Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara

Giới thiệu pháp tướng Kim Cương Tổng Trì 

Kim Cương Tổng Trì có thân tướng màu xanh lam đậm, đội mũ miện, thiên y váy xếp, có đủ loại bảo vật trang sức cho thân Ngài. Ngài ngồi trên nguyệt luân, hoa sen, hai tay nắm lại, ngón trỏ và ngón cái chạm vào nhau thành vòng tròn, hai tay đặt chéo nhau ở trước ngực, tay trái ở trong tay phải ở ngoài, lòng bàn tay hướng vào trong.

Trong ba thân Pháp thân - Báo thân - Ứng thân thì Kim Cương Tổng Trì là Báo thân Phật, là chủ Tôn tôn quý của truyền thừa Đại Ấn, biểu trưng cho tướng huệ đức của Đại Nhật Như Lai. Kim Cương Tổng Trì có thân màu xanh lam đậm, tượng trưng cho Phật tánh thanh tịnh vĩnh hằng bất biến, tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm chuông kim cang, hai tay bắt chéo nhau trước ngực, ngồi tư thế kiết già, an trụ trên nguyệt luân hoa sen và bảo tọa đài sư tử tuyết. 

84 vị đại thành tựu giả Đại Ấn của Ấn Độ là các Tổ sư của truyền thừa Đại Thủ Ấn. Các vị đại thành tựu giả này phần đông sống trong nhóm hành giả vĩ đại tại Ấn Độ. Thành tựu giả nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo ví dụ có Long Thọ Bồ Tát, Thánh Thiên, v.v… Trong những câu chuyện của họ đầy truyền kỳ, rất nhiều truyền kỳ khiến người ta kinh ngạc, và trong các câu chuyện đầy thú vị có rất nhiều khải thị về thần thông và trí huệ. 84 tổ sư thành tựu Đại Thủ Ấn đại diện cho mấy trăm năm từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12, đại diện cho truyền thừa Mật tục của Phật giáo Ấn Độ được truyền từ đời này sang đời khác.

Tại Ấn Độ cổ xưa, có một vị là Kim Cương Trì Tôn Giả, đã truyền pháp Đại Thủ Ấn này cho đại thành tựu giả của Ấn Độ vào thời Tống là Tilopa tôn giả (988-1069 sau Công nguyên). Tilopa tôn giả truyền cho Naropa tôn giả, Naropa tôn giả truyền cho Marpa tôn giả, Marpa tôn giả truyền cho Milarepa tôn giả, Milarepa tôn giả truyền cho Gampopa tôn giả, Gampopa tôn giả truyền cho Karmapa Đại Bảo Pháp Vương… Đây chính là Tổ sư các đời đã truyền thụ truyền thừa tâm pháp vô thượng tu tập thiền định Đại Thủ Ấn.

Đại Thủ Ấn trong tiếng Phạn là Mahamudra, là tâm pháp thành Phật của đại tu hành, còn gọi là pháp tu trì trung đạo, hoàn toàn mượn việc vận dụng đồng thời tâm và kỹ thuật để đạt đến Nhất thừa, từ đó thấu hiểu tính chân thực của vạn sự vạn vật. Mục đích cuối cùng của người tu trì là thành Phật, bước lên chánh đạo, kết quả của con đường đó chính là cảnh giới Niết bàn, từ đó trở đi thoát khỏi trói buộc của đại luân hồi sinh tử, hoàn toàn đắc tự tại.

Tu trì pháp Đại Thủ Ấn phải do Căn bản Truyền thừa Thượng Sư quán đảnh và khẩu truyền. Tâm hành giả trước hết phải có sự tương ứng với Thượng Sư ở nhân gian, sau đó mới lần lượt tương ứng với các Thượng Sư các đời ở trên Thượng Sư nhân gian, sự tương ứng như vậy mới có thể thành tựu theo thứ tự. Bởi vì tu pháp Đại Thủ Ấn nhất định phải nhờ vào sự gia trì của Thượng Sư, nhờ Thánh tâm của Thượng Sư gột rửa phàm tâm của người tu pháp. Sau khi có được sự tương ứng bí mật rồi thì tâm và tâm có sự khế hợp lớn, mới có đại thành tựu.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị về lai lịch vĩ đại và sự thù thắng của Kim Cương Tổng Trì

Kim Cương Tổng Trì chính là Phật địa thứ 16, chính là A Đạt Nhĩ Mã Phật Adharma Buddha, cũng chính là Phổ Hiền Vương Như Lai Samantabhadra, còn gọi là Dorje Chang hay Vajradhara, thuộc về Bản Sơ Phật, đại diện cho bản tánh giác ngộ viên mãn Giác tánh cứu cánh.

Hiển giáo bình thường gọi Bản Sơ Phật là Phổ Hiền Vương Như Lai. Hồng giáo thì gọi là A Đạt Nhĩ Mã Phật. Kim Cương Tổng Trì là tên gọi trong Bạch giáo, hay còn được gọi là Kim Cương Trì. Ngài là vị Bản Sơ Phật đầu tiên, vị Phật sớm nhất, Phật ở địa 16, có thể nói là Phật trong Phật.

Kim Cương Tổng Trì tổng nhiếp tất cả Tam Bảo, tam căn bản của Kim Cương Thừa, là tổng ngọn nguồn gia trì của truyền thừa Kim Cương Thừa, là Tổng Tổ sư của Mật giáo.

Kim Cương Tổng Trì có sắc thân màu lam đậm, tượng trưng cho Phật tánh thanh tịnh vĩnh hằng bất biến, tánh Không, hai tay Ngài cầm chày kim cang, hai tay bắt chéo nhau đặt trước ngực, ngồi tư thế kiết già trên nguyệt luân, hoa sen, bảo tọa trên bục sư tử tuyết. Thủ ấn của Ngài là hai tay bắt chéo nhau, tay cầm chày kim cang, đan chéo nhau, ngón cái và ngón trỏ chạm vào tạo thành khuyên tròn, còn các ngón khác thì nắm lại. Chú ngữ của Ngài là “Om Benza Tala Hum Hum hoặc Om Vajra Dhara Hum Hum”. Thật ra “Tala” chính là viết tắt của A Đạt Nhĩ Mã Phật. 

Vốn dĩ Ngài không có hình tướng, nhưng nếu tạo ra hình tướng của Ngài thì hình tướng ấy có màu xanh lam, bởi vì bầu trời có màu xanh lam. Cho nên lấy màu sắc của bầu trời tượng trưng cho thân tướng của A Đạt Nhĩ Mã Phật Kim Cương Tổng Trì, tất cả sự trang nghiêm của Phật đều ở trên người Bản Sơ Phật, pháp lực của Ngài, chú ngữ của Ngài và tất cả mọi thứ đều là lớn nhất.

Trong Mật giáo, Kim Cương Tổng Trì được gọi là Bản Sơ Phật, ý nghĩa của Bản Sơ Phật chính là “ban đầu đã có”, chính là vị Phật sớm nhất. Dưới Kim Cương Tổng Trì có Ngũ Phương Phật — Trung ương Tỳ Lô Giá Na Phật, Đông phương A Súc Phật, Tây phương A Di Đà Phật, Nam phương Bảo Sinh Phật, Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật, Ngũ Phật này gọi là Ngũ Kim Cương Trì.

Kim Cang Tát Đỏa là Pháp Vương Tử của Ngũ Phật, cho nên cũng là Kim Cương Trì thứ sáu. Kim Cang Tát Đỏa lại có ba thân: Kim Cang Thủ, Kim Cang Tâm, Kim Cang Tát Đỏa, ba vị hợp lại thì thành một vị, còn Kim Cang Tát Đỏa phân ra thì có ba vị.

Kim Cang Tát Đỏa thì tương đối “văn”, đại diện cho bản thân Kim Cương Trì, còn Kim Cang Thủ Bồ Tát thì tương đối "võ", uy mãnh, đại diện cho pháp lực, Kim Cang Tâm thì đại diện cho "ý", ba vị hợp lại thì gọi là Kim Cương Trì thứ sáu. 

Trong Mật giáo, do Kim Cang Tát Đỏa truyền pháp cho Long Thọ Bồ Tát, Long Thọ Bồ Tát chính là Kim Cương Trì thứ bảy.

Từ Bản Sơ Phật (Kim Cương Trì thứ nhất) - Ngũ Phương Phật (Ngũ Kim Cương Trì) - Kim Cang Tát Đỏa (Kim Cương Trì thứ sáu) - Long Thọ Bồ Tát (Kim Cương Trì thứ bảy). 

Còn Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn Thánh Tôn cũng chính là Kim Cương Trì có được chân truyền trực tiếp của Kim Cang Tát Đỏa, thuộc về Kim Cương Trì của Kim Cang Tát Đỏa, cũng chính là Kim Cương Trì thứ bảy. Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn lại truyền cho Kim cương Thượng sư của Chân Phật Tông thì các Thượng sư này chính là Kim Cương Trì thứ tám.

Tất cả các Kim cương Thượng sư đều được gọi là Kim Cương Trì, mỗi một vị Thượng sư truyền pháp, mỗi một Thượng sư quán đảnh đều gọi là Kim Cương Trì, tức là đại diện cho Kim Cang Tát Đỏa xuất hiện truyền pháp, tương đương với ứng hóa thân của Kim Cang Tát Đỏa.

Thứ tự truyền thừa trí huệ chân thực của Chân Phật Tông

Kim Cương Tổng Trì — Ngũ Phương Phật — Kim Cang Tát Đỏa — Liên Hoa Đồng Tử (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn) — Chân Phật Tông Kim cương Thượng sư.

Kim Cương Tổng Trì là vị chủ tôn được truyền thừa Đại Thủ Ấn tôn sùng, tượng trưng cho đức tướng trí huệ của Đại Nhật Như Lai. 

Trong bài viết “Bí mật về truyền thừa Đại Thủ Ấn” trong cuốn văn tập số 234 “Lư Thắng Ngạn và những bí mật lớn”, Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn đã tiết lộ truyền thừa của pháp Đại Thủ Ấn như sau:

Bản Sơ Phật (truyền nhân thứ nhất) — Bảo Ý Đồng Tử (Liên Hoa Đồng Tử) — Bảo Thượng Đồng Tử — Saraha — Niguma — Tilopa — Naropa — Marpa — Milarepa — Gampopa — Đại Bảo Pháp Vương thứ nhất Düsum Khyenpa, cứ thế truyền cho đến Đại Bảo Pháp Vương thứ 17 Ogyen Trinley Dorje và Trinley Thaye Dorje.

Kim Cương Tổng Trì truyền pháp Đại Viên Mãn có truyền thừa như sau:

Truyền thừa thiên thượng: Phổ Hiền Vương Như Lai — Ngũ Phương Ngũ Trí Như Lai — Kim Cang Tát Đỏa — Kim Cang Thủ Bồ Tát — Thắng Tâm Thiên Tử.

Truyền thừa nhân gian: Kim Cang Cực Hỷ Garab Dorje — Diệu Cát Tường Hữu Manjushrimitra — Cát Tường Sư Tử Sri Simha — Tỳ Lô Giá Na Vairotsana — Liên Hoa Sinh Đại Sĩ Padmasambhava— Trisong Detsen (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn), Yeshe Tsogyal.

Kim Cương Tổng Trì hai tay cầm chày kim cang đặt trước ngực, còn Kim Cang Tát Đỏa là một tay cầm chày kim cang, một tay cầm chuông kim cang.

Kim Cương Tổng Trì là vị Phật đầu tiên hiển hiện trong Kim cương thừa, là vị truyền pháp sớm nhất, là Tổng Tổ sư của Mật giáo, pháp lực vô cùng, cực kì vĩ đại! Ngài có thể khiến cho tất cả những người quán đảnh đều được hoàn tịnh, bởi vì Ngài là vị Phật cao nhất!


Nguồn: Chân Phật

Nguồn biên dịch: chanphat.org