Đại Nhật 

Như Lai

Giới thiệu pháp tướng Kim Cương Giới Đại Nhật Như Lai Vairocana


Thân Ngài có màu vàng của diêm phù đàn kim [Loại vàng được sản xuất từ dòng sông Nada chảy qua rừng cây diêm phù. Loại vàng này có màu vàng đỏ óng ánh như tia lửa, là loại quí nhất trong các loại vàng]. Giống như tướng của Bồ Tát, đội mũ miện Ngũ Trí, đầu đội búi tóc như vương miện, toàn thân phóng ra ánh sáng đủ màu sắc, thân khoác dải lụa, đây là ấn hiệu của Bậc Chánh Giác tối cao tại Hội Đầu Đà Thiên [còn có tên khác là Ngũ Tịnh Cư Thiên, Ngũ Bất Hoàn Thiên] tay kết trí quyền ấn, có đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ngồi tư thế kiết già trên tòa bảy sư tử tuyết.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị lai lịch thù thắng của Đại Nhật Như Lai


Đại Nhật Như Lai tiếng Phạn chính là Maha Vairocana, còn gọi là Biến Chiếu Kim Cang, có nghĩa là ánh sáng lớn chiếu khắp nơi, là mặt trời to lớn chiếu khắp nơi, hoặc chiếu tất cả mọi nơi.


Đại Nhật Như Lai có ý nghĩa là ánh sáng chiếu khắp tất cả vạn vật trong vũ trụ mà không có một chút chướng ngại nào.


Bởi vì Đại Nhật Như Lai, đối với bên trong thì chiếu xuyên pháp giới chân như, đối với bên ngoài thì chiếu xuyên tất cả chúng sinh và không có trở ngại. Sự viên mãn các đức hạnh của Ngài, Pháp tánh vĩnh viễn bất biến của Ngài, có thể nói là tập hợp pháp tánh của tất cả Chư Tôn, hơn nữa còn đầy ắp mọi nơi, vì thế được tôn là chủ tôn của Mật tông, tức là Đại Nhật giáo chủ.


Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn biết Đại Nhật Như Lai có một xưng hiệu khác mà thế nhân không biết, tôn xưng của Ngài là: Tối Cao Hiển Quảng Nhãn Tạng Như Lai.


Hình tượng của Đại Nhật Như Lai trong mandala Kim cương giới gọi là Đại Nhật Trí pháp thân, tay kết ấn trí quyền.


Trong Thai tạng giới, gọi là Đại Nhật Lí pháp thân, ấn tướng là pháp giới định ấn.


Hình tượng Đại Nhật Như Lai không có tướng đứng, chỉ có tướng ngồi, ở đây có một tầng ý nghĩa sâu xa hơn. Bởi vì Ngài là Trung Ương Thiền Phật, hình tượng của Ngài chính là ở trong thiền định rất sâu.


Vairocana Đại Nhật Như Lai cũng chính là Tổ của Mật giáo. Ngài là một vị quan trọng nhất trong Ngũ Phật. Pháp giới thể tánh trí là quan trọng nhất, cũng có thể nói là toàn bộ Ngũ Trí tập trung trên người Vairocana Đại Nhật Như Lai, từ bản thân Ngài lại hóa hiện tiếp ra.


Đại Nhật Như Lai có Phật Mẫu, chính là Đại Cát Tường Thiên Mẫu (Đại Cát Tường Kim Cang Minh Phi), cũng chính là Phật Nhãn Phật Mẫu. Trước đây, tôi viết là Vô Tà Nhãn Như Lai, chính là Phật Nhãn Phật Mẫu, kì thực là một vị, Phật Mẫu và Vairocana Đại Nhật Như Lai là một. Nếu có song thân, Phật Mẫu đại diện cho trí huệ, Bổn tôn (Phật Phụ) đại diện cho phương tiện. Tuy nhiên, nếu có phương tiện mà không có trí huệ thì cũng không thành, vì thế song thân là tượng trưng cho trí huệ và phương tiện, ý nghĩa là ở đây.

Đại Nhật Như Lai có ba biểu trưng:

Thứ nhất, quang minh biến chiếu, ý nghĩa là ánh sáng của Ngài không đâu là không chiếu đến, bất kì Pháp giới nào cũng đều có thể được chiếu tới.

Thứ hai, trí huệ biến chiếu, trí huệ của Ngài là tổng hợp của mọi trí huệ bên trong các Pháp giới, chính là trí huệ viên mãn, cũng chính là trí huệ biến chiếu.


Thứ ba, phá phiền biến chiếu, Ngài có thể phá bỏ mọi phiền não.


Vì thế, “biến chiếu” của Ngài có ba ý nghĩa, một là quang minh, hai là trí huệ, ba là phá bỏ mọi phiền não.

Đại Nhật Như Lai (Phật Vairocana) có ba thân:

1. Pháp thân — Biến khắp pháp giới.

2. Báo thân — Tại Đại Tự Tại Thiên, tịnh thổ Kim Cương Pháp Giới Tối Thắng Cung. 


3. Ứng thân — Tùy hình lục đạo đủ loại giáo hóa.


Đại Nhật Như Lai là pháp thân, báo thân, ứng thân, có thể nói Ngài là mẹ của Chư Phật, thân của Ngài màu trắng, thiên y váy xếp màu trắng, đầu đội mũ Ngũ Phật, kết ấn trí quyền, ấn chuyển pháp luân, mọi pháp luân đều là do Ngài chuyển động, mọi trí huệ viên mãn nhất.

Chú ngữ Kim cương giới của Ngài là “Om Benza Tatu (Dhatu) Fan (Vam)” nghĩa là “Tôn sùng Biến Chiếu Kim Cương Đại Nhật Như Lai có trí huệ nhất”. 

Chú ngữ Thai tạng giới của ngài là “Ah Ua La Hum Khan”, chính là đất, nước, lửa, gió, không. 


Chú ngữ của cả hai bộ Kim và Thai là: “Om Benza Tatu Fan Ah Ua La Hum Khan.” Liên Sinh Hoạt Phật cho rằng mọi người niệm là “Ah Wei La Hum Khan”, có khi thì niệm là “Ah Ua (âm ở giữa ua và wei) La Hum Khan”, âm đọc như vậy mới chuẩn xác.


Om Benza Tatu Fan Ah Ua La Hum Khan.


Ngày xưa Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn từng nói, tiền thân của Liên Sinh Hoạt Phật là Liên Hoa Đồng Tử, tiền thân của Liên Hoa Đồng Tử là Vô Tà Nhãn Như Lai, tên gọi khác của Vô Tà Nhãn Như Lai chính là Phật Nhãn Phật Mẫu. Phật Nhãn Phật Mẫu vốn là Đại Cát Tường Kim Cang Minh Phi, là do Đại Nhật Như Lai sinh ra.


Liên Sinh Hoạt Phật từ lâu đã biết mình là Đại Bạch Liên Hoa Đồng Tử ở Ma Ha Song Liên Trì của Tây Phương Cực Lạc thế giới hạ sinh, chính là A Di Đà Phật phó thác mà thừa nguyện lại đến.


Nguồn gốc mà Ngài truy tìm là: Đại Nhật Như Lai hóa hiện Phật Nhãn Phật Mẫu, hai con mắt của Phật Nhãn Phật Mẫu chính là Ma Ha Song Liên Trì, Phật Nhãn Phật Mẫu hóa hiện Liên Hoa Đồng Tử, Liên Hoa Đồng Tử hóa hiện Liên Sinh Hoạt Phật.

Cho nên truyền thừa của Ngài chính là: 

Đại Nhật Như Lai - Phật Nhãn Phật Mẫu - Liên Hoa Đồng Tử - Liên Sinh Hoạt Phật.


Kinh Đại Nhật (Đại Tì Lô Giá Na thành Phật thần biến gia trì kinh), và một quyển khác là Kinh Kim Cương Đỉnh (Kim cương đỉnh nhất thiết Như Lai chân thực nhiếp Đại thừa hiện chứng đại giáo chủ Kinh), hai cuốn Kinh điển này đều là do Đại Nhật Như Lai thuyết. Mật giáo chính là lấy Đại Nhật Như Lai làm Tổ.


Trong Mật giáo, hai bộ Kinh điển của Kim cương giới, Thai tạng giới là Kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cương Đỉnh đều lấy Vairocana Đại Nhật Như Lai làm chủ tôn.


Đại Nhật Như Lai trong mandala có hai bộ, có Thai tạng bộ (Thai tạng giới) và Kim cương bộ (Kim cương giới). Thai tạng giới là nhân, Kim cương giới là quả, Thai tạng giới là mandala của nhân, Kim cương giới là mandala của quả, có nghĩa là bạn đang tu hành mandala của nhân và tu hành mandala của chứng quả.


Vì thế, các vị của Thai tạng giới gọi là “lí hóa thân”, nghĩa là hóa thân của Phật lí, các vị trong Kim cương giới gọi là “tri hóa thân”, nghĩa là hóa thân của trí huệ. Một là nhân, một là quả, hai cái khác nhau, hai cái không giống nhau.


Còn Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn là người đã từng đến Đại Tự Tại Thiên, cũng đã đi vào cung Pháp Giới Tối Thắng, gặp mặt Đại Nhật Như Lai.

Đại Nhật Như Lai Vairocana đích thực ở tại Đại Tự Tại Thiên thuyết pháp.


Đại Tự Tại Thiên không phải là cõi trời thứ sáu của Dục giới, mà là đỉnh của Sắc giới Thất Bất Hoàn Thiên.

Đại Tự Tại Thiên này không phải là cõi trời của Thiên Ma mà con người bình thường tưởng tượng ra, mà là cõi Tịnh thổ do Đại Nhật Như Lai biến hiện, cung Kim Cương Pháp Giới Tối Thắng nằm ở Tịnh thổ Đại Tự Tại Thiên này.

Bên trong Tịnh thổ này đều là Bồ Tát Thập địa, cũng tức là những Bồ Tát chuẩn bị thành Phật.

Bồ Tát Thập địa ở tại cung Kim Cương Pháp Giới Tối Thắng nghe Đại Nhật Như Lai thuyết pháp.


Nguồn: Chân Phật

Nguồn biên dịch: chanphat.org