Hệ thống 

Giáo lý

Theo Kinh điển ghi lại, Đức Phật sau khi giác ngộ dưới cội cây Bồ Đề, Ngài quán chiếu căn cơ, tập khí chúng sinh số đông đa phần sẽ không hiểu được giáo lí giải thoát sâu sa, vi diệu Ngài chứng đắc. Vì thế việc đầu tiên Ngài làm là Ngài định nhập Niết Bàn. Ngài không xoay chuyển Pháp Luân, dự định không giảng dạy giáo lý. 

Một bậc Đạo Sư chứng ngộ đã nói, một nguyên nhân nữa khiến Đức Phật dự định nhập Niết Bàn vì Ngài thấy chúng sinh ai ai vốn  cũng có sẵn đủ Phật tánh - tiềm năng giác ngộ rồi. Dù có Ngài hay không có Ngài thì chúng sinh cũng sẽ tgiác ngộ ở một lúc nào đó.

Lúc ấy có 2 vị Vua Trời là Phạm Thiên Brahma cùng Đế Thích Indra đã tới gặp Đức Phật. Mỗi vị đều dâng lên một pháp bảo cúng dường Đức Phật gồm 2 món: Bánh Xe Pháp Luân 1000 nan bằng vàng ròng và Ốc Tù Và Xà CTrắng. 2 vị Vua Trời đều thỉnh nguyện Đức Thế Tôn vì lòng từ bi, để Nhân - Thiên có con đường đức hạnh, giải thoát khỏi khổ đau luân hồi, thỉnh Ngài xoay chuyển Pháp Luân độ quần sanh.  

Đức Phật một lần nữa quán chiếu nhân duyên, với nguyện lực tu hành hạnh Bồ tát nhiều đời của mình, Ngài luôn hằng thuận, tùy hỷ chúng sanh. Ngài thấy cũng đã có nhân duyên thỉnh chuyển Pháp Luân, Ngài nhận lời! Như thế chúng ta có Phật đạo ở cõi người, Nam Diêm Phù Đề như ngày nay.  

Bài pháp đầu tiên Ngài thuyết giảng là Tứ Diệu Đế, nói về 4 chân lí chân thực: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Giáo lí đầu tiên như phần nhập môn Ngài khai mở là Phật giáo nguyên thủy Theravada. Giáo lí này tập trung vào việc thấu hiểu, chứng nghiệm sự thật. Bằng cách quán chiếu, quán xét các nhân duyên: 

Việc quán chiếu này để trí tuệ chúng ta nhìn nhận đúng đắn các vấn đề hiện thực ngay trong đời sống của mình. Từ đó chúng ta có hướng nhìn, hướng đi đúng đắn để giải thoát khỏi khổ đau bất tận trong luân hồi. Đây là nền tảng cho Bát Chánh Đạo, Duyên Khởi, Thập Nhị Nhân Duyên... 

2 pháp thiền đặc trưng trong giáo lý Nguyên Thủy là Thiền Minh Sát Vippasana và Thiền Chỉ Shamatha. Quả vị tương ứng với giáo lý này 4 Thánh Quả: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán.  

Nhờ thiền định, quán chiếu, tu học theo đường lối: Văn (học và nghe giáo lý) - Tư (tự mình suy nghiệm, nghiền ngẫm) - Tu (áp dụng, thực hành điều mình nghiệm ra đúng đắn). 

Tiếp nối Tu được chia thành 3 điểm: Giới (giữ kỉ luật, giới luật như hàng rào phòng hộ tâm thức và tuân thủ luật nhân quả) - Định (tập trung, thiền định) - Tuệ (nhờ an định, sáng suốt mà sinh ra trí tuệ sáng suốt). Và Đức Phật có dạy: "Duy Tuệ Thị Nghiệp" - chỉ có trí tuệ mới có thể là đường lối đúng đắn cho sự nghiệp và vượt lên được nghiệp quả. 

Ở thừa Nguyên Thủy, Đức Phật chủ trương một người phải chứng ngộ chân lí chân thực, phải tự giải thoát mình ra khỏi đại dương sinh tử. Điều này phải được ưu tiên hơn cả việc đi giải thoát, giúp đỡ người khác. Quan kiến này đảm bảo tính chính trực, đúng đắn. Bạn không thể đi giúp đỡ, giải thoát người khác ra khỏi luân hồi trong khi chính bạn còn đang mắc kẹt trong đó. Đạo Công giáo cũng có 1 câu tương tự để chỉ ra điều này: "Người mù dắt người mù, cả hai lăn cù xuống hố." Vì thế thừa Nguyên Thủy còn được gọi là Tiểu Thừa, cỗ xe nhỏ. Nhỏ để đảm bảo tính xác thực, đúng đắn. Phải tự giải thoát chính mình trước, phải thắp lên ngọn đuốc trí tuệ chân chính trước rồi từ cái sáng suốt đó mới tiếp tục hành trình độ người. Các quốc gia kế thừa, gìn giữ Phật giáo nguyên thủy Theravada tiêu biểu là Thái Lan, Tích Lan (Sri Lanka) và Miến Điện (Myanmar).

Sau khi hoàn thành những lời dạy về con đường Phật giáo nguyên thủy Theravada để các đệ tử chứng ngộ chân lí nhiệm màu, đắc các quả vị trong 4 Thánh quả, Đức Phật xoay chuyển Pháp luân lần 2 về giáo lí Đại thừa Mahayana - Cỗ xe lớn. 

Khi người tu đã có quả vị kiên cố, có trí tuệ và đạo hạnh đúng đắn từ giáo lí của Như Lai, lúc này Như Lai khuyến khích hành giả phát tâm Bồ Đề, từ lòng đại bi và trí tuệ, hành giả chứng ngộ mọi chúng sinh đều có Phật tánh cao quý như hành giả như Phật. Mọi chúng sinh trong vô thỉ kiếp đều có thể từng là cha mẹ, người thân, quyến thuộc của chúng ta, hành giả chuyển tâm mang chân lí Phật pháp vi diệu mình có được để giúp chúng sinh hữu duyên đi vào Phật đạo, liễu thoát sinh tử, tận chứng Bồ Đề. 

Chặng 2 này, quả vị là 52 bậc Bồ tát. Giáo lí tinh yếu gồm Lục Độ Ba La Mật: Bố thí - trì giới - nhẫn nhục - tinh tấn - thiền định - trí tuệ. Làm 6 việc này trong tinh thần Paramita (ba la mật), tức viên mãn không có bản ngã, 3 không: "Không có người làm - Không có người nhận - Không có việc làm" thì được gọi là hoạt động của một Bồ tát. Giáo lý Đại thừa lấy nền tảng lớn từ Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật. 

Để giải thoát, hành giả ở thừa Nguyên thủy phải xuất ly thế gian, ly thân cắt ái để xuất gia vào rừng núi, hạ thủ công phu, chứng đắc trí tuệ - đạo hạnh linh thánh. Giờ để quay lại nhập thế, đem sự giải thoát thanh tịnh của mình đưa tới cho chúng sinh còn vô minh mà vẫn không nhiễm bụi trần, như bông hoa sen nở trong bùn lầy mà vẫn không bị nhiễm ô, các Bồ tát buộc phải có lời nguyện Bồ đề tâm và trí tuệ thực chứng tánh Không để hoàn thành các phương tiện, năng lực thiện xảo cứu độ chúng sinh. 

Các Kinh điển Đại thừa tiêu biểu gồm: Kinh A Di Đà về Đức Phật A Di Đà, Kinh Phổ Môn về Bồ tát Quán Thế Âm, Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Bát Nhã, Kinh Thủ Lăng Nghiêm... Chân Tâm Vô Ngã, thực tướng Bát Nhã, đi vào hóa độ, không nhiễm sinh tử, từ bi thương xót, chứng quả Bồ Đề. Ở Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản... đa phần thực hành Phật pháp Đại thừa. 

Trải qua vô số kiếp thực hành Bồ tát, từ chân lí Vô Ngã - Tánh Không, trí tuệ tự giải thoát mình và giải thoát vô số căn cơ, tầng lớp, cảnh giới chúng sinh, các Bồ tát sẽ ngày càng thiện xảo, rộng khắp về năng lực, phẩm hạnh, trí tuệ. Các pháp xuất thế gian và thế gian đều tinh thông nhằm hiểu và độ hóa quần sanh, các Bồ tát sẽ làu thông kinh điển các tôn giáo, hiểu thấu các nghề nghiệp, đời sống nhân sinh con người, từ đó dụng trí tuệ Vi Diệu Pháp để chuyển hóa chúng sinh quay về con đường Chánh Giác. Tột đỉnh của trí tuệ, năng lực thiện xảo này là thừa giáo lý thứ 3, Kim Cương Thừa Vajrayana, hay còn gọi là Mật thừa, Mật tông. Đức Phật xoay chuyển thừa giáo lí này cho các hàng Đại Bồ Tát Thập Địa như Bồ tát Quán Thế Âm trở lên. Quả vị là 4 cấp độ Trì Minh Vương Vidyadhara. Các quốc gia gìn giữ, kế thừa Kim Cương Thừa là Nepal, Tây Tạng, Bhutan... 

Cuối cùng của các giáo lí là thừa Vô Tu Vô Chứng, Không Dụng Công của Đại Viên Mãn Maha Sandhi (Dzogchen), Đại Ấn (Mahamudra), Như Lai Thanh Tịnh Thiền. 

Trên đây là tóm tắt sơ lược về hệ thống giáo lý. 

1_Phật Pháp Cơ Bản

2_Phật Pháp Nâng Cao