Đức Phật Bản Sơ Nguyên Thủy

Giới thiệu pháp tướng Đức Phật Bản Sơ -  Adharma Buddha

Đức Phật Bản Sơ Adharma có thân sắc màu lam, một mặt hai tay, hai tay đều cầm chày kim cang, các loại châu báu làm trang sức của Ngài, hai chân ngồi tư thế kim cương kiết già, ôm lấy Đại Tự Tại Phật Mẫu. Cả hai vị đều đội vương miện ngọc, vòng tai, chuỗi hạt, vòng hoa bằng ngọc, có 8 loại châu báu trang nghiêm. Hai vị đều hiện 9 loại tướng tịch tĩnh vi diệu.

Đại Tự Tại Phật Mẫu có thân sắc màu trắng, là thiếu nữ thanh xuân 16 tuổi, thân hình thon thả, tứ chi mềm mại, đầy đặn, lưng thẳng và nhỏ, nổi bật, rạng rỡ, trang nghiêm, hỉ lạc.

Ánh sáng tỏa ra từ Phật Phụ - Phật Mẫu ở đầu các tia ánh sáng đều có một vị Phật, trong vô lượng ánh sáng có vô lượng Phật, thù thắng trang nghiêm.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị về lai lịch và sự thù thắng của A Đạt Nhĩ Mã Phật

Đức Phật Bản Sơ là bậc chí cao, chí thượng, chí tôn, chí thánh, là vị tổng pháp chủ trong số các vị Phật.

Đức Phật Bản Sơ là nguồn gốc của tất cả, Hiển giáo gọi ngài là Phổ Hiền Vương Như Lai, trong Mật tông ngài chính là Đa Kiệt Khương (Dorje Chang - Kim Cang Trì), trong Hồng giáo ngài được gọi là A Đạt Nhĩ Mã Phật (Adharma Buddha), trong Bạch giáo ngài được gọi là Kim Cương Tổng Trì hoặc Kim Cương Trì.

Ngài là một vị Bản Sơ Phật, là vị Phật sớm nhất, là Phật ở địa thứ 16, có thể nói là Phật trong Phật.

Vừa bản sơ vừa nguyên thủy, trong giới Phật giáo, Ngài là bậc chí cao, chí thượng, chí tôn, chí thánh, là vị thần thánh nhất, vị lớn nhất.

Ngài và Đại Huyễn Hóa Võng Kim Cang là cùng một vị, bởi vì Đại Huyễn Hóa Võng Kim Cang chính là thân kim cang phẫn nộ của A Đạt Nhĩ Mã Phật, hai vị là một.

Bản thân A Đạt Nhĩ Mã Phật có rất nhiều hóa thân, từ một vị hóa ra Ngũ Phương Phật, vị Vương Tử tổng hợp của mọi pháp của Ngũ Phương Phật tập hợp lại chính là Kim Cang Tát Đỏa - Giáo chủ của Mật giáo. Truyền thừa của A Đạt Nhĩ Mã Phật là vĩ đại nhất.

Cái gọi là pháp Đại Ấn, pháp Đại Viên Mãn, pháp Đại Viên Thắng Huệ, pháp Đại Uy Đức đều là do A Đạt Nhĩ Mã Phật - cũng chính là Kim Cương Tổng Trì truyền thụ.

A Đạt Nhĩ Mã Phật vốn dĩ không có hình tướng, nhưng nếu làm thành hình tướng của Ngài thì Ngài có hình tướng màu xanh lam, bởi vì bầu trời có màu xanh lam, cho nên lấy màu sắc của bầu trời tượng trưng cho thân tướng Kim Cương Tổng Trì A Đạt Nhĩ Mã Phật, sự trang nghiêm của mọi vị Phật đều có ở trên thân của Bản Sơ Phật.

A Đạt Nhĩ Mã Phật có điểm đặc biệt là mỗi tia sáng mà Ngài phóng ra, ở đầu các tia ánh sáng đều xuất hiện một vị Phật, trong ánh sáng có Hóa Phật, nói cách khác là mỗi tia sáng trên thân Ngài đều có một vị Hóa Phật ở trong đó. Tất cả Phật, Bồ Tát, tất cả Chư Tôn, Không Hành, Hộ Pháp, toàn bộ đều là hóa thân của Ngài. 8 vạn 4 ngàn tia sáng, trong mỗi tia sáng đều có một vị Phật, đây là quán tưởng vĩ đại nhất.

Chú tự của A Đạt Nhĩ Mã Phật cực kì quan trọng, rất ít người biết chú tự của A Đạt Nhĩ Mã Phật, chú tự này là quan trọng nhất.

Ban đầu là từ chữ Ah hóa sinh, trong tâm của A Đạt Nhĩ Mã Phật có một chữ, chữ này đọc là “Uân”, chính là chữ “Uân” mà mỗi lần Sư Tôn làm pháp hội đều nói “Uân”, chính là đang niệm A Đạt Nhĩ Mã Phật.

Chú ngữ của A Đạt Nhĩ Mã Phật là “Om Benza Adharma Tatu Soha” – Om Benza Adharma Dhatu So Ha”, trong đó Benza chúng ta thường xuyên nghe thấy, biểu thị trí huệ lớn nhất. Adharma là danh hiệu của chính Ngài, Tatu là No.1, là số một, ngoài Đại Nhật Như Lai và A Đạt Nhĩ Mã Phật ra thì hầu như không có vị nào có hai chữ Tat (Dhatu - pháp giới, vũ trụ giới)

Thủ ấn của A Đạt Nhĩ Mã Phật, một cái đại diện cho dương, một cái đại diện cho âm; một cái đại diện cho trí huệ, một cái đại diện cho phương tiện, trí huệ và phương tiện kết hợp. Vì thế A Đạt Nhĩ Mã Phật mà chúng ta nhìn thấy đều là tướng song thân, tướng song thân biểu thị sự kết hợp của Phương tiện và Trí huệ, cũng biểu thị sự kết hợp của Không và Lạc, cũng biểu thị sự kết hợp của Trí huệ và Từ bi.

Nghĩa gốc của A Đạt Nhĩ Mã Phật chính là vị Phật đầu tiên trong Cao Vương Kinh, chính là Tịnh Quang Bí Mật Phật, Ngài chính là A Đạt Nhĩ Mã Phật. Tịnh Quang chính là ánh sáng, Bí Mật kì thực chính là tánh Không, chính là Phật tánh, ánh sáng và tánh Không kết hợp lại thành Tatu - vị Phật số một, cũng chính là Tịnh Quang Bí Mật Phật.

Quang minh chính là tác dụng của Phật, bí mật và tánh Không chính là bản thể của Phật, chính là Phật tánh. Hiểu được điều này thì có thể hiểu được thế nào gọi là Tịnh Quang Bí Mật Phật. Tịnh Quang Bí Mật Phật, một điểm rất quan trọng là tu hành đến sau cùng phải nhìn thấy Phật tánh, nhưng Phật tánh rất khó nhìn thấy được, có người cả đời cũng chẳng nhìn thấy Phật tánh, trong một đời này đều không nhìn thấy, thậm chí chúng sinh trong lục đạo luân hồi đều không nhìn thấy Phật tánh, bởi vì bản thân họ có nghiệp tồn tại. Phải tiêu trừ hết các nghiệp này thì Phật tánh mới có thể hiển hiện ra được.

Mỗi một thangka đều là trời tròn đất vuông:

“Thiên viên địa phương,

Luật lệnh cửu chương,

Nay ta tu hành,

Hồi quy trung ương”.

Cái gọi là thiên viên địa phương chính là phù hiệu của A Đạt Nhĩ Mã Phật, ở bên trong là một vòng tròn, bên ngoài là một hình vuông, ở giữa là một điểm, vòng tròn bên ngoài là trời tròn, tiếp theo hình vuông bên ngoài là đất vuông. Cái này chính là “Thiên viên địa phương, luật lệnh cửu chương, nay ta tu hành, hồi quy trung ương”.

Chỉ cần được quán đảnh A Đạt Nhĩ Mã Phật, học niệm tụng pháp của A Đạt Nhĩ Mã Phật, tương ứng với Ngài, thì không vào tam ác đạo, trong vòng 7 đời có thể thành Phật. A Đạt Nhĩ Mã Phật là vĩ đại nhất, không có vị nào to lớn hơn Ngài.

A Đạt Nhĩ Mã Phật là Phật ở địa thứ 16, còn ý nghĩa của 16 địa chính là:

Hai địa Quán đảnh: Lúc ban sơ, vũ trụ không có gì cả, Bản Sơ Phật đã tuôn chảy ra một điểm, sau khi tuôn chảy ra thì lại thu về. Sau đó lại tuôn chảy, lại thu về, cứ chảy ra thu về như thế, vòng tuần hoàn liên tục, cứ chảy ra lại thu về, chính là nhị địa.

Trong sát-na, hành giả sẽ có được quán đảnh, cho nên chỉ cần bạn có thể nghiêm túc tu pháp, quán tưởng Bổn tôn, Bổn tôn sẽ quán đảnh gia trì cho bạn, bất luận là Bổn tôn bên ngoài gia trì hay là Bổn tôn bên trong xuất hiện đều là quán đảnh, cho nên đệ tử Mật giáo có dòng chảy pháp liên tục.

Hai địa Pháp Vương: A Đạt Nhĩ Mã Phật là tổng pháp chủ, được xem là số một trong vũ trụ. Còn “bản sơ” và “mạt thế” đều là ngang hàng, không có phân biệt. Toàn bộ vũ trụ chính là A Đạt Nhĩ Mã Phật.

Hai địa Đồng chân: Đồng tử chính là đồng chân, mười phương pháp giới hợp lại chính là A Đạt Nhĩ Mã Phật. Toàn bộ vũ trụ chỉ là sự diễn hóa, địa ngục ngạ quỷ súc sinh đều là A Đạt Nhĩ Mã Phật hóa ra. Tất cả tịch tĩnh tiến nhập thái hư, tất cả đều là bình đẳng.

Hai địa Bất thoái: A Đạt Nhĩ Mã Phật vốn dĩ luôn tồn tại, hoàn toàn không thoái chuyển, hoàn toàn bất biến. Thân thể và tâm của A Đạt Nhĩ Mã Phật là không hai, là không thoái lùi, không tăng không giảm.

Hai địa Chánh tâm: Không hiển thì như không, hiển thì như tâm, hiển hay không hiển đều là A Đạt Nhĩ Mã Phật Đại Viên Mãn. Sinh, tử đều tốt, đều là hai địa chánh tâm.

Hai địa Phương tiện: Nếu hiển hiện thì là phương tiện, nếu không hiển hiện ra thì cũng là phương tiện. Đây chính là hai địa phương tiện.

Hai địa Trí huệ: Chính là trí, thiên cũng là trí, cho nên trí huệ thập phương đều có đủ, trí huệ chính hay thiên đều có đủ, cho nên Phật hay Ma là như nhau.

Hai địa Bí mật: Bí mật hiển hiện ra và không hiển hiện ra đều là như nhau.

Tổng cộng lại 16 địa trên chính là “Giác”, chính là “Khai Ngộ”.

---

Om Guru Lian-Sheng Siddhi Hum 


Nguồn: Chân Phật Tông

Nguồn biên dịch: chanphat.org