Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Giới thiệu pháp tướng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Thân của Thích Ca Mâu Ni Phật (Shakyamuni Buddha) thuần màu vàng kim, tay phải chạm xuống đất, tay trái kết định ấn, ở trên ấn nâng một cái bát đựng đầy cam lộ (hoặc hai tay cùng nâng bát cam lộ), trên thân mặc tam y của người xuất gia, tướng mạo trang nghiêm viên mãn, quang minh trong trẻo lấp lánh, thân thể giống như ngọc lưu ly, ngồi trên tòa hoa sen trắng nhập định trong ánh sáng cát tường.

Liên Sinh Hoạt Phật Lư Thắng Ngạn khai thị lai lịch thù thắng của Thích Ca Mâu Ni Phật


Thích Ca Mâu Ni Phật là giáo chủ Phật giáo, Thích Ca (Shakya) là họ của Ngài, chính là tên của một gia tộc - Tộc Thích Ca. Hai chữ Mâu Ni (Muni) chính là “năng nhân”, nghĩa là có thể làm một vị Thánh giả nhân từ trên thế gian Thiên Thượng nhân gian, ý nghĩa là một Thánh giả sinh ra trong gia tộc Thích Ca.


Bất kể là Hiển giáo hay Mật giáo đều tôn sùng Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.


Thích Ca Mâu Ni Phật trong hai bộ mandala của Mật giáo, Thai tạng giới lấy Thích Ca Mâu Ni Phật làm chủ tôn, trong Kim cương giới thì đứng cùng với Bất Không Thành Tựu Phật. Theo như Kinh Đại Nhật viết: “Thích Ca Mâu Ni toàn thân hiện màu vàng kim, có đầy đủ sự rực rỡ của 32 tướng, khoác áo cà sa màu vàng sậm, ngồi trên hoa sen trắng, ứng thân thuyết Pháp.”


Thích Ca Mâu Ni Phật có tên thế danh là Siddhartha Gautama, đản sinh ngày 8/4 bên dưới cây Vô Ưu tại khu vườn Lumbini, châu Diêm Phù Đề, nước Ca Tì La Vệ, gia tộc Thích Ca, phụ thân là vua Tịnh Phạn, mẫu thân là vương hậu Maya. 29 tuổi Ngài xuất gia, 35 tuổi thành đạo, thuyết pháp khoảng 45 năm, hơn 300 pháp hội chuyển pháp luân. Thiên nhân mà Ngài đã độ không thể tính đếm. Khoảng vào năm 543 trước Công Nguyên, ở dưới hai cây sala bên bờ sông Bạt Đề, Ngài đã viên tịch nhập diệt, thọ 80 tuổi.


Thích Ca Mâu Ni Phật đầu tiên đã độ hóa năm Tỳ kheo Kiều Trần Như, sau đó độ Tam Ca Diếp và rất nhiều Quốc vương và đệ tử khác. Ngài thường đi đi lại lại giữa các nước Ma Kiệt Đà, nước Kiêu Tát La, nước Tì Xá Ly để thuyết pháp.


Câu chú của Thích Ca Mâu Ni Phật là “Om Muni Muni Maha Muni Shakyamuni Soha.” Ý nghĩa chính là “Năng nhân, có thể thực hành nhân từ lớn nhất, Thánh giả.”


Những giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật vô cùng vĩ đại, đối với Tiểu Thừa, vào lần chuyển pháp luân đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, Ngài đã dạy Tứ Diệu Đế: Khổ-Tập-Diệt-Đạo. Khổ-tập-diệt-đạo chính là Tứ Thánh đế của Tiểu thừa.


Ý nghĩa của khổ-tập-diệt-đạo là sống trên đời có rất nhiều phiền não, rất nhiều đau khổ. Niềm vui cũng có nhưng không nhiều. Trên thế gian này, cuối cùng đều quy về diệt, nghĩa là đều sẽ tiêu tan. Đến khi diệt rồi, trước lúc bạn tiêu tan đi, bạn đã giác ngộ được diệt, vào lúc đó, bạn  mới có thể chứng ngộ đạo lí của Phật.


Vì thế trên đời không có niềm vui chân chính. Nói chung, niềm vui đều rất ngắn ngủi, khổ thì tương đối nhiều.

Bạn thu gom toàn bộ khổ lại, cuối cùng là không khổ - không lạc, tức là diệt rồi, không còn nữa, khi ấy bạn mới có thể chứng Đạo. Đây chính là khổ-tập-diệt-đạo mà đã Ngài thuyết pháp cho Tiểu thừa trong lần chuyển pháp luân đầu tiên.


Lần chuyển pháp luân thứ hai, Thích Tôn đã dạy Bát nhã thừa - Ma ha bát nhã ba la mật đa thừa, đây cũng là pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật dạy, chính là lục độ vạn hạnh. Bạn làm một Bồ Tát, một người phải lợi tha, một người phải hoán đổi mình với người khác, một người phải bình đẳng, phát bồ đề tâm cứu độ chúng sinh, đây chính là Ma ha bát nhã ba la mật đa thừa, chính là Bồ Tát thừa.


Muốn trở thành một Bồ Tát, bạn phải dùng pháp lục độ viên mãn ba la mật (paramita) là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, tinh tấn, trí huệ để độ hóa chúng sinh. Đây chính là Bồ Tát thừa mà Thích Ca Mâu Ni Phật giảng. Bồ Tát thừa lấy việc phát bồ đề tâm làm chủ, bồ đề tâm còn được gọi là bình đẳng, chúng sinh đều bình đẳng. Sư Tôn và mọi người đều bình đẳng, bất kì người nào cũng có Phật tánh.


Lợi tha, là không nghĩ cho bản thân, mà nghĩ cho chúng sinh, nghĩ cho người khác, tức là lợi tha.


Hoán đổi mình với người khác chính là điều mà Khổng Tử nói: “Điều mình không muốn thì đừng làm với người khác.” Bạn có sẵn lòng bị người ta phỉ báng không? Không sẵn lòng. Vậy thì bạn đừng phỉ báng người khác, làm trái điều này thì không phải là Phật pháp. Thứ mà bản thân không muốn thì đừng cho người khác, đừng mang thêm điều đó vào người khác, khiến người ta đau khổ thêm.


Tôi đã từng nói phải biết tri ân, tri ân cha mẹ. Bạn làm sao mà lớn lên, không có cha mẹ, bạn có thể trưởng thành không? Không thể nào, không thể! Cha mẹ sinh ra ta, cha mẹ giáo dục ta, thậm chí là người nuôi nấng bạn mặc dù không phải là cha mẹ, nhưng cũng không khác gì cha mẹ. Cho nên phải biết tri ân đó! Phải biết cảm niệm cái ơn này! Đến cuối cùng phải báo ơn, đây chính là đạo lí mà bản thân Đức Phật đã giảng.


Thích Tôn cũng trong thời gian này đã dạy về duyên giác, tất cả chân lí giác ngộ thế gian, có pháp 12 nhân duyên, khi đắc đạo thì được gọi là Duyên Giác. Đây cũng là điều Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy.


Sự vĩ đại của Phật, ba lần Ngài chuyển pháp luân, lần chuyển cuối cùng chính là thuộc về Bí mật thừa, Ngài dạy bạn thành Phật, dạy bạn minh Tâm, dạy bạn kiến Tánh. Đây đều là do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng, chỗ vĩ đại của Ngài chính là ở đây. Có ba trọng điểm, trọng điểm thứ nhất là tâm xuất li, quan trọng nhất. Rõ ràng bạn biết rằng thế giới Ta Bà rất khổ, có theo đuổi cái gì cũng đều không có tác dụng, đều không có được, vô sở đắc, trong Tâm Kinh đã nói rồi, “dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa”. Bởi vì bạn không có được cái gì nên mới trở thành một Bồ Tát.


Thích Ca Mâu Ni Phật giảng như vậy, lẽ nào bạn không biết thế gian này là vô sở đắc sao? Cái gì cũng đều không có được sao? Bởi vì bạn vô sở đắc, nên khi bạn biết là vô sở đắc rồi, bạn mới có thể đốn ngộ, trở thành Bồ Tát lợi tha chân chính.


Vì thế mọi người cũng đừng tranh tới tranh lui, trên thế gian có những chuyện thị phi, đều là vì hai chữ đấu và tranh. Nếu có tâm bình đẳng, tâm lợi tha, hoán đổi mình với người khác, đến cuối cùng, khi bạn đã hiểu tất cả mọi thứ của thế gian, vì vô sở đắc, bạn sẽ hiểu thế gian, bạn sẽ có thể đốn siêu và trở thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng như vậy.


Người xuất gia ngày nay, bởi vì đã vứt bỏ ngôi nhà thế tục, cho nên cũng có nghĩa là đã đi vào ngôi nhà của Pháp Vương, vứt bỏ đi họ tên thế tục, trở thành mang họ Thích Tôn. Điều này do pháp sư Đạo An thời Tấn đề xướng. Kinh A Hàm cũng nói thế này: “Bốn sông đổ vào biển, không còn gọi là sông nữa, bốn họ xuất gia, đều xưng họ là Thích.” Đây chính là nguyên nhân mà đệ tử của Phật Thích Ca đều đổi tên lấy họ Thích.


Có rất nhiều người xuất gia và đệ tử Phật môn biết rất nhiều phương pháp tiêu nghiệp chướng. Nhưng họ không biết chân ngôn của Thích Ca Mâu Ni Phật lại là đại bí mật để tiêu trừ nghiệp tội cực nặng. Đại bộ phận đệ tử chỉ biết Phật pháp mà giáo chủ Phật giáo tại thế đã truyền được kết tập trong Tam Tạng Thập Nhị Bộ, là kho tàng văn hóa quý báu của phương đông, nhưng lại không biết có đại bí mật.


Trong pháp Yết Ma tiếng Pali, cho biết, Thích Ca Mâu Ni Phật vốn là một vị Công Đức Vương Thế Tôn (Bhagavan) Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng chính là giáo chủ của thế giới Ta Bà. Trong Mật pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật rốt cục lại là Bổn tôn sám hối tội chướng tiêu nghiệp chướng.


Người tu trì pháp Thích Ca Mâu Ni Công Đức Vương chẳng bao lâu sẽ có thể có được túc mệnh thông, tiền kiếp của mình sẽ lần lượt như ở ngay trước mắt, giống như xem phim vậy, trong chốc lát đã hiểu rõ nhân quả đời trước, nhờ tu pháp này mà nghiệp kiếp trước của chính mình đều sẽ rõ mồn một.


Trọng điểm của pháp này nằm ở hào quang màu trắng của nước cam lộ, tương đương với quán đảnh của Thích Ca Mâu Ni Phật, dùng ý nghĩa tối thượng của Phật quả, từ đỉnh đầu đi vào trong thân của hành giả, ý nghĩa là có thể khiến cho công đức biến thành đại viên mãn. Đây đương nhiên là Mật pháp tiêu nghiệp chướng lớn nhất.


Nguồn: Chân Phật

Nguồn biên dịch: chanphat.org