: "Đây vừa là sự uy nghiêm, vừa là quyền lực tối tôn, chính là tối cao, vô thượng, chí thượng, tôn quý nhất." Đế Thích Thiên Chủ nói rằng "Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử uy quyền tối tôn" khả năng là bởi vì ngài ấy đã nhìn thấy phía trên Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử có một vị Đại Nhật Như Lai, Đại Nhật Như Lai đương nhiên là uy quyền tối tôn mà!


Chúng ta biết rằng, bản thân Liên Hoa Đồng Tử chính là hóa thân của Phật Nhãn Phật Mẫu. Hai con mắt của Phật Nhãn Phật Mẫu hóa thành Ma Ha Song Liên Trì, ánh sáng của Ma Ha Song Liên Trì hóa thành các vị Liên Hoa Đồng Tử. Vậy còn Phật Nhãn Phật Mẫu thì sao? Ngài lại được biến hóa ra từ Đại Nhật Như Lai, việc này đồng nghĩa với Liên Hoa Đồng Tử là hóa thân ánh sáng của Đại Nhật Như Lai. Điều này giải thích cho ta thấy nguồn gốc của Liên Hoa Đồng Tử là đến từ Đại Nhật Như Lai.

Buổi tối hôm nay chúng ta tu pháp Chuẩn Đề Phật Mẫu. Nguồn gốc của Chuẩn Đề Phật Mẫu là từ đâu đến? Kì thực, Chuẩn Đề Phật Mẫu cũng đến từ cung điện Pháp Giới Tối Thắng của Đại Nhật Như Lai, vì thế Chuẩn Đề Phật Mẫu và Liên Hoa Đồng Tử có cùng một nguồn gốc. Chuẩn Đề Phật Mẫu là chị gái của Liên Hoa Đồng Tử, do đó hai vị giống như chị em vậy, tình cảm vô cùng tốt! Cho nên Chuẩn Đề Phật Mẫu là một trong số tám bổn tôn lớn nhất của chúng ta là có nguyên nhân của nó.

Trong Trung mật và Đài mật [Mật tông của núi Thiên Thai được gọi là Đài mật, còn Trung mật chính là Mật tông Trung Quốc], và cả Đông mật [chính là Mật tông Nhật Bản], Chuẩn Đề Phật Mẫu đều được xem như là Phật Mẫu chủ tôn. Còn trong Mật tông Tây Tạng thì Chuẩn Đề Phật Mẫu rất ít khi nghe nói đến. Trong Mật tông Tây Tạng, rất nhiều vị Rinpoche Tây Tạng đều không biết đến Chuẩn Đề Phật Mẫu. Do vậy, đối với Mật tông Trung Quốc, Mật tông Thiên Thai, Mật tông Nhật Bản, cũng chính là đối với Trung thổ, thì Chuẩn Đề Phật Mẫu đặc biệt quan tâm chăm sóc chúng ta, còn đối với người Tây Tạng thì ngài không quan tâm mấy.


Bởi vì bản thân Liên Hoa Đồng Tử đến từ cung của Đại Nhật Như Lai nên ngài biết rõ Chuẩn Đề Phật Mẫu cần hoằng dương trên toàn thế giới. Tông phái của chúng ta có bát đại bổn tôn, Chuẩn Đề Phật Mẫu chính là một vị trong số đó. Chuẩn Đề Phật Mẫu còn có tên gọi khác là Tối Thắng Kim Cang và Như Ý Kim Cang, nguyên nhân chính là vì sao? Chính là vì bản thân ngài đến từ cung của Đại Nhật Như Lai.

Đế Thích nói "Thánh Tôn uy quyền tối tôn" xong thì sao? Ngài liền yêu cầu Thánh Tôn vì tất cả thiên chúng, thiên thần, Phật, Bồ Tát hiện đang có mặt ở đó mà tuyên thuyết. Ý nghĩa của tuyên thuyết chính là giải thích công khai, để cho tất cả trời và người đều biết được nhân duyên, biết được để mà hướng quay về.

“Lúc bấy giờ Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với Đế Thích cùng chư đại chúng: "Lành thay lành thay. Nay ta vì các ông và chúng sinh đời mạt thế, cùng những người hữu duyên trong đời tương lai, giảng cho tất cả đều biết đạo lý chân thực Phật pháp và tiêu tai ban phúc.” nghĩa là vào lúc đó, Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với Đế Thích Thiên Chủ và tất cả các vị Phật, Bồ Tát đang ở tại đó, với tất cả các thiên chúng, lúc đó ngài nói rằng "lành thay, lành thay" chính là câu cửa miệng của rất nhiều lão hòa thượng trước đây hay nói.

Trước đây, Sư Tôn đọc tiểu thuyết võ hiệp thường thấy lão hòa thượng cầm chiếc xẻng vuông, gặp những lúc phải phạm vào giới sát sinh thì đều nói: "Thiện tai! Thiện tai! Để lão tăng tiễn các người đến Tây Thiên!" [Đùa]

Đương nhiên kể chuyện hòa thượng phạm vào giới sát sinh như vậy thì chẳng hay gì rồi! Nhưng câu văn đó thì được dùng rất hay. Thế nào gọi là "thiện tai, thiện tai?" Có nghĩa là rất tốt, rất tốt! Người xuất gia như bọn họ giết người mà vẫn còn tiễn người ta đến Tây Thiên, có vẻ như hàm nghĩa rất sâu sắc.


Trên thực tế, tôi cảm thấy những người xuất gia hoặc các vị đạo trưởng trong các tiểu thuyết võ hiệp này, kì thực nhìn chung đều là cố ý viết ra thôi, chỉ là thân phận của người xuất gia và đạo trưởng có một chút đặc thù. Đại bộ phận người xuất gia và đạo trưởng đều là người tu hành, chỉ có một bộ phận nhỏ người xuất gia hoặc đạo trưởng là dấn thân vào những ân oán giang hồ. Những thứ được viết trong tiểu thuyết võ hiệp đương nhiên có rất nhiều hư cấu. Nói "thiện tai, thiện tai" ở đây là chỉ có ý rằng "rất hay, rất hay", không phải ý là muốn tiễn đến Tây Thiên đâu.

Ngày hôm nay ta [giảng Chân Phật Kinh] chính là vì Đế Thích Thiên Chủ và tất cả chúng sinh ở tại thế giới Ta Bà trong đời mạt thế cùng tất cả chúng sinh trong đời tương lai, chỉ cần là người có duyên phận trong đời tương lai. Thế nào gọi là đời tương lai? Đời tương lai nghĩa là từ thời điểm hiện tại bắt đầu thuyết pháp trở về sau, cũng chính là thế giới hiện tại và tương lai, và còn có rất nhiều đời, nhiều kiếp sau thời điểm hiện tại này, thì được gọi là các đời tương lai.

Như thế ở đây có đạo lý giống như ngày trước, khi chúng ta học Kinh Thánh, có vị thầy chuyên đảm nhận việc tra cứu Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh có câu nói rằng chúng ta cần có lòng tin, khi Cơ Đốc Giáo tuyên truyền rộng rãi thì đã nói, người có lòng tin có thể lên thiên đường, người không tin thì xuống địa ngục.

Xưa kia, giống như Chúa Jesus Chris hạ giáng tại thế giới Ta Bà này, hạ sinh tại nhân gian. Do hiện tại là năm 1988 [thì tính ra] cũng chính là 1988 năm trước, chúa đã hạ sinh tại thế giới Ta Bà này, hạ sinh tại nhân gian để truyền bá đạo lý của Thượng Đế, truyền dạy đạo lý của Chúa.

Khi nghiên cứu đạo lý này [lúc còn học Kinh Thánh], tôi liền giơ tay hỏi mục sư, tôi nói: "Ai tin vào chúa Jesus thì mới được lên thiên đường, còn ai không tin thì phải xuống địa ngục, vậy thì, Trung Quốc chúng ta có năm nghìn năm lịch sử, xin hỏi: Trung Quốc hai nghìn năm trở về trước, trong khoảng ba nghìn năm, các triều đại Đường, Ngu, Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Tam Quốc, Ngụy Tấn, Nam Bắc Triều, con người của các triều đại liên tiếp này hoàn toàn không có tiếp xúc gì với Matteo Ricci, chẳng hề biết Jesus Chris ở đâu, thế thì những người này phải làm sao?"

Mặt của vị mục sư kia thoạt trắng thoạt đỏ, ông ấy chỉ vào mũi tôi và nói: "Cậu là loại thích gây khó dễ cho người khác, chuyên môn gây phiền phức." Nhưng từ đầu tới cuối tôi vẫn không hiểu, lịch sử Trung Quốc chúng ta lịch sử năm nghìn năm, vậy thì con người của ba nghìn năm trước đây đã thế nào?

Do đó, bản kinh này của chúng ta rất hay! Những người trong quá khứ chưa từng đọc được bản kinh này xem như không có duyên. Chúng ta là những người có duyên phận thì trong các đời tương lai (đời hiện tại và đời tương lai) đều có duyên với bản kinh này, người nào đọc được chính là “những người có duyên trong đời tương lai.”

Trước đây tôi đã học điều thứ nhất trong mười điều răn của Chúa. Điều thứ nhất trong mười điều răn của Chúa mà Đức Jehovah dạy cho Moses là: "Ngoài ta ra, không có Đức Chúa Trời nào khác." Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, ý của câu này là, ngoài Chúa ra, tất cả những thứ khác đều là ma quỷ.

Khi đó, tôi nói với mục sư như thế này: "Ngoài ta ra, không có Đức Chúa Trời nào khác, [thì ngầm hàm ý] chứng tỏ rằng trong hư không vẫn còn Chúa khác."

Kì thực, Đức Jehovah nói như vậy về "Chúa" cũng đúng, bởi vì nếu ngài thừa nhận rằng có rất nhiều vị Chúa khác, [ngộ nhỡ] mọi người tin theo các vị Chúa khác, thì bản thân ngài sẽ chán nản lắm. Ở đây, chúng ta hiểu tâm tình của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời hy vọng mọi người đều có thể đi theo ngài, và cũng có thể lên được thiên đường như ngài. Ngài có thể dẫn dắt những người này hưởng phúc ở trên thiên đường.

Ngài không muốn [các đệ tử] đến với các vị Chúa khác, bởi vì hy vọng [chỉ có nhờ vậy], việc "kinh doanh" trên cõi thiên đường của ngài mới tốt, còn tình hình "kinh doanh" của các cõi thiên đường khác thì cứ mặc kệ nó đi. Ý là như vậy. [Đùa]

Cá tính của Đế Thích Thiên:

Kì thực, theo Sư Tôn biết, Đế Thích Thiên của Phật giáo chính là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo, cũng chính là Thiên Chúa của Thiên Chúa Giáo, là Thánh Allah của Hồi giáo. Trước đây tôi cũng đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về vị Đế Thích này.

Cá tính của vị Đế Thích như sau: Cá nhân ngài rất tốt, bản thân ngài rất giỏi, quản lý ba mươi ba cõi trời, tất cả thiên chúng đều do ngài quản lý. Phạm vi quản lý của ngài rất rộng, hơn nữa ngài mang thân phận là một Thiên Chúa, ngài hy vọng tất cả người nhân gian đều có thể tin tưởng theo ngài .

Mặc dù ngài rất giỏi, nhưng có hai khuyết điểm nhỏ: Thứ nhất là có hơi một chút cao ngạo, thứ hai là ngài lấy hơi nhiều vợ. Tôi kể như vậy, vị Đế Thích Thiên này có lẽ sẽ không tức giận, bởi vì uy năng của bản thân Đế Thích Thiên cũng rất tôn quý, toàn bộ nhân gian đều nằm dưới sự quản lý của ngài.

Có thể nói rằng ngài là Thiên Chúa của cõi Dục giới trong ba cõi giới, đồng thời, ngài cũng là Cổ Phật chuyển thế, ngài ta có duy nhất…, duy nhất…., điều này hơi khó nói! Ngài có duy nhất một kẻ địch, đó chính là bố vợ của ngài, bởi vì bố vợ của ngài cũng muốn chiếm được địa vị là Thiên Chúa của ba mươi ba cõi trời. Trên thiên đường mà có thể gây nên một vụ "Ô Yên chướng khí" như vậy chính là do ngài và bố vợ của ngài gây ra...

Ô! Tôi cũng trở nên lộn xộn rồi. Vì sao Sư Tôn lại nói mấy chuyện này nhỉ? Mặc dù Đế Thích vĩ đại như vậy, mặc dù Đức Jehovah của Cơ Đốc Giáo rất vĩ đại, Thiên Chúa, Jehovah, Đức Chúa Trời đều rất vĩ đại, nhưng họ gặp vấn đề thì vẫn phải đi hỏi Liên Hoa Đồng Tử.

Do vậy, Liên Hoa Đồng Tử lúc này mới nói cho họ, để cho mọi người được biết rằng cái gì là Chân Phật Mật Pháp. Thế nào là đạo lý tiêu tai ban phúc?

Phật pháp chân thực hoàn toàn không phải là biểu hiện sùng bái bên ngoài, đương nhiên Kinh Thánh cũng rất hay, bởi vì biểu hiện bên ngoài của nó đều là khuyên người ta làm việc thiện, khuyên người ta cần làm người thế nào, làm việc thế nào, cũng nói chuyện đạo lý.

Những điều mà Kinh Thánh giảng cũng đều là những đạo lý rất hay. Tuy nhiên, đạo lý trong Kinh Thánh vẫn là biểu hiện bên ngoài. Chúng ta đến giáo đường chính là để nghe mục sư giảng đạo, sau đó chúng ta cầu nguyện, hướng về Thiên Chúa cầu nguyện, sau đó thì sao? Chúng ta đọc văn cầu nguyện, ngâm thơ tán thán Thượng Đế. Sau đó, chúng ta có lễ Giáng Sinh, mục sư sẽ phát kẹo cho ta, đây đều là những biểu hiện bề ngoài.

Trong Phật pháp của chúng ta cũng có [các hoạt động] tương tự, ví dụ khi chúng ta sám hối thì ta niệm văn cầu thỉnh, hát tán thán, niệm Phật, tụng kinh, trì chú. Nghi thức bên ngoài này khá tương đồng với Cơ Đốc Giáo.

Trước đây trong Cơ Đốc Giáo của chúng tôi đọc văn cầu nguyện, chúng tôi dùng tiếng Đài Loan để niệm. Tôi đọc một đoạn cho mọi người nghe: "Cha ở trên thiên đường của chúng con, Cha Thượng Đế, chúng con ở đây!" Ví dụ cầu nguyện như vậy gọi là biểu hiện bề ngoài, cũng chính là sự sùng bái trên phương diện hình thức.

Dùng Phật pháp chân thực để cải vận:

Nhưng Phật pháp chân thực thì hướng vào tìm hiểu nội tâm của bạn, hướng vào nội tâm của bạn để tìm hiểu một cách sâu xa, để thấu hiểu nội tâm bạn, khiến cho cái tâm chân chính của bạn có thể chắt lọc ra được Phật tính chân thực, biến nhân tính của bạn thành Phật tính. Tu hành như vậy mới là Phật pháp chân thực.

Như thế, Phật pháp chân thực hoàn toàn không phải là biểu hiện sùng bái bên ngoài, cũng không phải là cứ ở đó đọc kinh, niệm văn cầu thỉnh, hoặc là đi sám hối, không phải như vậy. Nó hoàn toàn là việc nhận ra thế giới nội tâm của bản thân bạn, sự thức tỉnh này mới là Phật pháp chân thực. Phật pháp không tách rời tự tâm, rời xa tự tâm liền không còn pháp thì đó cũng là ngoại đạo.


Vì thế, chúng ta đến nhà thờ, hoặc đến chùa chiền, thấy những người đến đó chỉ châm hương vái lạy, rồi nói chuyện với Bồ Tát, nói rất nhiều lời, đều là ca thán than phiền, những người này chẳng phải là học Phật pháp chân thực.

Trước đây tôi từng kể chuyện có một bà lão đem theo một buồng chuối đến chùa nói chuyện với Bồ Tát suốt từ 10 giờ tối cho đến tận 2 giờ sáng. Lão hòa thượng trông nom chùa hễ thấy bà đến là biết ngay tối nay chẳng được ngủ rồi. Tóm lại, kiểu gì cũng phải đến sáng sớm mới có thể đóng cửa chùa.

Lão hòa thượng này thấy bà lão đến liền nói với bà:

"Bà không đến vào ban ngày được sao?"

Bà nói:

"Buổi tối tôi mới rảnh."

"Bà có thể nói ngắn gọn một chút không?"

"Tôi đã tích tụ nỗi phiền muộn này bao nhiêu năm rồi, bây giờ cần phải nói với Bồ Tát, sao ông lại có thể cư xử thiếu phép tắc như vậy?"


Bà lão nói chuyện với Phật, Bồ Tát, vừa bắt đầu nói chuyện là bà bắt đầu kể lể. Nào là con trai lớn của bà bất hiếu! Thằng con trai thứ hai của bà thì hư hỏng! Thằng con trai thứ ba thì không cho bà tiền! Con dâu cả thì đuổi bà ra khỏi nhà ra sao! Con dâu thứ hai thì hễ nhìn thấy bà là trợn trừng mắt lên. Còn con dâu thứ ba thì sao? Cô ta cố ý ăn hết đồ ăn mà bà thích ăn! Tốt nhất là cho lũ chúng nó ngã hết, ngã lộn nhào, ngã gẫy chân thì thôi!

Chúng ta hiểu rằng đây chẳng phải là Phật pháp chân thực. Đây chỉ là sự sùng bái bên ngoài mà thôi. Lúc này đây, giống như chúng ta đang ngồi trong lễ đường nghe giảng đạo, hoặc đang hát thánh ca tán thán, sau đó cầu nguyện. Những việc kiểu này nhìn chung mà nói thì đều là những hành động biểu hiện bề ngoài.

Người có thể theo phương pháp giảng trong Kinh Thánh hoặc trong kinh Phật để biết cách làm người, làm việc thiện cũng đã là rất tốt, tuy nhiên đó cũng chưa phải là chân thực nhất. Phật pháp trong cuốn Chân Phật Kinh này mới có thể đủ khả năng tiêu tai, mới đủ khả năng ban phúc, cũng như đủ khả năng thay đổi vận mệnh của bạn. Không những thay đổi vận mệnh mà còn có thể giúp bạn vãng sinh đến tầng cao nhất tại Ma Ha Song Liên Trì ở Tây phương Cực lạc Thế giới.

Rất nhiều người đều hy vọng có thể thay đổi vận mệnh. Các thuật sĩ giang hồ lợi dụng tâm lý này của con người nên nói rằng “tôi có thể giúp anh cải vận”, ý rằng anh phải đưa cho tôi cái gì đó thì tôi mới giúp anh cải vận, để giúp vận mệnh của anh tốt hơn. Sư Tôn cho rằng việc đó chẳng thể nào thay đổi vận mệnh được.

Các bạn muốn cải vận thì cần phải học tập Phật pháp chân thực, thay đổi từ chính nội tâm mình, có như vậy bạn mới có thể thực sự thay đổi vận mệnh. Điều này có nghĩa là phải thay đổi toàn bộ nội tại, cái gốc chân chính của bạn thì vận mệnh của bạn mới có thể thay đổi. Đó chính là "đạo lý chân thực Phật pháp tiêu tai ban phúc".

Hôm nay tôi giảng đến đây thôi. Om Mani Padme Hum.

17. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (9)


Kinh văn:

“Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử liền nói tiếp:


Chư Phật, Bồ Tát cứu độ chúng sinh.

Có:

Tối Thắng thế giới,

Diệu Bảo thế giới,

Viên Châu thế giới,

Vô Ưu thế giới,

Tịnh Trú thế giới,

Pháp Ý thế giới,

Mãn Nguyệt thế giới,

Diệu Hỷ thế giới,

Diệu Viên thế giới,

Hoa Tạng thế giới,

Chân Như thế giới,

Viên Thông thế giới.


Bây giờ sẽ có Chân Phật Thế Giới.

Thế là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Thánh chúng nghe Thánh Tôn khai diễn Chân Phật Thế Giới.

Biết được sự cát tường, thiện thệ, đại bi, nhân quả của quá khứ - hiện tại - vị lai, là do Thánh Tôn vì chúng sinh hóa thân thị hiện. Ai nấy hoan hỉ chưa từng có, cúi đầu tán thán mà hát lên bài kệ.”

Pháp cúng dường của Mật giáo:

Buổi tối hôm nay, vào lúc chúng ta làm đại cúng dường, tôi cứ nghĩ mãi, hình như không có thứ gì có thể cúng dường chư Phật, Bồ tát thì phải? Tôi vừa nhắm mắt lại liền có thể nhìn thấy những ngọn đèn rất đẹp này, những ngọn đèn rất đẹp kia. Mỗi một ngọn đèn biến hóa thành một vị Bồ tát đến đây.

Lúc đầu tôi dự định là sau khi nhìn thấy những ngọn đèn này rồi thì tôi sẽ cúng dường chúng cho tất cả các vị Phật, Bồ tát, nhưng chẳng ngờ những ngọn đèn này lại đều biến thành từng vị từng vị Phật, từng vị từng vị Bồ tát. Những ngọn đèn này là vô tận, do vậy, các vị Phật, Bồ tát cũng nhiều vô tận.

Trong lòng tôi nghĩ, làm sao có thể lấy Bồ tát để cúng dường Bồ tát đây? Tôi thấy hình như không được đúng lắm, sao có thể lấy Bồ tát để cúng dường Bồ tát được? Bây giờ thì tốt rồi, đọc tới đoạn kinh văn này là thấy có thể lấy Bồ tát để cúng dường Bồ tát rồi.

Trong Mật pháp chúng ta có một pháp là đem toàn bộ chúng sinh (dùng gạo tượng trưng cho chúng sinh) để cúng cho Phật Bồ tát, điều này biểu thị rằng người tu hành chúng ta dùng tâm của chính mình để độ chúng sinh, rồi lại cúng toàn bộ chúng sinh được độ cho Phật và Bồ tát.

Kì thực, chúng sinh đều là Phật tương lai, bên ngoài thì bạn là chúng sinh, nhưng trong tâm bạn lại có Phật tính, do vậy chúng sinh chính là Phật. Phật giáo có một câu nói rất hay rằng: "Mê là chúng sinh, ngộ liền là Phật." Do vậy chúng sinh và Phật là bình đẳng.

Hôm nay tôi nhìn thấy rất nhiều đèn. Hầy, giờ không còn đèn nữa, tất cả đều đem cúng hết rồi, đương nhiên là không còn nữa! Một cách đột ngột, những ngọn đèn này đều chẳng còn, đều đã được cúng đi hết rồi. Sư Tôn dùng Phật để cúng Phật, nói cách khác là đem chúng sinh cúng Phật, cũng như nhau cả! Do vậy, lấy Phật để cúng Phật là cách cúng chí cao vô thượng. Bởi dùng Phật để cúng dường Phật nên trở thành cả một thế giới Phật.

Thế giới của Phật:

Ở đây, thế giới được nói đến trong đoạn kinh văn này hoàn toàn không phải là nói tới thế giới Ta Bà. Tất cả là để chỉ các thế giới của Phật. Ở đoạn này có vài thế giới, Sư Tôn sẽ kể cho mọi người những thế giới mà Sư Tôn đã từng đến từ rất nhiều đời trước đây, thậm chí từ vô lượng kiếp trước, và có một vài thế giới Sư Tôn vẫn chưa đến. Tôi không dám nói bừa, nơi nào đã từng đến thì hôm nay tôi sẽ kể cho mọi người nghe.

Tôi đã từng đến Tối Thắng Thế Giới, bởi vì trong cái tên gọi này có một chữ "Thắng" mà, giống với tên của tôi. Nơi đó gọi là Tối Thắng Thế Giới, nên tôi đương nhiên phải đến đó rồi, bởi vì trong tên của tôi cũng có chữ Thắng đó mà. Có phải thế không? Kì thực, Tối Thắng Thế Giới chính là thế giới gốc, thế giới cơ bản, chính là thế giới của Đại Nhật Như Lai, và cũng chính là Tối Thắng Cung Thế Giới.

Tên tôi có một chữ Thắng, tôi thừa nhận trước đây mình cũng tương đối hiếu thắng, viết văn chương cũng có phần ghê gớm. Cái phản ứng "giữa đường gặp chuyện bất bình bèn cầm dao xông tới giúp" này dường như có chút hơi hướng của anh hùng hảo hán, thế nhưng bây giờ thì sao?

Tôi tu Tứ vô lượng tâm rồi, tu pháp tĩnh tịch rồi, muốn học Bồ tát nên tâm cũng đã mềm hơn. Thế giới hiện tại của Sư Tôn chính là "Tối Thua Thế Giới, thế nên ba cái chữ Lư Thắng Ngạn này của tôi nên đổi thành Lư Thua Ngạn, không phải Thắng nữa mà là Thua, không chỉ là thua mà còn thua sạch sẽ. Trước đây, Sư Tôn đã từng đến Tối Thắng Thế Giới, bởi vì Tối Thắng Pháp Giới Cung chính là thế giới của Đại Nhật Như Lai. Trong cuốn văn tập "Đêm ở hồ U Linh", Sư Tôn có nhắc đến Tối Thắng Pháp Giới Cung.

Thế còn thế giới thứ hai, Diệu Bảo Thế Giới, tôi cũng đã đến đó rồi. Có người nói: "Ngài đã đến Diệu Bảo Thế Giới, thế ngài có đem thứ gì về cho chúng tôi xem không?" Tên gọi Diệu Bảo Thế Giới này hoàn toàn không phải là nói tới những bảo vật đó, cũng hoàn toàn không phải là nói mang bảo vật trong nội tâm ra để cho mọi người xem đâu! Diệu Bảo không phải chỉ bảo vật, mà là pháp bảo, pháp bảo mới là diệu bảo. Thế giới này là thế giới của Bảo Sinh Phật, do vậy được gọi là Diệu Bảo Thế Giới.

Tiếp theo, chúng ta nói về Viên Châu Thế Giới. Những người đã từng đến mật đàn của tôi, trông thấy quả cầu thủy tinh tròn tròn liền nói: "Hẳn Viên Châu Thế Giới chính là thế giới trong quả cầu thủy tinh đó." Không phải vậy, tuy nhiên tôi chưa từng đến thế giới này, nên thực tình cũng không biết nó như thế nào, do vậy tôi sẽ không nói về nó. Sau này tôi đi tới đó, khi trở về sẽ kể lại cho mọi người nghe.

Tiếp đến là Vô Ưu Thế Giới. Vô Ưu Thế Giới này Sư Tôn đã đến rồi, đó là thế giới của Di Lặc Bồ Tát. Sư Tôn có hai chiếc Hồng Quán Thánh Miện, một chiếc là chính là Hồng Quán vô hình, chỉ có người có pháp nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn, thiên nhãn mới có thể nhìn thấy, mắt trần thì không nhìn thấy được. Chiếc Hồng Quán mà mắt trần của mọi người nhìn thấy là do Thượng sư Trịnh Dư Tín mua cho tôi đó. Bởi vì Thượng sư Trịnh thấy chiếc mũ đó cũng tương đối rẻ. Kì thực, chiếc Hồng Quán đó là một chiếc mũ thô sơ nhất trong số mũ miện Ngũ Phật. Chiếc mũ Ngũ Phật đó đội lên trông trang nghiêm nhất, đẹp nhất, nhưng cũng lại là chiếc mũ vừa rẻ nhất vừa thô sơ nhất. Tuy vậy nói thật lòng, chiếc mũ Ngũ Phật đó tôi vẫn chưa dám đội. Chiếc mũ Ngũ Phật quý giá nhất là chiếc mũ vô hình hiện đang ở chỗ của Di Lặc Bồ Tát. Nó có lúc thì ở chỗ của Sư Tôn, có lúc thì lại bay trở về chỗ của Di Lặc Bồ Tát.

Tiếp đến, chúng ta nói về Tịnh Trú Thế Giới. Nơi này tôi chưa đến. Tôi cũng chưa đến Pháp Ý Thế Giới. Những nơi này sau này tôi đi về rồi sẽ nói sau.

Tiếp theo là Mãn Nguyệt Thế Giới, tôi đã đến rồi. Vào ngày rằm chính là lúc trăng tròn nhất, mọi người đều có thể nhìn được. Trước đây vào buổi tối hôm rằm, chúng tôi đo trắc lượng thiên văn "nguyệt yểm tinh quan trắc", đây là một thuật ngữ trong ngành trắc lượng. Nguyệt yểm tinh quan trắc chính là sử dụng một loại dụng cụ đo đạc cao cấp. Khi ánh trăng chiếu vào bên trong khí cụ thì sẽ xuất hiện tại đĩa thủy tinh bên trong một vòng tròn. Đó chính là việc quan sát nguyệt yểm tinh, chúng tôi nhìn được rất rõ ràng. Đây chỉ là một cách gọi, không thể dịch ra được! Thế giới đó chính là của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thế giới của Phật Dược Sư. Đương nhiên tôi đã đến rồi, vì ngài là một trong bát đại bổn tôn mà!

Mặt trăng có lúc màu trắng, có lúc màu lưu ly, có lúc màu xanh lam, mọi người đã từng nhìn thấy mặt trăng màu lam chưa nhỉ? Trước đây chúng ta có một bài hát tên gọi là "Bé trăng giống quả chanh", thế thì quả chanh là màu lam sao?

Bởi vì thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật rất nhiều màu lưu ly, hơn nữa lại tròn như mặt trăng, giống như mặt trăng tròn đầy, biểu thị rằng ở nơi đó tất cả mọi thứ đều vô cùng thanh tịnh, vô cùng viên mãn, hơn nữa lại sáng rực rỡ. Một thế giới như vậy tất là thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Tiếp đến là Diệu Hỷ Thế Giới. Tôi đã đến đây rồi, đây là thế giới của A Súc Phật. Thế giới của A Súc Phật tất cả đều cực kì vui vẻ, mỗi người sống ở đó đều vô cùng vui vẻ, thỏa mãn, không hề có tranh đấu. Đây chính là một thế giới không có sự ganh đua. Mỗi vị Bồ Tát, mỗi vị Phật khi gặp nhau đều tràn đầy pháp hỷ. Đồ ăn đồ uống ở thế giới này rất kì lạ, các vị đều lấy pháp hỷ của thiền định làm thức ăn. Pháp hỷ của thiền định thì ăn thế nào đây? Sau này các bạn đến thế giới này sẽ biết thôi.

Tiếp theo là Diệu Viên Thế Giới, tôi chưa đi tới đó.

Tiếp nữa là Hoa Tạng Thế Giới, các bạn đọc trong kinh điển đều thấy có nhắc đến, Hoa Tạng Thế Giới trùng trùng vô tận, quang hoa của thập phương thế giới đều ẩn giấu ở đây, vậy nên gọi là Hoa Tạng Thế Giới. Tôi chưa từng lưu lại ở thế giới này, chỉ đi ngang qua, nghĩa là chỉ đi ngang qua đường mà thôi.

Còn Chân Như Thế Giới là thế giới của Bất Không Phật, tôi chỉ nghe nói đến, chưa từng đến đó. 

Viên Thông Thế Giới chính là thế giới của Quan Thế Âm Bồ Tát, thế giới của Quán Tự Tại Như Lai.

Tiếp theo, kể từ hôm nay về sau, chính là kể từ lúc tôi đang giảng này trở về sau sẽ xuất hiện Chân Phật Thế Giới. Xin hỏi mọi người, Chân Phật Thế Giới này là nơi như thế nào? Đó chính là thế giới của Liên Hoa Đồng Tử (Liên Hoa Bồ Tát), là thế giới của chính bản thân ngài, chính là Ma Ha Song Liên Trì.

Vì sao chúng ta cần nói đến những thế giới này? Giống như địa cầu của chúng ta cũng là một thế giới, thế giới địa cầu được gọi là thế giới Ta Bà.

Tôi cảm thấy rất kì lạ, rằng vì sao trong kinh Phật lại gọi toàn bộ địa cầu này là thế giới Ta Bà? Cá nhân tôi cảm thấy, "Ta" được gọi ở đây là để chỉ cát trên mặt đất của chúng ta, do vậy Phật Thích Ca Mâu Ni rất thông minh, ngài nói về thế giới này cần hình dung nó như thế nào? Ngài đưa mắt nhìn, ai chà! Đều là cát, khắp nơi đều là cát, bởi vậy nên đây là thế giới của cát. Còn chữ "Bà" này thì tôi chẳng nghĩ ra được, có lẽ Phật Thích Ca Mâu Ni thường thấy trên thế giới này rất nhiều người, mỗi người đều cực kì ngu muội (gọi là ngu muội chính là ngu si ngốc nghếch vậy), lại cũng không muốn tu hành, bảo họ tu hành thì rồi cũng chẳng biết họ đang làm cái gì nữa. Nói với họ rằng Tây phương Cực Lạc thế giới tốt như thế, họ cũng nghe không hiểu, vừa điếc vừa câm, vừa run lẩy bẩy, vừa ngu si vô tri, cũng chẳng khác gì bà lão già yếu.

Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra rồi. Hóa ra Phật Thích Ca Mâu Ni nhận thấy thế giới Ta Bà này khắp nơi là cát, con người ở đây thì đều giống như những bà lão già nua vô tri ngu muội, do vậy nên mới gọi là thế giới Ta Bà.

Thế còn Tối Thắng Thế Giới và các thế giới khác đương nhiên không phải tồn tại ở thế giới Ta Bà hay toàn bộ địa cầu chúng ta đâu. Tuy nhiên:

Hai chữ Tối Thắng chính là đệ nhất.

Hai chữ Diệu Bảo là pháp bảo vi diệu.

Hai chữ Viên Châu chính là quang minh viên mãn.

Hai chữ Vô Ưu chiníh là không có phiền não.

Hai chữ Tịnh Trú chính là thế giới hoàn toàn thanh tịnh.

Hai chữ Pháp Ý chính là ý thức Phật pháp tràn đầy.

Hai chữ Mãn Nguyệt là lưu ly tròn đầy.

Hai chữ Diệu Hỷ chính là pháp hỷ vi diệu tràn đầy.

Hai chữ Diệu Viên chính là viên mãn vi diệu.

Hai chữ Hoa Tạng chính là thế giới hoa sen trùng trùng điệp điệp vô tận.

Hai chữ Chân Như, Chân chính là hoàn toàn chân thực, Như là Như Lai.

Hai chữ Viên Thông chính là thập phương pháp, thập phương Phật, thập phương tăng toàn bộ đều viên mãn, đầy ắp cả thế giới.

Chân Phật chính là thế giới tương lai, là Phật pháp đích thực, chân thực. Trong Phật pháp chân thực này sẽ xuất hiện pháp và tất cả chư Phật, Bồ tát chân thực, tất cả đều ở trong thế giới này.

Chúng ta lại giảng tiếp một đoạn nữa: 


“Thế là Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cùng chư Thánh chúng nghe Thánh Tôn khai diễn Chân Phật Thế Giới. Biết được sự cát tường, thiện thệ, đại bi, nhân quả của quá khứ - hiện tại - vị lai, là do Thánh Tôn vì chúng sinh hóa thân thị hiện. Ai nấy hoan hỉ chưa từng có…”

Đoạn văn này nói rằng tất cả chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, còn có tất cả thiên chúng ở tại Ma Ha Song Liên Trì, bao gồm hai mươi tám cõi trời, ba mươi ba cõi trời, nghe được Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử đang giảng về toàn bộ Chân Phật Thế Giới, thế là họ liền biết được đây là pháp duyên rất vĩ đại của quá khứ, hiện tại, vị lai.

Cát tường thiện thệ đại bi nhân quả:

Chúng ta nói về hai chữ cát tường trước. Rất nhiều người khi nhận được thư trả lời của Sư Tôn đều thấy trong thư viết hai chữ “cát tường”. Cát tường có nghĩa là sao? Nghĩa là tốt nhất, lành nhất, so với những thứ tốt đẹp nhất vẫn còn tốt đẹp hơn thế, nói cách khác là không có gì tốt đẹp hơn sự cát tường này cả.

Thế nào là thiện thệ? Từ thiện thệ này rất khó giải thích. Trước đây, tôi đặc biệt vì hai chữ thiện thệ này mà đã tham khảo các kinh điển Phật giáo, rồi tra cả từ điển, đây chính là một danh hiệu của Phật, nghĩa là cái chết rất tốt lành. Thiện chính là tốt lành, thệ chính là qua đời. Ôi chà! Nếu mà căn cứ theo từng chữ mà giải thích như vậy thì không hẳn đâu! [Cần hiểu] Thiện Thệ chính là một trong mười danh hiệu của Như Lai, nghĩa là tất cả mọi thứ đều tốt lành.

Mọi người lại nghĩ không ra, sao có thể như vậy được nhỉ? Trong số mười danh hiệu của Như Lai lại có cái chết tốt lành sao? Tôi nói cho mọi người biết, điều này là thật đó. Một điều vui nhất trong đời người chính là khi nên chết thì chết, khi nên sống thì sống. Vì thế ở đây, khi Như Lai xuất hiện là vừa đúng lúc, khi ngài đi cũng là đúng lúc, vậy mới chính là Như Lai đó! Khi ta cần đến thì đến, khi cần đi thì đi, vừa hay khi mọi người muốn mời khách đến thì ngài đến, vừa ngay khi sắp xảy ra chiến tranh thế giới thì ngài đi, ngài chẳng muốn làm lính. Tôi nói cho mọi người biết, hai chữ này không hề đơn giản chút nào!

Chúng sinh trên đời này chẳng ai có thể Thiện Thệ, chỉ có Như Lai mới có thể Thiện Thệ, ngài biết rằng thế giới hiện tại không có Phật pháp, thời điểm nên đến thì ngài đến, còn khi rất nhiều Như Lai đều đến thế giới này rồi thì ngài không cần phải đến nữa, thế nên sẽ không đến. Bởi thế nên một trong số mười danh hiệu lớn của Phật chính là Thiện Thệ. Do đó, ngày hôm nay Sư Tôn có thể ở đây thuyết pháp cũng chính là thiện thệ. Cái chữ "thệ" này đại diện cho sự sinh ra và chết đi một cách đúng lúc, ở đây có mấy ý nghĩa như vậy.

Tiếp theo, nói về đại bi nhân quả. Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử hạ sinh tại thế giới Ta Bà này đều có nguyên nhân, có quả, do vậy mới gọi là nhân quả. Thế nào gọi là đại bi? Nghĩa chính là đại từ đại bi đó. Ở một nơi tốt đẹp như vậy mà ngài không ở, lại đến ở nơi bẩn thỉu này. Bạn cho rằng Sư Tôn lái xe Rolls Royce thì tâm trạng rất vui phải không? Kì thực khi trông thấy đồng hồ đo xăng này, khi thấy xăng bị tiêu thụ lãng phí, trong lòng tôi thấy rất xót xa! Tôi lại nghĩ đến tòa sen trắng mà tôi ngồi ở tại Ma Ha Song Liên Trì, muốn đi đâu là có thể tới đó, làm gì có chuyện xe chảy xăng với xe chảy nước.

Hoa sen thì chẳng thể nào chảy dầu rồi, cũng chẳng chảy nước, cũng chẳng cần bơm xăng, cũng không cần tốn chi phí gì cả, chỉ cần chuyển suy nghĩ một cái là hoa sen có thể bay đến nơi khác. Chính vì thương xót chúng sinh trong thiên hạ, chính vì có "đại bi nhân quả" này, do vậy mới "thiện thệ" - sinh ra tại nơi đây, và cũng ra đi tại nơi đây. Nói tóm lại, bởi vì "Thánh Tôn vì chúng sinh hóa thân thị hiện", đại bi nhân quả như vậy là vô cùng thù thắng, thế nên rất nhiều vị Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, cùng ba mươi ba thiên chủ, hai mươi tám thiên chúng nghe được sự thuyết pháp như vậy, ai nấy đều vô cùng hoan hỉ, biết rằng việc này trước nay chưa từng có.


Vốn dĩ trước nay chưa từng có sự việc như vậy. Trước đây ai đã nói về Ma Ha Song Liên Trì? Trước đây ai đã nói về mười tám vị Đại Liên Hoa Đồng Tử? Căn bản là không có! Vậy thì Sư Tôn "không có" mà làm ra "có" ư? A, không phải là "không có" mà làm ra "có", nói vậy là sai rồi! Là từ cái vô hình biến thành cái hữu hình, cái vô hình biến thành cái hữu hình chính là từ Không làm ra Có đó!

Tôi đích thực là đến từ Ma Ha Song Liên Trì, cần phải thề thế nào mọi người mới tin đây nhỉ? Kì thực tôi có thề thế nào mọi người cũng đều chẳng tin! Người nào tin thì sẽ tin, người nào không tin thì vẫn cứ không tin, do vậy độ chúng sinh rất khó! Chính vào buổi tối của cái ngày mà tôi được Diêu Trì Kim Mẫu mở thiên nhãn đó, tôi đã được du hành vào thế giới hư không rộng lớn, đích thực thấy Ma Ha Song Liên Trì, hơn nữa còn có Phật Bồ tát nói bên tai tôi rằng: "Vị kia chính là Liên Hoa Đồng Tử."

Tôi nhìn thấy vô cùng rõ ràng chân thực. Buổi tối hôm đó, tôi thực sự nghe thấy, thực sự nhìn thấy. Tôi đã đi gặp rất nhiều người xuất gia, hỏi han rất nhiều lão hòa thượng tu pháp, đại pháp sư, tôi kể với các vị nghe, họ đều nói những gì tôi kể là lời ma quỷ, thế thì tôi chịu rồi. Tôi đích thực nhìn thấy, đích thực nghe thấy, vậy phải làm sao đây? Phật Bồ tát còn muốn tôi sau này phải độ rất nhiều chúng sinh nữa.

Trước đây, trước cuốn sách số 16, tôi sáng tác văn nghệ, thơ tình, tản văn, tiểu thuyết. Từ cuốn số 16 trở đi, tôi mới bắt đầu đổi sang viết về đạo và Phật. Có một số người nói: "Lư Thắng Ngạn này có mục đích bất lương, hắn ta có lẽ có ý đồ gì đó, nên mới thêu dệt thế giới về Liên Hoa Đồng Tử, sau đó đi lừa bịp chúng sinh trong thiên hạ."

Tuy nhiên, hôm nay tôi nói thẳng với mọi người: "Những gì ngày hôm đó Sư Tôn nhìn thấy và nghe thấy, thực sự hoàn toàn không có một câu nào giả dối." Bởi vì mọi người [ở đây] đều tin tưởng tôi, nên tôi không cần thề trước mặt mọi người nữa nhé! Nhưng câu nói thành thật này khi tôi nói trước nghìn người vạn người và đưa ra lời thề, lời thề cho dù rất nặng, hoặc thề một cách nào đó, thì người không tin vẫn cứ không tin, thế nên tôi thực sự cũng chẳng có cách nào cả! Bởi thế, pháp này vô cùng khó có được, vô cùng thù thắng! Sau này, vì mục đích thảo luận về sự chân thực không hề hư giả của thế giới của Liên Hoa Đồng Tử, về thế giới Ma Ha Song Liên Trì, tôi nhất định còn phải biểu diễn vài trò hay cho mọi người xem! Mấy trò hay này có thể là tôi làm cho đồ gì đó biến mất, rồi biểu diễn thêm mấy trò thần biến, rồi mấy trò biến hóa thần kì, nhưng không phải là ảo thuật.

Như thế ở thế giới hiện tại này phải để mọi người đích thân nhìn thấy thì mọi người mới tin, còn chỉ dùng ngôn ngữ và văn chương để khiến mọi người có thể tin bạn thì vô cùng khó khăn! Trước đây mẹ tôi đã từng nói: "Cho dù có phanh ngực của con ra, lấy tim của con ra cho mọi người xem, thì người ta vẫn sẽ còn ghê tởm mùi máu tanh."


Bây giờ tôi chỉ có thể nói với các bạn thế này, tôi đã thực sự đích thực đến đó, tôi nhắc lại một lần nữa là: tôi thực sự đã đến. Người nào tin thì có phúc, người nào không tin thì vô duyên. Om Mani Padme Hum.

18. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (10)


Kinh văn:

"Thánh Tôn đại từ bi.

Vô thượng bí mật tôn.

Quá khứ sớm tu chứng.

Giới siêu phàm thoát tục.

Nay lập Chân Phật Giới.

Xót thương chư chúng sinh.

Hóa thân làm giáo chủ.

Hạ giáng cõi Ta bà.

Lành thay hiệu Liên Sinh.

Vì chúng sinh quảng thuyết.

Chúng con đều đã nghe.

Nguyện sẽ đại hộ trì."

Thánh tôn đại từ bi:

Tôi giải thích ba chữ "đại từ bi" trong câu thứ nhất "Thánh Tôn đại từ bi". Gọi là "đại từ" cũng chính là sự cứu độ quảng đại vô lượng. Vì sao bạn lại không nói là "tiểu từ bi"? Cũng có "tiểu từ bi" đấy [sự ích kỉ], con người bình thường, đại bộ phận con người, đại bộ phận chúng sinh đều chỉ có tiểu từ bi. Ví dụ, người nọ phát hiện ra ở nơi kia dễ kiếm tiền, anh ta liền một mình đi tới đó kiếm tiền, không nói cho người khác biết. Ví dụ Thượng sư Triệu Thiếu Đông, bây giờ ông ấy đang làm agent [môi giới], nơi nào dễ kiếm tiền, ông ấy sẽ không nói cho agent thứ hai biết, không nói cho agent thứ ba biết, ông ấy làm ăn kinh doanh như vậy cũng có lý của ông ấy, nếu như ông ấy để cho người khác biết tin tức tốt, thông tin hay, vậy thì ông ấy còn kiếm được gì, uống được gì, ăn được gì đây?

Thế còn, vì sao lại gọi là Thánh Tôn "đại từ bi"? Tôi biết một phương pháp tu hành có thể đến được Ma Ha Song Liên Trì ở Tây phương Cực Lạc thế giới, tôi đã biết, hơn nữa tôi còn biết có một nơi như thế thì một mình tôi đi tới đó là được rồi, hà tất phải nói cho mọi người làm gì. Tôi nói một câu tương đối thực tế. Đồ ăn ở nơi đó ăn bất tận. Sau đó thì sao, nói một điều rất thực tế nữa, đó là cung điện ở nơi đó vô cùng đẹp, người phục vụ bạn ở đó có rất nhiều, rất nhiều, tôi một mình đi tới đó là được làm vua. Chính bản thân tôi biết điều này, nhưng tôi không giấu cho riêng mình, mà tôi nói cho mọi người về nơi này, về pháp này để mọi người đều biết và có thể đi tới đó, đây gọi là đại từ bi.

Tôi không cho rằng Ma Ha Song Liên Trì này là của riêng tôi, không ai được đến cả, không giống như một số các Thượng sư ngày nay. Kiểu như tôi chiếm vùng phía nam, anh chiếm vùng phía bắc, nếu Thượng sư ở nam bộ chạy tới bắc bộ, như vậy là xâm nhập vào địa bàn của anh rồi, Thượng sư ở bắc bộ của anh chạy tới vùng nam bộ của tôi thì cũng xâm nhập vào địa bàn của tôi. Nơi của anh thì thuộc về Thượng sư ở nơi đó quản, đệ tử ở đó chạy tới bắc bộ thì coi như là gián điệp. Đệ tử ở bắc bộ chạy tới trung bộ để đồng tu thì cũng bị nói là gián điệp! Do vậy, kì thực, đệ tử Chân Phật Tông không nên phân biệt lẫn nhau, mọi người đều cần phải có lòng từ bi, không thể chỉ có "tiểu từ bi" được.

Đừng chỉ có chăm chăm lo cái đỉnh núi của ta, thức ăn ở nơi đây là của ta thu thập, có ai từ nơi khác đến thì lại xem như là xâm nhập vào địa bàn của ta, hơn nữa xem họ tới nơi đây để cắt xén thóc gạo của ta. Do vậy, người học pháp tu hành chúng ta cần có tâm đại từ bi, không thể giống như đại chúng trong xã hội chỉ có tiểu từ bi, tấm lòng tiểu từ bi cũng chính là lòng ích kỉ, "Thánh Tôn đại từ bi" được nói đến ở đây chính là có ý nghĩa như vậy.

Vô thượng bí mật tôn:

Câu thứ hai nói rằng "vô thượng bí mật tôn". Tình hình hiện tại càng ngày càng thể hiện rõ hai chữ "vô thượng" của tông phái chúng ta. Thế nào gọi là "bí mật tôn"? Kì thực, tôi chính là bí mật tôn đây! Từ rất rất lâu trước đây tôi đã biết những sự tình kiếp trước của mình. Thế nhưng khi tôi còn ở Đài Loan, tôi luôn luôn không nói ra những bí mật kiếp trước của mình. Sau khi tôi đến nước Mỹ thì tôi mới nói ra những bí mật này trong sách. Bởi vì trước đây tôi không nói, bây giờ mới nói, nên bí mật trước đây đến bây giờ đã không còn là bí mật nữa rồi, hiện nay tôi càng ngày càng được người ta tôn sùng, đây chính là một dạng biểu trưng vô thượng.

Quá khứ sớm tu chứng:

Câu nói "quá khứ sớm tu chứng" cũng có nghĩa là từ rất lâu trong quá khứ đã vốn là Phật rồi! Quá khứ đã thành Phật rồi, rất nhiều kiếp trước đã thành Phật rồi.

Chính tôi biết rằng, đời quá khứ của Sư Tôn rất thân cận với Đại Nhật Như Lai - Tỳ Lô Giá Na Phật, cũng rất thân cận với Phật Nhãn Phật Mẫu, với A Di Đà Phật lại càng giống như mối quan hệ cha con, có vẻ như càng nói ra thì lại càng huyền bí. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng không khác gì anh em với tôi, còn Di Lặc Bồ Tát thì sao? Ngài chính là bác của tôi. Còn Liên Hoa Sinh Đại Sĩ thì sao? Nói thẳng là giữa ngài và tôi chẳng hề phân biệt! Vì thế nói tóm lại, các vị đều giống như người thân họ hàng của tôi, điều này chính là "quá khứ sớm tu chứng".

Chư vị đừng cho rằng Sư Tôn lại tự cao tự đại rồi. Bình thường tôi đều rất khiêm tốn, thế mà bây giờ càng nói lại càng nghe rất to tát. Kì thực, các bạn cũng vậy thôi, nếu mỗi người tu hành, một khi đã khai ngộ rồi, thì đều trở thành họ hàng thân thiết với Phật Bồ Tát cả, các bạn cũng như vậy thôi!

Bởi vì quá khứ đã sớm tu chứng rồi, nên hiện tại tôi cũng đã rời xa mọi dục vọng của thế gian, vượt lên trên khỏi thế giới Ta Bà. "Nay lập Chân Phật Giới", ý nghĩa của "Chân Phật Giới" này chính là biến Ma Ha Song Liên Trì thành Chân Phật Thế Giới, vì thế lại càng đồng cảm vô cùng với chúng sinh hữu tình tại thế giới Ta Bà.

Hóa thân làm giáo chủ:


Rất nhiều người chỉ vì câu tiếp theo này mà đến hỏi tôi thế nào là "hóa thân làm giáo chủ", họ nói: "Sư Tôn chẳng phải là chủ của tông phái sao? Sao lại vừa là giáo chủ vừa là tông chủ? Làm họ chẳng hiểu gì cả!" Rất nhiều người e sợ hai chữ "giáo chủ" này, bởi vì Phật Thích Ca Mâu Ni chính là giáo chủ của Phật giáo! Nếu bây giờ tôi là giáo chủ, chẳng phải là gạt Phật Thích Ca Mâu Ni qua một bên sao, bởi vì giờ chính tôi làm giáo chủ mà!

Tôi giải thích với họ như sau, tôi giải thích thế này: Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của thế giới Ta Bà, còn như giáo chủ của Tây phương Cực Lạc thế giới chính là A Di Đà Phật, Ngũ Phật của năm phương đều là giáo chủ. Thế còn, giáo chủ của Chân Phật Thế Giới tương lai là Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử, ngài là giáo chủ của Chân Phật Thế Giới.


Bởi vậy, phần trước đã viết về rất nhiều thế giới, và kì thực, mỗi thế giới đều có một vị giáo chủ. Tối Thắng Thế Giới, Diệu Bảo Thế Giới, Viên Châu Thế Giới, Vô Ưu Thế Giới, Tịnh Trú Thế Giới đều có giáo chủ. Giáo chủ của Ta Bà Thế Giới chính là Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó không phải là tôi muốn đoạt ngôi vị đâu, mọi người không cần phải căng thẳng! Rất nhiều người rất căng thẳng, bao gồm cả đệ tử tông phái chúng ta và đệ tử các tông phái khác, dường như cho rằng Lư Thắng Ngạn muốn làm giáo chủ của Thế Giới Ta Bà, thế thì Phật Thích Ca Mâu Ni tính sao đây?

Lành thay hiệu Liên Sinh:

"Lành thay hiệu Liên Sinh", “liên sinh” chính là hóa sinh từ hoa sen đó! “Lành thay” nghĩa là rất tốt, pháp hiệu của ngài chính là có ý nghĩa hóa sinh từ hoa sen.

"Vì chúng sinh quảng thuyết" nghĩa là bắt đầu vì chúng sinh trong thiên hạ mà tới để hoằng dương Phật pháp, tuyên thuyết rộng khắp Chân Phật Mật Pháp. Những ai đến nghe pháp hiện tại đều đã nghe được rồi. Do vậy, họ mới nguyện rằng sẽ vì Chân Phật Thế Giới này, vì Chân Phật tông phái và vì Chân Phật Mật Pháp mà sẽ đến để làm công tác "đại hộ trì".


Hôm nay tôi giảng đến đây thôi. Om Mani Padme Hum.

19. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (11)

Kinh văn:

"Lúc bấy giờ, Thánh Tôn Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với đại chúng: Tu hành lấy vô niệm làm chánh giác Phật bảo. Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo. Lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo."

Bàn về tâm từ bi:

Tuần trước chúng đã đã nói đến đại từ bi và tiểu từ bi. Chúng ta nói chuyện rằng Thượng sư Thiếu Đông trên phương diện làm kinh doanh thì là tiểu từ bi, bởi vì khi ông ấy làm môi giới, biết được tin tức tốt sẽ không nói ra, thế nên công việc môi giới của ông ấy đặc biệt tốt! Do đó tối hôm nay ông ấy mới đến muộn như vậy! Tuy nhiên tôi xin bổ sung thêm một chút, đó là Thượng sư Thiếu Đông của chúng ta cũng có đại từ bi.

Trước đây khá lâu, tôi một mình lái xe tới Vancouver, ngày hôm trước lái xe đi, ngày hôm sau đã lại lái xe về. Có thể là do tinh thần tôi cực kì tập trung cho nên tròng mắt tôi có chút bất động, lưng thì giữ thẳng quá nên sau khi trở về thì lưng và eo của tôi bị đau. Tôi đã từng bị đau dây thần kinh ở vùng này, đau mất hai, ba tiếng, bởi vì thời gian lái xe đi mất ba tiếng, lái về mất ba tiếng nữa, tổng cộng là sáu tiếng, cũng xem như là một chặng lái xe dài.

Thượng sư Thiếu Đông của chúng ta trên phương diện tinh thần hoằng pháp thì có đại từ bi. Bạn nghĩ mà xem, mỗi tối thứ bảy, ông ấy lái xe suốt ba tiếng để đến Lôi Tạng Tự làm phiên dịch, phiên dịch xong, ông lại lái xe ba tiếng trở về Vancouver. Ở đây chúng ta có rất nhiều đệ tử đến từ Vancouver, họ cũng như vậy, mỗi lần đều lái xe ba tiếng tới đây rồi lại lái xe ba tiếng trở về, việc này không hề đơn giản. Nếu không có tâm từ bi lớn, hoặc tâm hoằng pháp, hoặc tâm muốn nghe pháp, thì không thể làm được. Ví dụ như Phật đường Bồ Đề ở Vancouver, tôi vẫn chưa từng đến tham gia đồng tu của họ lần nào, một lần cũng chưa, bởi vì tôi ngại phải lái xe tận ba tiếng đồng hồ, rồi lại lái xe ba tiếng để trở về, do vậy, trên tinh thần hoằng pháp mà nói thì Thượng sư Triệu thực sự là đại từ bi.

Nghĩ xem, trên đường đi vào buổi tối thì cũng chẳng ngắm được phong cảnh gì, chỉ là một màn đêm dày đặc mà thôi! Có thể nhẫn nại lái xe trong màn đêm ba tiếng đồng hồ để trở về, về đến nhà thì đã quá nửa đêm rồi, không chỉ một lần, hai lần, mà là cả năm nay rồi. Về điểm đó thì tôi thua rồi! Do đó, tôi rất cảm ơn họ đã đến đây, chính là những đệ tử ở Vancouver đó, họ có thể vội vã đến đây rồi trở về, trong lòng tôi thực sự vô cùng cảm động.


Bây giờ chúng ta đọc một đoạn Chân Phật Kinh: "Lúc bấy giờ, Thánh Tôn Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với đại chúng: Tu hành lấy vô niệm làm chánh giác Phật bảo. Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo. Lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo."

Đoạn kinh văn này, tôi đã từng giảng tại một trung tâm hội nghị ở góc phía bắc của Hồng Kông rồi, nhưng hôm nay tôi giảng lại từ đầu một chút. Đoạn văn này chính là một đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ Chân Phật Kinh, cũng chính là tinh hoa của cả bản kinh này. Mỗi hành giả Chân Phật chỉ cần thực hiện đúng được như đoạn này thì đã thành Phật rồi. Đoạn văn này chính là bí mật của toàn bộ Chân Phật Kinh. Nhưng cũng không thể nói rằng có đoạn văn này rồi thì phần trước không cần nữa, phần sau cũng không cần nữa. Tôi bảo mọi người đọc Chân Phật Kinh một nghìn biến, thì mọi người không đọc phần nào khác, chỉ đọc mỗi đoạn này, thế thì sẽ rất nhanh hoàn thành xong một nghìn biến Chân Phật Kinh. Nhưng hôm nay tôi nói với các bạn, chỉ cần mọi người làm theo được như những gì bạn đọc tụng, tinh thần phù hợp được đúng như đoạn văn này, thì bạn đã là một Chân Phật chân chính rồi, vô niệm chính là “chánh giác Phật bảo”.

Lấy vô niệm làm chánh giác Phật bảo:

Thượng sư Thường Nhân từng hỏi tôi: "Vì sao rất nhiều công án Thiền tông đều rất khó hiểu?" Ví dụ có một thiền sư nọ ngồi trước một đoạn thân tre, ông ta cứ ngẫm nghĩ về một vài câu hỏi. Lúc này, đột nhiên có một âm thanh "póc" vọng đến. Khi đoạn tre nứt ra thì kêu "póc" một tiếng, ngay lúc đó thiền sư liền khai ngộ. Nghe thấy âm thanh này ngài liền khai ngộ luôn.

Có rất nhiều thiền sư ngồi thiền trong rừng. Bỗng nhiên một chiếc lá từ trong không trung rơi xuống, họ liền giác ngộ luôn. Ngồi thiền trong rừng, đột nhiên có chiếc lá từ trong không trung rơi xuống, nhìn thấy lá rơi xuống, rơi trên mặt đất, "soạt" một tiếng, thế là giác ngộ liền. Có thiền sư thì chạy bạt mạng, cứ chạy mãi, chạy mãi không ngừng, rồi đột nhiên, chân khuỵu xuống, cả người đổ sập xuống, "bộp" một tiếng, đầu đập xuống đất một cái, thế là liền giác ngộ. Hoặc như đại thiền sư thấy tiểu thiền sư vẫn chưa khai ngộ, liền lấy một cái gậy, rồi gõ vào đầu một cái như thế này, thế là tiểu thiền sư liền giác ngộ! Nếu những chuyện như thế này mà có thể khiến giác ngộ được thì mọi người đều sẵn lòng làm. Đợi một chút đến khi tỉnh ngộ rồi thì mọi người lại nói: "Master go to the court, I suit you in the court." [Sư Tôn mau ra tòa, tôi kiện thầy ra tòa.] A! Mọi người đều cùng kiện tôi.

Kì thực, ở đây chỉ có một chữ thôi! Sư Tôn sẽ nói về bí mật của công án thiền tông, mọi người hãy ngoáy tai cho thật sạch và nghe cho cẩn thận, không có gì kì lạ cả, nói ra thì chẳng còn một xu giá trị. Còn nếu không nói ra thì tôi sẽ bảo mọi người nghĩ trong ba năm, chỉ một chữ thôi, đó là "dừng". Đó chính là bảo bạn "dừng lại". Bạn cứ nghĩ, nghĩ rất lâu cũng chẳng nghĩ ra gì, rồi đột nhiên, tiếng cây tre nứt "póc" một tiếng, âm thanh này chính là bảo bạn: "Này! Ây! Đừng nghĩ nữa, không cần nghĩ." Lão thiền sư đi đi lại lại, ngã đánh "bộp" một tiếng, ui chà, đây cũng chính là "dừng". Sư Tôn lấy cây gậy đánh vào đầu bạn, các bạn đều ngất xỉu, rồi bất tỉnh, đây cũng chính là "dừng". Sao lại thế? Vì sao mà cái sự "dừng" này lại có thể làm khai ngộ được? "Dừng" chính là bảo bạn đừng nghĩ nữa! Đừng nên có suy nghĩ nữa! Không suy nghĩ nữa chính là đang ở trong "vô niệm".

Vừa nãy chúng ta ở bên đó nhập tam ma địa là nhập vào tam ma địa nào? Khi nãy mọi người nhập tam ma địa rồi, thế bạn có nghĩ là tam ma địa nào không? Mọi người nghĩ thử xem! Tam ma địa ẩm thực chăng? Tam ma địa đồ ăn ngon chăng? Tam ma địa sắc đẹp chăng? Tam ma địa tiền bạc chăng? Tam ma địa thời trang chăng?

Nếu hôm nay Sư Tôn mặc quần áo mới, khi ngồi thiền lại cứ nghĩ đến bộ quần áo mới của mình, thì sẽ nhập vào tam ma địa quần áo mới. Hoặc như có người lợi dụng lúc Sư Tôn đang thuyết pháp mà lén đi vào, thì tam ma địa này lại càng phức tạp hơn.

Muốn khai ngộ được thì cần nhập tam ma địa, và chỉ có một chữ thôi, đó là bạn phải "dừng", dừng lại tất cả niệm tưởng của bạn, dừng hết mọi suy nghĩ thì mới có thể đạt đến trạng thái không còn niệm tưởng gì nữa.

Tam ma địa chân chính là không nghĩ thiện, không nghĩ ác, vô trú, vô niệm. Tôi nói cho mọi người biết, chân tâm chân chính của vũ trụ chính là vô niệm. Bạn đến được trạng thái vô niệm thực sự rồi thì tâm của bạn mới là vô cùng tận, tâm của bạn lúc này mới hợp với tâm của trời đất.

Sư Tôn thường đi giúp đỡ người khác, hoặc nửa đêm du hành (nửa đêm du hành không phải là chạy ra ngoài đi chơi đâu nhé, mà là xuất linh hồn ra khỏi thân), để đi giúp đỡ các đệ tử và những người cần giúp đỡ. Có đôi lúc một buổi tối phải giải quyết tới ba nhiệm vụ, do đó khi trở về thì rất mệt, nếu mà bị mệt như vậy thì phải làm sao đây? Chỉ có thể dựa vào cách nhập tam ma địa mà thôi.

Giả sử bạn có thể tu hành đến mức vô niệm, có thể dừng lại tất cả mọi niệm tưởng của mình, lập tức sẽ có dòng chảy pháp của vũ trụ đổ ào xuống đầu bạn, gần giống như được sạc pin vậy. Vốn dĩ thân thể của bạn cần phải tốn rất nhiều sức để đi giúp đỡ người khác, dùng hết rất nhiều sức, nhưng sức mạnh của vũ trụ lại tiếp thêm vào thân thể bạn, đi vào trong thân thể bạn, thì bạn giống như cục pin khô kiệt lại được sạc đầy, khiến bạn có thể tiếp tục đi cứu giúp người khác.

Giả sử khi tu hành, bạn không thể đạt đến trạng thái vô niệm, hơn nữa nếu bạn thường xuyên đi cứu giúp người khác, tới khi đồng tu tại đây lại càng không được ngủ gật, thế nên bạn sử dụng cạn kiệt sức của mình mà không có sự bù đắp lại. Ban ngày cũng muốn ngủ, buổi đêm cũng muốn ngủ, thậm chí khi lái xe cũng buồn ngủ, bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn đứng cũng có thể ngủ được, ngồi cũng có thể ngủ được, cứ như vậy lúc nào cũng có thể ngủ được hết, như vậy thì chẳng thể có được sự vô niệm của việc tu hành. Bạn sẽ cảm thấy tinh thần của chính mình vô cùng mệt mỏi, dù có luôn bổ sung lại cũng vẫn không đủ!

Mỗi một ngày, chỉ cần bạn có vài phút ở trong trạng thái vô niệm thì bạn đã có thể phục hồi lại tinh thần của mình. Khi tâm của bạn ở trạng thái vô niệm, tâm của bạn khi đó chính là vô lượng tâm, chính là bồ đề tâm. Chỉ duy nhất khi ở trạng thái vô niệm thì mới là lúc thanh tịnh nhất, không hề có chút ô nhiễm. Chỉ duy nhất khi ở trạng thái vô niệm thì mới gọi là thực sự đạt đến bến bờ bên kia của Phật, hơn nữa còn đạt được chánh giác, có được trí huệ của Phật và tất cả định lực, tất cả đều nằm trong trạng thái vô niệm.

Nói cho mọi người biết nhé, "dừng" của thiền định chính là “một”, có thể đạt đến mức độ dừng là đã cực kì phi thường rồi. Lại còn tiến nhập vào không gian “vô niệm”, không gian “vô chỉ tận” thì đây chính là chánh giác Phật bảo, chính là thành Phật. Về vấn đề "vô niệm", tôi chỉ có thể nói đến đây thôi, bởi vì nếu nói tiếp nữa thì sẽ vô cùng bí mật, bất khả tư nghì.

Tôi nói cho mọi người biết, khi bạn ở trạng thái vô niệm thì địa cầu này đều sẽ chấn động, các vì sao trên bầu trời đều rơi rụng xuống, Ma Vương đều run sợ, tất cả mọi không gian vũ trụ, thập phương pháp giới, toàn bộ đều phóng tỏa ánh sáng mạnh mẽ. Khi bạn thực sự đạt đến trạng thái vô niệm thì bạn đã sở hữu toàn bộ vũ trụ tối cao, pháp lực lớn nhất, không chỉ là muốn cái gì là có cái đó, mà khi bạn ở trong cảnh giới vô niệm thì mọi vũ trụ, mọi thế giới sẽ đều là của bạn, bởi vì bạn đã thành Phật rồi! Ở bất kì nơi nào cũng đều có thể thấy được bạn! Con người bạn đang "vô niệm" ở Lôi Tạng Tự Seattle, nhưng ở Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Philippines, ở bất kì một đất nước nào, chỉ cần có người nghĩ đến bạn thì người đó sẽ nhận được sóng điện của bạn, sẽ lập tức nhìn thấy bạn. Đây chính là chánh giác Phật bảo.

Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo:

Tôi nói tiếp đến: "Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo." Đây chính là tam mật, ba bí mật về thân khẩu ý. Chúng ta làm thủ ấn, trong lúc làm thủ ấn thì ta có được thân thể thanh tịnh tạm thời. Chúng ta niệm một câu chú “Ôm gu-ru lién-shâng sít-đi hùm” [Om Guru Liansheng Siddhi Hum] thì chúng ta tạm thời có được khẩu thanh tịnh. Gõ vào đầu bạn một cái, bảo bạn đừng nghĩ lung tung, thì bạn có được ý thanh tịnh tạm thời.

Người tu hành chúng ta cần phải kéo dài ba sự thanh tịnh thân, khẩu, ý tạm thời này vào trong hành vi đi đứng ngồi nằm của chúng ta. Trong cuộc sống hàng ngày luôn duy trì được ba bí mật này thì như vậy chính là tu hành tam mật hợp nhất. Vào các buổi đồng tu tối thứ bảy của chúng ta thì ta có được ba mươi phút thanh tịnh tạm thời, chính là ba mươi phút thanh tịnh trong lúc đồng tu. Chúng ta cần tu pháp như vậy để có ba mươi phút thanh tịnh tạm thời, đây chính là pháp bảo của chúng ta.

Ví dụ có người hỏi bạn rằng: tối qua bạn ăn cơm với ai, đi chơi với ai, đi dạo với ai, ngủ với ai? Bạn trả lời ra sao? Tôi nói cho bạn biết nhé, bạn cần trả lời rằng bạn ăn cơm cùng Phật, cùng Phật ra ngoài chơi, cùng Phật đi dạo, cùng Phật đi ngủ. Nếu giả sử từng giờ từng phút bạn ở cùng Phật thì chính là bạn đã có được tam mật thanh tịnh, là hiểu được việc tu hành, là bạn đã có được pháp bảo. Giả sử bạn ngủ cùng người khác thì thôi, tôi cũng không quan tâm nữa!

Lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo:


Câu cuối cùng là "lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo". Mỗi Thượng sư của Chân Phật Tông chúng ta đều có thể thu nhận đệ tử, thế nhưng, Thượng sư Chân Phật Tông của chúng ta nhất định cần phải làm được như hai chữ "Chân Phật". Khi tôi quán đảnh cho một người làm Thượng sư, trước đây rất hiếm khi tôi nói một câu nào, nhưng bây giờ tôi cần bổ sung thêm một câu này: "Làm Thượng sư chính là bản thân thành Phật rồi thì lại tiếp tục độ cho chúng sinh thành Phật."

Thượng sư Chân Phật chân chính chỉ có một con đường này. Ngoài ra vẫn còn một con đường nữa, đó chính là làm Thượng sư nhưng không phù hợp với các điều kiện của Thượng sư Chân Phật, thì sẽ đi vào con đường tới địa ngục Kim Cương, không thành Phật thì sẽ xuống địa ngục Kim Cương, không có con đường thứ ba. Thế nên tôi hy vọng mỗi Thượng sư của Chân Phật Tông đều trở thành Chân Phật Thượng sư chân chính.

Om Mani Padme Hum.

20. Liên Sinh Hoạt Phật giảng Chân Phật Kinh (12)


Kinh văn:

Thánh Tôn nói với đại chúng:


"Nếu có thiện nam tử, tín nữ tử vào ngày 18 tháng 5 hàng năm, tắm rửa trai giới, mặc y phục sạch sẽ, hoặc vào ngày 18 hàng tháng, hoặc ngày sinh thần của mình ở trước mật đàn, phụng thỉnh hai Phật tám Bồ tát, tụng "Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh"  thì cầu gì tùy tâm, sẽ có cảm ứng. Có thể cúng dường hương, hoa, đèn, trà, quả, chí thành cầu nguyện, đều được như ý."

Thánh Tôn nói với đại chúng:

"Những vị quan chức, quý nhân, sa môn, cư sĩ, người tu đạo, phàm tục trong thế gian, nếu nghe kinh này, thêm thọ trì tụng niệm thì những người này bổng lộc chức vị tối thắng, thọ mệnh kéo dài, cầu trai được trai, cầu gái được gái, có được phúc nhiều vô lượng, là đại phúc bảo kinh tăng ích.

Những vong linh, oan thân trái chủ chưa được cứu độ mà còn ở trong chốn u minh, nếu có thể trì tụng kinh này, ấn tống kinh này thì người chết sẽ được lên trời, oan gia trái chủ sẽ bỏ đi, hiện tại còn gặt hái được phúc đức.

Những người nam, người nữ nào hoặc bị tà ma xâm phạm, hoặc bị quỷ thần hãm hại, hoặc có ác mộng hỗn loạn, nếu thọ trì kinh này, ấn tống kinh này thì tà ma sẽ bỏ chạy. Họ lập tức sẽ được an lạc.

Những ai có bệnh tật đeo bám, phải trả nhân quả nghiệp báo của kiếp trước hoặc có các bệnh do quỷ thần, nếu thọ trì kinh này, ấn tống kinh này thì tai ương sẽ được cứu, bệnh tật sẽ tiêu trừ.


Những ai có ác vận, dính phải kiện tụng, bị giam cầm tù tội nhưng có thể trì tụng kinh này, ấn tống kinh này thì tai họa sẽ được giải trừ, điều hung sẽ hóa thành cát tường.

Nếu hai nước xảy ra chiến tranh, có thể trì tụng kinh này, lập tượng cúng dường, sẽ được gia tăng uy lực, chiến thắng chắc chắn.


Người đọc tụng, người ấn tống, người bố thí, tất cả sẽ được cát tường như ý viên mãn, tiêu trừ các độc hại, có thể diệt sinh tử khổ."

Tây Phương Chân Phật hải hội, tại Ma Ha Song Liên Trì, Đại Bạch Liên Đồng Tử đều ở trong đó mà nói chú rằng:

Ôm, gu-ru, lién-sâng, sít-đi, hum” [Om Guru Liansheng Siddhi Hum] (vô số lần)

Thánh Tôn khi giảng xong kinh này, Đế Thích cùng chư đại chúng, Thiên long, Bát bộ, Tứ chúng cung kính hành lễ, tín thọ phụng hành.


Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh 

(Hết!)

Ích lợi của bản kinh văn:

Phần trọng điểm chủ yếu của Chân Phật Kinh đã nói đến đoạn "lấy Chân Phật thượng sư làm tăng bảo", xem như phần quan trọng nhất đều ở đoạn trước rồi. Đoạn sau này nói về lợi ích của Chân Phật Kinh, tôi đọc đoạn này một lần thì mọi người tương đối có thể hiểu được rồi.

Kì thực, đoạn kinh văn mà tôi vừa đọc ở trên nói chung là mọi người đều có thể hiểu được, bởi vì đoạn văn này rất dễ hiểu, chủ yếu là nói về những ích lợi của bản thân bản kinh này. Phần đầu của đoạn này nói rằng tùy tâm mong cầu thì sẽ có được cảm ứng, có thể cúng dường thì lại càng có thể được như ý nguyện. Đoạn này được rất nhiều người đặt câu hỏi, Có đệ tử nói với tôi: "Khi Thánh Tôn giảng đến đoạn này thì bất luận thế nào tôi cũng đến nghe." nhưng hôm nay anh ta chẳng đến, thế nên tôi muốn mau chóng giảng cho xong đoạn này.

Giải cứu chiến tranh giữa hai nước:

Đoạn này chính là: "Nếu hai nước xảy ra chiến tranh, có thể trì tụng kinh này, lập tượng cúng dường, sẽ được gia tăng uy lực, chiến thắng chắc chắn." Rất nhiều đệ tử đều nói: "Đoạn kinh văn này dường như dạy người ta trở nên hiếu chiến hơn?" Kì thực, khi hai nước chiến tranh thì người phải chịu kiếp nạn chính là những người dân thường, biết bao tiếng khóc thương ai oán và cảnh người chết nhà tan. Chân Phật Kinh sao có thể đứng về phía gia tăng kích động chiến tranh, hơn nữa bản kinh nói rằng có thể giúp chiến thắng mọi cuộc chiến, đó chẳng phải là cổ vũ những hiềm nghi về chiến tranh sao? Phật Bồ tát đều nói về đại từ đại bi, làm sao ở đây lại biến thành người cổ vũ chiến tranh? Rất nhiều người đặt ra câu hỏi này, tôi đều nói với mọi người rằng: "Đừng nên hỏi nữa, ở đây có một bí mật." Bí mật này nói ra thì không hay lắm, nhưng nếu không nói ra thì sao đây? Mọi người có nhiều nghi vấn như vậy, liệu có cần nói không? Thế thì lại phải tiết lộ bí mật, rốt cuộc là nên nói ra hay không nói ra sẽ tốt hơn?

Có đệ tử nói với tôi: "Lẽ nào ngài đem theo bí mật này theo vào trong quan tài luôn sao?" Người đó nói tới mức ghê gớm như vậy đó, vậy thì nói ra thì hơn. Nếu hai quốc gia xảy ra chiến tranh, khi có chiến tranh, đất nước nào đọc tụng bản kinh này và lập tượng cúng dường, thì câu nói "sẽ được gia tăng uy lực" ở đây cần được giải thích rằng, đó là sẽ được gia tăng sức mạnh khiến tâm bình khí hòa, trở nên bình tĩnh hơn, tránh được sự căng thẳng. Nói cách khác là, nếu có thể lập tượng cúng dường, niệm Chân Phật Kinh, niệm cho tới khi hiểu được về "năng diệt sinh tử khổ, tiêu trừ chư độc hại" thì người tụng niệm, người thọ trì sẽ nhận được sức mạnh gia trì, sau đó sẽ càng ngày càng không muốn tham chiến nữa.

Hai đất nước cùng tụng niệm thì đương nhiên cả hai nước đều trở nên tâm bình khí hòa rồi! Lập tượng cúng dường, hai nước đều có được sự gia trì, trở nên bình tĩnh bớt căng thẳng, đương nhiên là chiến thắng mọi cuộc chiến, vì không chiến nữa chính là đã thắng rồi. Nếu như chỉ có một đất nước tụng niệm, đất nước kia không đọc tụng, thì cũng không thể đánh thắng được, vì sao vậy? Tôi lấy một câu tục ngữ để giảng điều này: "Một đồng xu không thể tạo ra tiếng kêu." Tiền xu nhất định cần có hai đồng mới có thể tạo ra âm thanh. Nếu một nước đã lui rồi, nhường cho bên kia thắng, anh làm lão đại, tôi làm lão nhị là được rồi, như vậy thì cũng là thắng mọi mặt trận rồi.

Đã nói tới chiến tranh hai nước thì nhất định phải cần có hai nước cùng muốn đánh nhau thì mới dẫn đến chiến tranh lớn được. Giả sử có một đất nước không muốn đánh nhau, nếu anh muốn xâm chiếm, muốn đánh thì tôi để cho anh đánh, như vậy sẽ không dẫn đến những tổn thất nặng nề. Đương nhiên, chúng ta hy vọng đất nước này có thể lập tượng cúng dường, sau khi đọc tụng bản kinh này, có được sức mạnh gia trì thì sẽ tạo ảnh hưởng đến đối phương, khiến đối phương cũng trở nên tâm bình khí hòa, như vậy có thể xem là đại thắng hơn nữa.

Thế nên, đoạn kinh văn này chủ yếu là hy vọng mỗi đất nước, mỗi quốc gia đều có thể đọc tụng bản kinh này, thì họ sẽ có được tâm bình khí hòa, cũng có thể đạt được hòa bình mãi mãi. Do vậy mới nói rằng "tất cả sẽ được cát tường như ý viên mãn", có thể như ý viên mãn rồi thì cũng chẳng còn chiến tranh gì nữa. Thế nên, gia tăng uy lực để hóa giải chiến tranh, biến thành chiến thắng mọi cuộc chiến.

Căn bản truyền thừa Thượng sư tâm chú:

Tôi giải thích một chút về câu chú cuối cùng:

"Om" nghĩa là vũ trụ.

"Guru" nghĩa là đạo sư, đạo sư của vũ trụ.

"Liansheng", nghĩa là đạo sư dẫn dắt tất cả chúng sinh hóa sinh từ hoa sen.

"Siddhi" chính là Phật quốc.

"Hum" chính là thành tựu viên mãn.

Giải thích toàn bộ câu chú này là: "Vị đạo sư vĩ đại của vũ trụ hóa sinh từ hoa sen tại Phật quốc Ma Ha Song Liên Trì, dẫn dắt tất cả chúng sinh đạt đến thành tựu."

Đến đây, tôi đã hoàn tất việc giải thích toàn bộ Chân Phật Kinh rồi.

21. Ba bí quyết của phúc huệ bảo tạng thư

Xin chào các vị Thượng sư, các bạn đồng tu!

Hôm nay tôi rất vui lại được đến đây gặp mặt mọi người. Tối hôm qua ở sân bay Hồng Kông, tôi đã gặp mặt một vài Thượng sư và các bạn đồng tu rồi, tâm trạng của tôi vô cùng phấn khởi. Vừa đến sân bay tôi liền hỏi Thượng sư Liên Hàn xem pháp hội ngày mai có khai thị thuyết pháp không. Thượng sư Liên Hàn nói: "Không có. Sư Tôn có thể thư giãn ngồi trên sân khấu, tất cả mọi thứ đều đã chuẩn bị xong hết rồi." Kết quả là khi tôi xem tờ chương trình của pháp hội hôm nay, trên đó lại có viết là Sư Tôn thuyết pháp khai thị. Vừa nãy tôi ngồi ở đây đã cảm thấy đứng ngồi không yên rồi, bởi vì thực sự tôi không biết tiếp theo đây tôi có phải thuyết pháp với khai thị nữa không.


Tôi có chút lo lắng, liền nhờ một cô gái phục vụ lấy cho cây bút và mấy tờ giấy trắng, chuẩn bị viết ra một số nội dung mà mình muốn giảng. Thế nhưng cũng không kịp mất rồi, trên tờ giấy trắng này đến một chữ tôi cũng chưa kịp viết. Vốn dĩ là lên ghế này thì ngồi có thể thư giãn thoải mái một chút, giờ thì tôi biết là mình bị Thượng sư Liên Hàn hại đến thảm rồi, thế là thành ra chẳng có được chút thư giãn nào. Tuy vậy, bởi vì vừa nãy mọi người đã đọc bản Chân Phật Kinh mới xuất bản, nên hôm nay tôi sẽ nói về nguồn gốc của Chân Phật Kinh và ý nghĩa của Chân Phật Kinh vậy.

Chân Phật Kinh là gọi tắt của Chân Thực Phật Pháp Tiêu Tai Ban Phúc Kinh, vì sao lại cần nói là "Chân"? Bởi vì tất cả mọi điều trong đó đều chân thực. Tôi đã từng đến Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, những gì tôi chứng kiến và nghe được là vô cùng chân thực, hoàn toàn không phải là nằm mơ. Sau khi tôi trở về từ Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, người đầu tiên mà tôi kể chuyện này chính là mẹ của tôi. Do cha tôi đã đọc Phong Thần Bảng tới mức mê mẩn cả người, ông ấy nói: "Liên Hoa Đồng Tử chẳng phải là Na Tra Tam Thái Tử hay sao? Bản thân bố đây sao có thể trở thành Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh được?"

Liên Hoa Đồng Tử Sư Tôn ở đây không phải là Na Tra Tam Thái Tử đồ đệ của Thái Ất Chân Nhân, mà là tôi thực sự đã đến Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, trông thấy Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử, toàn thân ngài xung quanh đều phóng đại quang minh, hơn nữa ngài cất tiếng nói với tôi: “Ta chính là ngài đó.”

Đây là một trải nghiệm hoàn toàn chân thật từ hai mươi năm trước, bởi vậy nên ở đây có một chữ "Chân", nghĩa là tôi thực sự nhìn thấy, thực sự nghe thấy, thực sự ngửi thấy, hơn nữa, tôi đích thực đã đến Ma Ha Song Liên Trì.

Hôm nay, dòng phái Chân Phật Tông chúng ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm và rất nhiều nỗ lực mới được như bây giờ. Những kinh nghiệm trong suốt quá trình này, phần lớn tôi đã đều viết trong sách, các bạn đọc sách sẽ hiểu được rõ ràng, sẽ hiểu được nguồn gốc của Chân Phật Tông.

Chân Phật Tông có siddhi thực sự. Thế nào là "siddhi"? Siddhi chính là thành tựu chân thực, là Phật địa chân thực. Tương lai mọi người có thể vãng sinh đến Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì. Chúng ta còn có pháp tu chân thực - đó là Chân Phật Mật Pháp, là phương pháp tu hành chân thực của dòng phái Chân Phật Tông, có được sức mạnh tích lũy và triệu tập của Thượng sư. Ở đây không phải là nói về pháp lực, mà là nói về Bồ Tát từ bi, pháp lực từ bi thường xuyên hiển hiện sức mạnh thần thông vĩ đại.

Giống như khi nãy trong pháp hội cầu phúc mọi người hát Hương tán, hát Thanh tịnh pháp thân Phật, Sư Tôn nhìn xuống hội trường thấy rất nhiều Phật, Bồ tát hạ giáng, biến thành một vòng pháp luân xoay chuyển, một vòng tròn màu xanh lam to lớn giống như một ngọn núi vậy, tất cả Phật Bồ tát đều bay trên pháp luân. Hôm nay nếu có người nào chụp ảnh mà cơ duyên đủ may mắn thì sẽ chụp được pháp luân màu xanh lam, vô cùng chân thực. Bởi vậy, Chân Phật Mật Pháp của chúng ta, pháp hội của chúng ta (ví dụ pháp hội cầu phúc, siêu độ) đều vô cùng chân thực và có nhiều cảm ứng.

"Nhân” của chúng ta là do Sư Tôn đã nghe thấy vô cùng thật, nhìn thấy rất thật, nơi mà Sư Tôn đã đến cũng rất thật, nên đây chính là cái "nhân" thật. Thế còn "Quả" của chúng ta cũng là thật, nhờ bởi việc tu hành của chúng ta đều sẽ thành tựu và đạt kết quả, có thể trở về Tây phương cực lạc thế giới Ma Ha Song Liên Trì, nên đây chính là "Quả” thật.


Chúng ta cũng có phương pháp tu hành, phương pháp và thành tựu tu hành của chúng ta chính là Chân Phật Mật Pháp. Tu hành theo thứ tự này có thể giúp chúng ta đạt được "Quả" chân thực. Từ "Nhân" đến "Quả", cùng với thứ tự tu hành đều vô cùng chân thực.

Nguồn gốc Chân Phật Kinh

Rất nhiều người đã đọc bản Chân Phật Kinh này rồi, mọi người đều biết đây là từ Không tạo ra Có, nếu từ Không lại tạo ra Có, thế chẳng phải là giả sao? Không phải là giả, mà là từ vô hình biến thành cái hữu hình, đây chính là ý nghĩa của sự từ Không tạo ra Có. Bản kinh này làm sao mà có? Đó chính là Sư Tôn quan sát tâm của chính mình, mở rộng tâm mình ra, rồi trong toàn bộ sự tập trung, từng chữ từng chữ từ trong tâm hiển hiện ra, từ đó Sư Tôn đã hoàn thành bản kinh văn này.

Mọi người có thể cho rằng sự xuất hiện của bản kinh này có lẽ là do trong mơ Sư Tôn có được, hoặc là tự nhiên Sư Tôn nhặt được trên đường, hoặc là từ trong không trung rơi xuống, hoặc là trong một đống giấy lộn đột nhiên trồi ra. Sự thật là bản kinh này do Sư Tôn quan sát tâm mình mà thấy, thấy được tâm mình mà có được nó.


Trong bản kinh này có một câu vô cùng quan trọng, đây cũng là bí mật lớn nhất trong bản kinh. Kinh văn rất đơn giản, nhưng thực sự ảo diệu phi phàm, đoạn văn này chính là: "Lúc bấy giờ, Thánh tôn Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử nói với đại chúng: Tu hành lấy vô niệm làm chánh giác Phật bảo. Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo. Lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo."

Lấy vô niệm làm Phật bảo

Hôm nay, các đệ tử quy y Chân Phật Tông và mọi người có mặt ở đây phần lớn đều là người tu hành. Trên phương diện tu hành, mọi người đều biết cần phải dựa vào cái gì để tu sửa hành vi của chính mình. Nhưng tu hành thì dựa vào gì để làm Phật bảo đây? Cái quan trọng nhất chính là lấy vô niệm làm Phật bảo.

Vô niệm nghĩa là không còn ý niệm. Chúng sinh trên thế giới này ai ai cũng đều có ý niệm, nhưng người tu hành có thể tu đến trạng thái vô niệm thì sẽ trở thành vô tâm và vô ngã. Khi đạt vô niệm rồi, thân thể của bạn sẽ tràn đầy khắp trong hư không. Một người tu hành có thể tiến vào trạng thái vô niệm, thân thể của người đó tương đương với toàn bộ hư không vũ trụ, tương đương với hư không. Khi vô niệm rồi thì không còn ô nhiễm nữa, không còn ô nhiễm tức là thanh tịnh, mà thanh tịnh như vậy thì chính là Phật rồi. Do vậy, vô niệm chính là “chánh giác Phật bảo.”

Mọi người thấy vô niệm có vẻ như rất đơn giản, kì thực vô niệm là khó số một và cũng là thù thắng số một. Có lẽ sẽ có người cho rằng đại khái mỗi tối đi ngủ là có thể đạt đến trạng trái vô niệm rồi, nhưng thực tế tôi biết mọi người khi đi ngủ là rơi vào trạng thái hôn mê, không phải là vô niệm. Thế còn bình thường, chúng ta có vô niệm không? Các bạn đồng tu ở đây nếu đã từng ngồi thiền sẽ biết, càng muốn vô niệm thì lại càng "có niệm". Còn bạn nào có thể trải nghiệm được sự ảo diệu của vô niệm thì chính là đã đạt đến chánh giác Phật bảo chân chính rồi.

Lấy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh làm Pháp bảo

Vậy làm sao để đạt tới vô niệm đây? Muốn đạt đến vô niệm thì cần phải học pháp, học pháp chính là cần phải học được thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh và ý thanh tịnh. Thân thể thanh tịnh nghĩa là tay của bạn không thể nào sờ lung tung, cơ thể này không thể chạm lung tung, nhưng cũng không phải nói bạn cứ phải ngày ngày tắm rửa đâu, tuy nhiên thường xuyên giữ được sự sạch sẽ thì chính là thân thanh tịnh.

Thế còn khẩu thanh tịnh thì sao? Nghĩa là bảo bạn thường xuyên niệm Phật trì chú, nhưng bạn lại chẳng niệm Phật trì chú, mà lại thường xuyên chửi Tam Tự Kinh, Tứ Tự Kinh là bất hảo, thì như vậy không phải là khẩu thanh tịnh rồi. Khẩu thanh tịnh ở đây chính là cần trì chú, cần niệm Phật, cần nói lời thiện lành, đó chính là khẩu thanh tịnh.

Tật lớn nhất của con người chính là thích buôn chuyện, nói những lời khó nghe nhất về người khác. Vì thế, chúng ta có một câu tục ngữ là: "Mười cái miệng chín cái mông", vì sao gọi là mười cái miệng chín cái mông? Chính là "thối mồm" đó, ở đây không phải là nói bạn không đánh răng, hay là đại tràng bạn không tốt đâu, thối mồm thật sự chính là những lời bạn nói ra lúc nào cũng rất thối.

Do vậy, khẩu thanh tịnh có nghĩa là trong những ngôn từ mà bạn nói ra cần luôn luôn thiện lành, khiến cho người khác cảm thấy thoải mái, khiến người khác vui vẻ, hơn nữa có thể khuyên người khác những điều thiện, khuyên người khác tin Phật, như vậy mới được gọi là khẩu thanh tịnh.

Cái thanh tịnh tiếp theo mới là vô cùng khó, đó chính là ý thanh tịnh. Trong Chân Phật Mật Pháp có dạy mọi người quán tưởng, nghĩa là luôn luôn nghĩ đến sự trang nghiêm của Phật Bồ tát. Kì thực, quán tưởng chính là rèn luyện cho ý niệm của chúng ta được thanh tịnh, sự thanh tịnh trong ý niệm này vốn rất khó đạt được.

Tối hôm qua tôi đã đến Hồng Kông, khi đi qua chợ đêm, tôi cảm thấy ở Hồng Kông tu hành rất khó. Ở trong núi sâu hoặc trên đỉnh núi cao, cứ ở đó không xuống núi nữa thì tu hành sẽ dễ dàng hơn. Bởi vì khi chúng ta ở trong núi sâu thì ta chỉ nhìn thấy toàn là cây, những gì mắt nhìn thấy đều vô cùng xanh mát trong lành. Còn đến chợ đêm Hồng Kông thì chỉ cần nhìn thấy một vài bảng hiệu là tất cả đều bị ô nhiễm hết cả. Ở Seattle tốt hơn ở Hồng Kông một chút.

Vì sao ý niệm lại quan trọng đến vậy? Liên Sinh Hoạt Phật nói để mọi người biết, ý niệm thanh tịnh là quan trọng một trăm phần trăm. Nếu có người không tin rằng ý niệm có sức mạnh, chúng ta làm một thực nghiệm thế này để chứng minh. Khi bụng của bạn đói, tôi để một bát cơm chiên Dương Châu trước mặt bạn, bạn vừa nhìn thấy bát cơm chiên Dương Châu ở trước mặt, dù chưa ăn cơm, nhưng nước miếng đã tiết ra rồi, đây chính là sức mạnh của ý niệm.

Chúng ta đổi cái bát cơm chiên đó thành một bát phân đặt trước mặt bạn, bạn vừa nhìn thấy bát phân đó, liệu bạn có chảy nước miếng không? Bạn sẽ nôn ngay! Nhưng mà bạn vẫn chưa hề ăn cơm chiên Dương Châu đó, cũng như chưa hề ăn phân, nhưng bạn vẫn sẽ chảy nước miếng hoặc nôn ọe, tôi nói cho mọi người biết, đây chính ý niệm.

Trước đây tôi từng nói là muốn kiểm tra một số Thượng sư. Ở Seattle, Sư Tôn sẽ đưa vài Thượng sư đến một nơi, rồi để cho họ hoàn toàn tự do ở đó, một tiếng đồng hồ sau, Sư Tôn lại đến đón họ, xem xem sắc mặt của họ có còn thanh tịnh không. Sư Tôn sẽ đưa họ đi xem Topless đó [múa thoát y]. Đây là một bài kiểm tra rất hay.

Bạn xem mấy cái màn Topless này, mắt bạn có bị nhiễm sắc không? Ý niệm có bị nhiễm sắc không? Ý niệm và mắt của bạn đã bị nhiễm sắc rồi thì bạn chỉ là Thượng sư giả. Bạn có thể như như bất động thì mới là Thượng sư thật. Tuy vậy, cho đến nay tôi vẫn chưa dùng tới bài kiểm tra này. Trên thực tế, sự thanh tịnh của ý niệm được xếp ở vị trí đứng đầu trong ba loại thanh tịnh. Nếu ý niệm thực sự thanh tịnh thì sẽ không nhiễm sắc, bạn thực sự là "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc" rồi.

Mọi người đừng cho rằng Sư Tôn nói đến Topless [thì mọi người cũng] nên tối nào cũng chạy đến nơi đó để làm bài kiểm tra! Chỉ sau khi bạn thực sự có được định lực thì tự bạn hẵng cân nhắc xem mình có thể thực nghiệm hay không. Trên thực tế, tu hành là việc rất khó. Do vậy thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh chính là pháp bảo của tu hành Chân Phật Mật Pháp.

Cuối cùng là câu "lấy Chân Phật Thượng sư làm Tăng bảo". Căn bản truyền thừa Thượng sư của Chân Phật Tông nhất định phải là người có tu trì, bạn phải xem thầy như Phật vậy! Học tập những mặt tốt của Căn bản truyền thừa Thượng sư, nhưng chớ để ý đến những thiếu sót của thầy. Bạn học cái tốt và bỏ qua cái xấu, đến cuối cùng bạn sẽ có thể thành tựu. Nếu bạn học cái xấu mà bỏ qua cái tốt thì chắc chắn bạn sẽ đọa xuống địa ngục.

Bạn học tập những cái tốt có thể thành Phật, học những cái xấu thì sẽ xuống địa ngục, hơn nữa trong Mật giáo có nói, nếu bạn quan sát cái xấu của Căn bản truyền thừa Thượng sư đủ lâu thì bạn chắc chắn sẽ phỉ báng thầy, nếu mà việc này xảy ra thì bạn đã học để về địa ngục đó, chứ không phải là học để thành Phật nữa đâu.

Điểm quan trọng của bản kinh này nằm ở hai chữ "vô niệm". Chân Phật Mật Pháp tiết lộ cho chúng sinh biết nhập vào tam ma địa của sự vô niệm. Khi bạn đã tiến vào trạng thái vô niệm rồi thì bạn có thể biết được tất cả mọi thứ, cũng như hiểu được rất rõ ràng minh bạch về mọi thứ, có thể tự chủ sinh tử, có thể minh tâm kiến tính.

Vô niệm chính là vô nhiễm, vô nhiễm chính là hoàn toàn thanh tịnh. Khi bạn đã hoàn toàn thanh tịnh thì bạn cũng như hư không, như hư không trong không gian vũ trụ, và như thế bạn có thể hoàn toàn dung nhập vào hư không, bạn chính là thế giới, thế giới chính là bạn, bạn chính là Phật, Phật chính là bạn.

Việc này vô cùng vĩ đại, hơn nữa mười phương đều dung hòa thông suốt với nhau. Do vậy mới nói là thập phương pháp giới chính là một pháp giới, thập phương tam thế [quá khứ, hiện tại, vị lai] chính là bạn có thể phá bỏ hoàn toàn không gian và thời gian, đây chính là khai ngộ.

Cuốn văn tập số 80 của Sư Tôn có tựa đề "Vua của Phật Vương". Cuốn Vua của Phật Vương viết về những chứng ngộ và cảnh giới giác ngộ. Sau khi văn tập đó ra mắt, hy vọng mọi người có thể thể hội được một cách đúng đắn, tinh tấn cẩn thận và nghiên cứu học tập chính xác.

Om Mani Padme Hum.


Tại Phật đường Tín Pháp, Hồng Kông, ngày 23/12/1988.

(Hết.)