Vô Lượng Quang A Di Đà Phật Amitabha

Giới thiệu pháp tướng A Di Đà Phật Amitabha


A Di Đà Phật thân màu đỏ, khoác áo cà sa, ngồi tư thế kiết già trên đài hoa sen nghìn cánh, hai tay kết định ấn, cầm bình bát đựng đầy cam lộ, ánh mắt từ bi nhìn chúng sinh.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị lai lịch vĩ đại của A Di Đà Phật và khẩu quyết tu pháp


A Di Đà Phật là một trong Tam Tôn căn bản của Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn. Có 48 đại nguyện A Di Đà Phật độ sinh vô lượng, Ngài còn có một tên gọi rất đẹp đẽ là “Di Đà của mọi nhà”.


Trong Mật giáo, A Di Đà Phật là một trong Ngũ Trí của hệ Đại Nhật Như Lai, sống tại Tây phương diệu quan sát tam muội. Trong Thai Tạng Giới, Ngài ở vị trí phía tây của Viện Trung Đài Bát Diệp, trong Kim Cương Giới, Ngài ở vị trí phía tây của Ngũ Giải Thoát Luân, là Như Lai phương tiện trí.


A Di Đà Phật có ba tên gọi: Hiển giáo gọi là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Mật giáo gọi là Cam Lộ Vương Như Lai. Ngoài ra còn có 13 Phật hiệu khác là: Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đối Quang Phật, Diễm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư Quang Phật, Vô Xứng Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.


A Di Đà Phật còn có thân Chánh Pháp Luân Thân và thân Giáo Lệnh Luân Thân. Thân Chánh Pháp Luân Thân là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, thân Giáo Lệnh Luân Thân là Đại Uy Đức Kim Cang. Tây phương Tam Thánh chính là A Di Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát.


Phật thuyết Đại A Di Đà Kinh có hai quyển. Một quyển do tiến sĩ Vương Nhật Hưu triều Tống đính chính. Quyển kia là “A Di Đà Tam Gia Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh” (còn gọi là Đại A Di Đà Kinh), nội dung của nó là: Phật thuyết Hóa Thân Đồng Tử, mà Hóa Thân Đồng Tử tức là Liên Hoa Đồng Tử.

Hành giả Chân Phật Tông thường niệm “Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 ngàn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật” cũng chính là Hóa Thân Đồng Tử, Liên Hoa Đồng Tử. Vì thế, Liên Hoa Đồng Tử chính là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật dùng hoa sen làm ký hiệu.


Bản địa của Liên Hoa Đồng Tử chính là A Di Đà Phật, lấy hiệu là Liên Sinh Hoạt Phật, tức ý nghĩa hóa sinh từ hoa sen, chính là A Di Đà Phật.


Về sự giáo độ của chư Phật tại thế giới Ta Bà thì A Di Đà Phật là số một. Tây Phương Cực Lạc thế giới Sukhavati có cảnh giới tam đại phẩm chia thành cửu phẩm cửu sinh. Hành giả chỉ cần nhất tâm bất loạn tin chắc vào bản nguyện của A Di Đà Phật là có thể thành tựu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới.


Tại tịnh thổ của A Di Đà Phật, trong cửu phẩm liên hoa sanh, ngay cả người có phá giới, phạm mười điều ác và phạm ngũ nghịch trọng tội cũng có thể được vãng sinh đến đây, chỉ nhờ lúc lâm chung họ một lòng niệm Phật, từ đó có thể thấy sự siêu nhiên của thế giới Cực Lạc. Bản nguyện của A Di Đà Phật thật sự vĩ đại, đây là vị Phật Vô Lượng Thọ độ sinh đệ nhất!


Sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật là tại đây có bốn loại tịnh thổ: Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thực Báo Trang Nghiêm, và Thường Tịch Quang. Đặc biệt, cõi Phàm Thánh Đồng Cư lại có thể mang nghiệp vãng sinh, là một đại phương tiện, tại Liên Hoa Thắng Cảnh, tâm sinh diệt của phàm phu sẽ chuyển thành Tâm Bồ Đề bất sinh bất diệt.


Vì sao Tây Phương Cực Lạc thế giới lại nổi danh như vậy? Căn cứ theo nghiên cứu của Ấn Thuận Đạo Sư, người Ấn Độ khá tôn sùng mặt trời chiều, tương đối sùng bái cảm giác khi mặt trời sắp lặn sau núi. Họ yêu thích sự huy hoàng và thê lương lúc mặt trời lặn, vì vậy họ phát sinh cảm giác ấy, bởi vì một ngày sắp trôi qua rồi. Cho nên từ đầu tới cuối họ đều vô cùng sùng bái buổi tà dương. Tà dương chắc chắn là ở phía Tây, ở Ấn Độ, ý nghĩa của việc Phật ở Tây phương Cực Lạc chủ yếu là vì liên quan đến việc họ sùng bái tà dương. Vì thế mà Tây Phương Cực Lạc thế giới cực kì nổi tiếng. “Tà dương đẹp vô hạn, chỉ vì sắp hoàng hôn.” Tà dương phô bày ánh sáng vô cùng huy hoàng, nhưng lại có một cảm giác thê lương, cái cảm giác ngày hôm nay sắp kết thúc rồi. Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới vô cùng nổi danh.

Từng có người hỏi Norlha Rinpoche: “Pháp lớn nhất của Mật giáo là gì?”

Ngài ấy nói một câu: “Pháp lớn nhất của Mật giáo là Di Đà đại pháp.”

Từng có người hỏi tôi (Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn):

”Ngài cả đời tu hành, từng học Đạo, học Hiển, học Mật, vậy chí hướng nằm ở đâu?”

Tôi đáp: “Tây Phương Tịnh Thổ.”

”Vì sao là Tây Phương Tịnh Thổ?”


”Trong chư Phật, bi nguyện của A Di Đà Phật là lớn nhất, lời nguyện mà tôi đã đưa ra chính là hợp với lời nguyện của Phật che chở chúng sinh. Di Đà Đại Pháp giống pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ Tông, hoàn toàn chỉ có niệm A Di Đà Phật (Amitofo), cũng tức là trì minh niệm Phật, rất nhiều người đều tu được pháp này, đây gọi là dị hành đạo (đạo dễ tu), đối với bản thân một tín đồ Phật giáo bình thường mà nói thì tương đối dễ làm. Mỗi ngày khi phải đi ra ngoài thì niệm “thập niệm pháp”, chính là hít vào một hơi, sau đó liên tục niệm, niệm đến khi hết một hơi khí đó. Rồi lại hít vào một hơi sau đó liên tục niệm đến khi hơi khí đó hết. Niệm 10 lần như vậy là có thể đi ra ngoài.


Tiến thêm một bước nữa là quán tướng niệm Phật. Bình thường ở Seattle, Liên Sinh Hoạt Phật sẽ dẫn các đệ tử nhiễu Phật, khi nhiễu Phật thì quán tưởng hình tướng của A Di Đà Phật cao như cây thông, hoặc cao hơn cả cây thông, gần như là một vị A Di Đà Phật cao tới trời ở trước mặt mình, vừa đi vừa niệm, liên tục tưởng nhớ Phật. Đây gọi là quán tướng niệm Phật, nghĩ đến hình tướng của Phật mà niệm Phật.


Nếu ở trước đàn thành tu pháp thì lại biến A Di Đà Phật thành một vị rất nhỏ, có màu vàng kim và phóng quang, trên tay cũng cầm hoa sen, một tay kết ấn thí nguyện, một tay kết ấn cầm hoa sen, một vị A Di Đà Phật nhỏ ngự ở trước trán, ở vị trí thượng đan điền. Và cũng có thể quán tưởng ngài to lớn như hư không, vừa quán tưởng, vừa niệm Phật.


A Di Đà Phật rất vĩ đại, trong số chư Phật, chúng sinh niệm nhiều nhất là A Di Đà Phật. Bởi vì sức mạnh độ chúng sinh của Ngài là lớn nhất, lại còn là vô lượng quang, vô lượng thọ, duyên phận của Ngài với chúng sinh là sâu nhất, lớn nhất.


Trong “Long Thư Tịnh Thổ Văn”, A Di Đà Như Lai có một hiệu đặc biệt, là “Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 nghìn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật”, chúng ta niệm Phật, một lúc là đã niệm được “Nam mô 36 vạn tỉ 11 vạn 9 nghìn 5 trăm đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật” rồi.


Niệm Phật là phương tiện! Niệm xong A Di Đà Phật còn cần niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, cần niệm Đại Thế Chí Bồ Tát. Với Quan Thế Âm Bồ Tát thì niệm “Ôm Mani Pêmê Hùm”, còn Đại Thế Chí Bồ Tát thì niệm “Ôm Xuy-Xuy Xua Sô-ha”. Bình thường tôi niệm Phật như vậy.


Namo Tam Thập Lục Vạn Ức, Nhất Thập Nhất Vạn, Cửu Thiên Ngũ Bách

Đồng Danh Đồng Hiệu Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Amitabha


Nguồn: Chân Phật

Nguồn biên dịch: chanphat.org